29/11/2024

Tử tù Iran đào thoát, Kuwait làm nóng vùng Vịnh

Cuộc khủng hoảng giữa Qatar với nhóm “bộ tứ Ả Rập” còn chưa ngã ngũ thì lại bùng lên va chạm ngoại giao giữa Kuwait với Iran sau khi 16 trọng phạm, trong đó có một tử tù Iran, đào thoát.

 

Tử tù Iran đào thoát, Kuwait làm nóng vùng Vịnh

Cuộc khủng hoảng giữa Qatar với nhóm “bộ tứ Ả Rập” còn chưa ngã ngũ thì lại bùng lên va chạm ngoại giao giữa Kuwait với Iran sau khi 16 trọng phạm, trong đó có một tử tù Iran, đào thoát. 

 

 

 

 

Tử tù Iran đào thoát, Kuwait làm nóng vùng Vịnh
Một quan chức Bộ Nội vụ Kuwait dán bảng thông báo về những phạm nhân đào tẩu hôm 19-7 – Ảnh: AFP

Ngày 20-7, Kuwait “bỗng nhiên” tuyên bố những biện pháp bất thường đối với phái bộ ngoại giao Iran tại nước này.

Trong số đó có việc yêu cầu hạ số nhân viên ngoại giao Iran tại Kuwait từ 19 xuống 14 người, đóng cửa văn phòng tuỳ viên văn hoá và văn phòng tuỳ viên quân sự của Iran tại Kuwait và đình chỉ hoạt động của các tiểu ban hợp tác giữa hai nước.

Vụ đào tẩu hi hữu

Đó là phản ứng tức thời từ phía Kuwait đối với một sự kiện cũng bất thường mới xảy ra.

 

Theo thông báo ngày 19-7 của Bộ Nội vụ Kuwait, đã có một vụ đào tẩu rất hi hữu của 16 phạm nhân, trong đó có một tử tù người Iran.

 

16 người này đã bị toà phúc thẩm Kuwait kết án từ tháng 7-2016 trong vụ án “tổ chức vũ trang bất hợp pháp chống lại vương triều” bị phát hiện từ tháng 8-2015.

Trong vụ này, ngoài các nghi phạm bị bắt giữ, cơ quan an ninh Kuwait còn tịch thu rất nhiều vũ khí, chất nổ và các tài liệu chứng tỏ nhóm này đang chuẩn bị kế hoạch phá hoại chống lại Nhà nước Kuwait.

Các tài liệu điều tra tố cáo “vai trò của Iran” trong việc tuyển mộ, tài trợ và điều hành tổ chức này.

Khi vụ án bị phát hiện năm 2015, trùng thời điểm với căng thẳng quan hệ giữa Iran với Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain, nhiều nghị sĩ Quốc hội Kuwait đã đòi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Nhưng Quốc vương Sabah al-Ahmad al-Sabah vốn bản tính hoà hiếu không muốn căng thẳng thêm nữa với nước láng giềng lớn bên kia bờ Vịnh.

Chi tiết vụ 16 phạm nhân trọng án “biến mất” không được Kuwait chính thức công bố, nhưng các tin thẩm thấu cho rằng đây là kết quả của một kế hoạch giải cứu thành công do cơ quan tình báo Iran thực hiện.

Theo các tin không chính thức này, 16 kẻ đào tẩu đã cao chạy xa bay nhờ một xuồng cao tốc chờ sẵn đưa họ sang bờ bên kia vịnh Persic!

Sứ mệnh của ngoại trưởng Mỹ

Việc Kuwait trở thành quốc gia Ả Rập vùng Vịnh thứ tư xung khắc với Iran là diễn biến mới phù hợp với đường lối chiến lược ở Trung Đông của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhằm tập trung chống Iran, cùng với tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Khi xảy ra sự kiện “bộ tứ Ả Rập” gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt mọi quan hệ với Qatar hồi đầu tháng 6 vừa qua, Kuwait được cả đôi bên xung khắc chấp nhận đóng vai trò “trung gian liên hệ”.

Vụ xung khắc quyết liệt này đẩy chính quyền Tổng thống Trump vào vị thế khó xử. Nếu Qatar bị Ả Rập dồn vào đường cùng thì tiểu quốc này khó tránh khỏi càng lún sâu vào quỹ đạo của Iran.

Trong trường hợp ấy, chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Iran sẽ đứng trước những rủi ro khó lường. Thậm chí, nhiều người trong chính giới Mỹ đã phải nói đến tình huống dời căn cứ quân sự Mỹ khỏi Qatar – nơi đóng đại bản doanh của bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Trung Đông.

Để cứu vãn tình hình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đích thân thực hiện liên tiếp nhiều chuyến công du con thoi giữa Riyadh, Kuwait và Doha để thực hiện sứ mệnh “giải toả xung đột”, mà thực chất là vừa thuyết phục vừa gây áp lực buộc đôi bên xung khắc phải xuống thang, không để cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Dư luận Ả Rập cho rằng nếu không có vai trò đầy nỗ lực của Tillerson thì không chừng chiến tranh đã nổ ra! Những nỗ lực ấy dường như đã bước đầu le lói hi vọng ngăn Qatar trượt dài theo hướng tách khỏi cộng đồng vùng Vịnh.

Quốc vương Tamim tuy không công khai chấp nhận “yêu cầu phi lý” của “bộ tứ Ả Rập”, nhưng đã ban hành sắc lệnh sửa đổi luật chống khủng bố năm 2004 của Qatar.

Trong nội dung sửa đổi có các quy định về chống mọi hình thức tài trợ cho khủng bố mà “bộ tứ Ả Rập” kiên quyết đòi hỏi.

Mạnh tay hơn với Iran

Các nghị sĩ Kuwait vốn không ưa quan hệ hữu nghị với Iran, một mặt yêu cầu Bộ Nội vụ “phải chịu trách nhiệm” về vụ đào tẩu hi hữu này; mặt khác tiếp tục đề nghị nhà vua mạnh tay hơn nữa với Iran.

NGUYỄN NGỌC HÙNG