Thắc mắc việc kiểm tra ở hải quan sân bay Tân Sơn Nhất
Vụ việc xảy ra đã một tháng nhưng ông Đào Minh Quân (45 tuổi), ngụ ở đường số 11, P.Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn rất bức xúc chuyện kiểm tra hành lý khi cha con ông làm thủ tục nhập cảnh.
Thắc mắc việc kiểm tra ở hải quan sân bay Tân Sơn Nhất
Vụ việc xảy ra đã một tháng nhưng ông Đào Minh Quân (45 tuổi), ngụ ở đường số 11, P.Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn rất bức xúc chuyện kiểm tra hành lý khi cha con ông làm thủ tục nhập cảnh.
Ông Quân kể với PV Thanh Niên, cha con ông từ Mỹ về đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc gần 18 giờ ngày 10.6 bằng chuyến bay của Hãng Cathay Pacific số hiệu CX799 (quá cảnh Hồng Kông). Khi làm thủ tục hải quan, ông Quân cho biết ngoài hai ba lô mang theo người, cha con ông còn có 4 kiện hành lý ký gửi. Sau khi soi chiếu hết hành lý, phía hải quan đề nghị giữ lại một kiện hành lý, hỏi trong đó có gì. Ông Quân đáp chỉ có trái cây, thuốc bổ, quần áo, dầu gội, kem đánh răng… đem về làm quà cho người thân, bạn bè.
Sau đó, nhân viên hải quan yêu cầu cha con ông phải vào phòng cách ly. Thay vì phải kiểm tra một kiện hành lý, phía hải quan gần 10 nhân viên đã xét toàn bộ hành lý cả xách tay lẫn ký gửi để kiểm tra “từng lọ dầu thơm, từng cục xà bông”. Việc kiểm tra kéo dài hơn 1 giờ tại phòng cách ly sân bay.
“Điều tôi thấy buồn lòng là con gái tôi đang ở tuổi dậy thì, trước khi đi mẹ cháu chuẩn bị cho cháu từng chiếc quần áo lót, thậm chí cả đồ dùng cá nhân cho phụ nữ. Thế mà nhân viên hải quan kiểm tra, bày những thứ này trên bàn ở trước mặt cháu. Con tôi từ nhỏ sống ở Mỹ nên dường như không hiểu chuyện gì đã xảy ra lúc đó”, ông Quân nói thêm, điều vô lý là trước đó hành lý đều được kiểm tra qua máy soi ở sân bay, không phát hiện điều gì bất thường, sao lại bắt mở ra kiểm tra lại?
Trước tình cảnh như vậy, ông Quân điện thoại nhờ người can thiệp. Sau đó, ông Phan Đức Thắng, Phó đội trưởng Đội thủ tục hành lý nhập khẩu, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, tới làm việc. Ông Thắng nói với ông Quân đây chỉ là sự hiểu lầm và yêu cầu nhân viên hải quan nhanh chóng đóng đồ, trả lại hành lý cho cha con ông Quân.
“Ở Mỹ hay các nước phát triển, việc lục lọi đồ dùng riêng tư, quần áo lót của trẻ dưới 14 tuổi là điều cấm kỵ. Ngay như tôi là cha cũng không có quyền xét nét, kiểm tra mà mọi thứ phải để cho mẹ cháu giải quyết”, ông Quân tâm sự.
Nhân viên hải quan làm đúng!
Ông Phan Đức Thắng cho hay sau khi soi chiếu hàng hoá, nhân viên hải quan nghi ông Quân có mang nhiều loại thuốc, mỹ phẩm nên buộc mở hành lý để kiểm tra. Tuy nhiên, khi kiểm tra, số hàng mà ông Quân mang theo chỉ là vitamin bổ dưỡng, dầu gió rẻ tiền… với trị giá khoảng 530 USD và được miễn thuế.
Ông Thắng lý giải việc kiểm tra toàn bộ hàng hoá của ông Quân là để xác định số lượng hàng hoá mà ông này được miễn thuế. Hiện mỗi người nhập cảnh vào VN được mang hàng miễn thuế không vượt quá 10 triệu đồng/người. “Ở sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách phải vào phòng cách ly để kiểm tra hàng hóa có tỷ lệ không nhiều, chỉ khoảng 5%. Tôi khẳng định không có chuyện hải quan vòi vĩnh mà đây chỉ là sự hiểu lầm của anh Quân. Mọi trường hợp kiểm tra đều có camera giám sát. Trường hợp trên, anh em đã làm đúng thủ tục”, ông Thắng khẳng định.
Còn chuyện kiểm tra những đồ dùng riêng tư, tế nhị trước mặt trẻ con như ông Quân phản ánh, ông Thắng lý giải theo quy định của hải quan VN, nhân viên hải quan phải kiểm tra hàng hoá, tư trang trước mặt hành khách dù đó là người lớn hay trẻ em. Trên bàn kiểm tra sẽ có rất nhiều khay, hành khách sẽ tự lấy đồ trong hành lý đặt lên khay để phân loại hàng hoá.
|
Các nước kiểm tra ra sao?
Từng đi nhiều nước và dẫn khách đi du lịch ở nước ngoài, ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế hệ Trẻ, cho biết nếu cần phải kiểm tra, hải quan hay nhà chức trách nước ngoài ở sân bay sẽ mời khách vào phòng và chỉ yêu cầu mở một phần hay lật chỗ hành lý đó ra để xem đó là vật gì chứ không bắt khách đưa ra từng cái, nhất là liên quan đến đồ lót phụ nữ. Úc và New Zealand là hai nước kiểm tra khắt khe hành lý của khách nhưng khi có nghi vấn, nhân viên hải quan sẽ đeo găng tay để lấy những đồ vật nghi bất hợp pháp ra ngoài để kiểm tra.
“Dẫn khách đi ra nước ngoài, tôi chưa bao giờ thấy hình ảnh phản cảm đó. Một nước văn minh thì hải quan không có kiểu kiểm tra từng cái quần áo lót của phụ nữ như vậy. Bởi trước đó hành lý của khách đã được máy móc quét và kiểm tra rồi”, ông Dũng khẳng định.
Tại một số sân bay ở Nhật, việc kiểm tra hành lý xách tay khi cần thiết cũng được làm rất cẩn trọng và tế nhị. Nhân viên hải quan trước khi đề nghị khách tự mở hành lý, luôn dùng một tấm che đặt ngăn tầm nhìn của những người đang xếp hàng phía sau trước khi mang các đồ đạc ra khỏi túi. Sau khi kiểm tra xong, người kiểm tra rất cẩn trọng đặt ngay ngắn lại vào túi xách hoặc vali của khách kèm lời xin lỗi đã làm phiền.
Thực tế thời gian gần đây việc kiểm tra hàng hoá của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã có nhiều cải tiến đáng kể về thời gian, thủ tục, quy trình ở cả chiều xuất lẫn nhập cảnh, nhưng rõ ràng qua sự việc vừa rồi cho thấy cần giám sát chặt chẽ lực lượng thi hành công vụ tại đây.
T.Hiếu – B.C
|
Trung Hiếu