12/01/2025

Nhiều ngành cao đẳng ‘bao’ việc làm cho sinh viên

Tại nhiều trường cao đẳng, nhà trường “bao” sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Có trường cam kết nếu sinh viên không có việc làm sẽ được hoàn trả học phí.

 

Nhiều ngành cao đẳng ‘bao’ việc làm cho sinh viên

Tại nhiều trường cao đẳng, nhà trường “bao” sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Có trường cam kết nếu sinh viên không có việc làm sẽ được hoàn trả học phí.


 

 

Nhiều ngành cao đẳng 'bao' việc làm cho sinh viên
Sinh viên khoa cơ khí Trường CĐ nghề TP.HCM trong giờ thực hành trên máy phay – Ảnh: NHƯ HÙNG

“Việc kết hợp nhà trường – doanh nghiệp là điều phải làm. Doanh nghiệp không chạy theo trường, nhưng trường phải chạy theo doanh nghiệp. Thực tế hiện nay nhiều ngành của trường được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp”

Bà Nguyễn Thị Lý (hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức)

Nhóm ngành được “bao” việc làm nhiều nhất là kỹ thuật, nhà hàng khách sạn. Nhiều ngành như cơ khí, điện, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp và được tuyển dụng ngay từ khi đang học năm hai.

Đảm bảo 100% sinh viên có việc làm

Ông Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông – cho biết tất cả các ngành kỹ thuật của trường đều đảm bảo 100% việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Theo ông Hải, với nhóm ngành kỹ thuật như cơ khí, điện, ôtô, xây dựng… nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp rất lớn.

“Trường cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật đều có việc làm ngay khi tốt nghiệp với mức lương không dưới 5 triệu đồng/tháng” – ông Hải nói.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM – cho biết các ngành quản trị nhà hàng khách sạn, quản trị bếp ẩm thực, quản trị du lịch lữ hành, quản trị kinh doanh, kỹ thuật xây dựng, điện công nghiệp và công nghệ thông tin của trường đều được cam kết 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

“Khi vào trường, sinh viên sẽ được phổ biến ngay cam kết này. Trước đó, trường đã ký kết với các doanh nghiệp về việc tham gia đào tạo cùng trường cũng như tuyển dụng sinh viên ngay khi tốt nghiệp. Mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, ngành công nghệ thông tin có lương cao hơn.

Riêng với ngành nấu ăn, tỉ lệ thăng tiến khá nhanh. Chỉ sáu tháng sau khi tốt nghiệp, một nửa lớp sinh viên tốt nghiệp khoá 2016 đã lên vị trí tổ trưởng” – ông Lý giải thích.

Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cam kết việc làm cho tất cả ngành đào tạo của trường, nếu sinh viên không có việc làm sẽ được hoàn trả học phí.

Cũng với cam kết này, ông Lê Lâm – hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn – cho hay khi sinh viên nhập học, trường sẽ ký ngay cam kết đảm bảo việc làm khi tốt nghiệp đối với các ngành cơ khí, ôtô và quản trị nhà hàng – khách sạn.

Sinh viên có trách nhiệm thực hiện tốt quá trình đào tạo, đảm bảo tiêu chí đầu ra, trong khi trường đảm bảo việc làm. Nếu không thực hiện được cam kết, trường sẽ có trách nhiệm hoàn trả học phí, hoặc đào tạo bổ sung để sinh viên có việc làm.

Tuy không cam kết đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, nhưng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cũng có nhiều giải pháp kết nối doanh nghiệp để tiếp nhận sinh viên thực tập, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Lý – hiệu trưởng nhà trường – cho hay: “Khối ngành kỹ thuật rất thiếu nhân lực. Nhiều sinh viên khi đi thực tập đã được doanh nghiệp tuyển dụng. Ở các ngành như cơ khí, ôtô, sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay. Riêng với ngành cơ khí, ngay từ khi đi thực tập tại doanh nghiệp ở năm hai, nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp trả lương”.

Lắng nghe 
doanh nghiệp

Ông Lê Lâm chia sẻ để được doanh nghiệp đào tạo, sinh viên phải đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp. Và để sinh viên làm được việc này, trường phải khảo sát ý kiến doanh nghiệp nhằm xây dựng chương trình phù hợp.

Ngoài các chuyến kiến tập, thực hành, từ năm ba sinh viên sẽ có thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Đây có thể xem là giai đoạn học việc của sinh viên.

Doanh nghiệp sẽ hướng dẫn việc, các kỹ năng cần thiết, đồng thời góp ý cho trường những nội dung cần phải bổ sung vào chương trình để đáp ứng yêu cầu công việc của họ. Các khoa của trường lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng việc gắn kết với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của họ giúp trường thay đổi phương thức đào tạo để sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp giảng dạy và chấm điểm

Ông Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM – nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp khi tham gia đào tạo gắn với tuyển dụng. Theo ông, doanh nghiệp ngoài việc góp ý chương trình đào tạo còn tham gia giảng dạy và chấm điểm sinh viên của trường.

“Doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động, trường có nhu cầu đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo cũng như việc làm cho sinh viên. Chủ một doanh nghiệp dạy một sinh viên từ chỗ chưa biết gì về nghề đến khi họ thành thục nên nắm rõ quá trình đấy, họ đâu dễ để doanh nghiệp khác tuyển dụng mất.

Họ cũng không có lý do gì đi tuyển một người họ chưa hiểu rõ, trong khi lại không tuyển dụng chính học trò của mình” – ông Lý nói.

MINH GIẢNG