Học bổng “Đèn đom đóm”: Những học trò nặng gánh mưu sinh
23h. Dọc con phố Tây náo nhiệt ở Sài Gòn, hai đứa trẻ len lỏi giữa dòng người tản bộ ngược xuôi để bán kẹo. Sáng sớm hôm sau, hai bạn nhỏ “đường phố” đó lại tất tả đến trường.
Học bổng “Đèn đom đóm”: Những học trò nặng gánh mưu sinh
23h. Dọc con phố Tây náo nhiệt ở Sài Gòn, hai đứa trẻ len lỏi giữa dòng người tản bộ ngược xuôi để bán kẹo. Sáng sớm hôm sau, hai bạn nhỏ “đường phố” đó lại tất tả đến trường.
Hai anh em Minh Hoàng và Minh Thành bán kẹo mưu sinh trên đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN |
Đó là hai trong số nhiều học trò nặng gánh mưu sinh – những trường hợp được xét trao học bổng “Đèn đom đóm”.
Hai đứa trẻ ngoan lắm, thấy mẹ cơ cực nên biết san sẻ với mẹ. Người mẹ này cũng tuyệt vời lắm, vượt lên cái khó, cái khổ, nung nấu ước mơ mãnh liệt là hai con được học hành nên người |
Cô giáo NGUYỄN THỊ MINH TUYẾT (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Ánh Sáng) |
Đó là hai anh em ruột Nguyễn Minh Hoàng (9 tuổi) và Nguyễn Minh Thành (8 tuổi), học sinh Trường tiểu học Ánh Sáng (Q.3, TP.HCM). Hơn một năm nay, hai đứa trẻ lăn lộn trên đường phố chia sẻ gánh nặng cơm áo với mẹ và bà ngoại, bởi cuộc sống tha hương của gia đình gốc Quảng Ngãi này quá cơ cực.
Điều chị Sen làm được
Căn phòng trọ tuềnh toàng của gia đình hai em nằm sâu trong con hẻm nhỏ dưới chân cầu Kênh Tẻ ở quận 8. Vài hôm trước ngày tựu trường, thấy đầu hẻm có chiếc cặp cũ trong đống rác, chị Võ Thị Sen (mẹ của Hoàng và Thành) lượm về giặt sạch. Dù sao chiếc cặp này cũng còn lành lặn hơn chiếc cặp đã đứt cả hai quai mà ba năm nay Hoàng vẫn ôm đến lớp mỗi ngày.
Nhưng may mắn là mới vài ngày gần đây thôi, một người dưng thấy vậy tìm đến tận nhà cho hai mẹ con bao gạo, sắm cho hai đứa trẻ cặp mới như một món quà đầu năm. “Cha hai đứa bỏ đi đã lâu, làm mẹ mà không lo được cho con do cứ ốm đau hoài, thực lòng tôi kham không nổi” – chị Sen kể.
Với những đứa trẻ mưu sinh đường phố, chuyện đi học là quá xa xỉ. Ấy vậy mà chị Sen lại làm một điều mà những “đồng nghiệp đường phố” bảo chị… khùng. Đó là cưu mang thêm một đứa cháu và cho cả ba đứa đi học. “Nếu không đi học nó sẽ không biết chữ, rồi cũng lại dốt nát, nghèo hèn như tôi thôi, con tôi phải khác” – chị cương quyết.
Hằng đêm, chị chở cả gia đình ra phố Tây. Chị Sen thì xiếc lửa. Mẹ chị, bà Nguyễn Thị Cúc (80 tuổi), cùng hai cháu ngoại Hoàng và Thành bán kẹo, cứ như thế đến tận 12h đêm. Có những đêm trời mưa, cả mấy bà cháu núp dưới mái hiên đến tận nửa đêm rồi lặng lẽ ra về mà trên tay chỉ gom được mấy đồng bạc lẻ.
Cuộc sống gian truân là thế nhưng khi lật giở những tờ giấy khen của con, trên khuôn mặt người mẹ tiều tụy này ánh lên một niềm hi vọng, dẫu con đường học của cả ba đứa vẫn còn lắm gian nan.
Tăng Ngọc Trúc Linh là một trong những học sinh giỏi và tích cực tham gia các hoạt động của trường – Ảnh: MINH PHƯỢNG |
Mùa hè nỗ lực của hai nữ sinh Sài Gòn
Trọn mùa hè vừa qua, Tăng Ngọc Trúc Linh và Phạm Hà Anh Thi, hai nữ sinh lớp 12 Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), đi làm thêm để có khoản tiền nho nhỏ mua sắm sách vở, đồ dùng học tập và một phần tiền học. Trúc Linh và Anh Thi có chung một “nghề”: giữ trẻ cho hàng xóm.
Ba mẹ Thi ly dị, Thi sống với ba từ hồi 7 tuổi. Hai em của Thi về quê sống với mẹ ở Vĩnh Long. “Hằng ngày ba chạy xe ôm, giao hàng, sửa xe” – Thi cho biết. Các năm học Thi đều là học sinh khá, giỏi.
Còn Trúc Linh thì mấy chị em sống với mẹ ở nhà bà ngoại. 10 năm trước, mẹ em gặp một cơn bạo bệnh, không kịp chạy chữa nên bị khiếm thị đến bây giờ. Ba Linh là lao động chính nuôi gia đình nhưng công việc không ổn định, khi làm phụ hồ, lúc sửa xe, cứ ai kêu gì làm nấy.
Cuộc sống dù khó khăn nhưng Linh không bi quan, tự ý thức được việc học hành của mình. “Hằng ngày mình thường ké xe bạn đi học. Nhà có xe đạp nhưng để chị gái đi làm” – Linh nói. Linh bảo luôn tự dặn bản thân nỗ lực học hành để trở thành cô giáo.
Dù năm học cuối cấp bận rộn, Phạm Hà Anh Thi vẫn đi coi trẻ vào ngày cuối tuần để kiếm thêm tiền trang trải học tập – Ảnh: MINH PHƯỢNG |
100 suất học bổng Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng “Đèn đom đóm”, 3 triệu đồng/suất. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức. Theo ông Trần Quốc Huân – phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, từ khi khởi xướng cho đến nay đã 15 năm, chương trình trao tặng 25.000 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 20 trường học. “Những suất học bổng giúp các em có thêm nghị lực tiếp tục vươn lên” – ông Huân nói. |