11/01/2025

Đến trường giữa muôn gian khó

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu ở ngõ thuộc thôn Cam Lộ Phường (Cam Nghĩa, Cam Lộ), một người già lom khom cuốc từng luống đất. Ngay phía sau, một đứa trẻ cắm cúi nhặt từng củ nghệ tươi bỏ vào rổ.

 

Đến trường giữa muôn gian khó

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu ở ngõ thuộc thôn Cam Lộ Phường (Cam Nghĩa, Cam Lộ), một người già lom khom cuốc từng luống đất. Ngay phía sau, một đứa trẻ cắm cúi nhặt từng củ nghệ tươi bỏ vào rổ.

 

 

 

 

Đến trường giữa muôn gian khó
Huyền giúp bà ngoại làm sạch rổ nghệ đem bán để lấy tiền mua sắm đầu năm học – Ảnh: QUỐC NAM

Bà tên Nguyễn Thị Hảo, đã 74 tuổi. Còn cháu tên là Nguyễn Thị Thu Huyền, sắp bước vào lớp 6.

Bóng trẻ nương tựa 
bóng già

Như cố gắng nói nhỏ đi vì sợ cháu buồn, bà Hảo kể Huyền ở với bà từ khi còn nhỏ. Cha mẹ Huyền về ở với nhau chưa lâu thì chia tay, mỗi người mỗi ngả khi Huyền mới gần 3 tuổi. Cha Huyền về lại quê Quảng Bình và biệt tăm luôn từ đó.

Thương con, nhưng không biết làm sao hơn, mẹ Huyền phải gửi con cho bà ngoại để vào Nam kiếm sống. Ngày mẹ lên xe đi xa, Huyền còn ngơ ngác. Chỉ bà Hảo là ứa nước mắt. Phần thì xót con, phần thì thương cháu.

 

Bà Hảo đã nhiều tuổi nên không còn làm được việc nặng nhọc. Chỉ quanh quẩn với mấy luống nghệ, luống khoai ngoài vườn. Mẹ Huyền làm công nhân, chẳng dư dả được nhiều. Hai người nuôi một người nhưng vì thế nên cũng nhọc nhằn lắm.

Vào đầu mỗi năm học chi phí cho Huyền khá nhiều. Năm nay Huyền lên cấp II, những chi phí sẽ càng tăng. Bà Hảo thì ngày một già yếu. Ngay cả bà cũng chưa biết khi đó mình sẽ xoay xở như thế nào.

Thiếu vắng hơi ấm và sự chăm sóc của cha mẹ, nhưng Huyền lại rất ham học. Năm năm học tiểu học Huyền đều đạt học sinh giỏi. Bà Hảo nói Huyền còn nhỏ nhưng đã thấu hiểu hoàn cảnh của mình nên càng có ý thức về việc học. Nhiều đêm học xong nhớ mẹ, Huyền cũng khóc. “Có hôm về thấy nó buồn buồn. Gặng hỏi mãi nó mới chịu kể là hôm nay ở lớp học bài về gia đình” – bà Hảo kể.

Đến trường giữa muôn gian khó
Mẹ nằm viện, hai anh em Văn Ngọc Quốc ở nhờ nhà bà ngoại – Ảnh: Q.NAM

Nguy cơ đường học dở dang

Tuy may mắn hơn Huyền là còn có mẹ ở bên, nhưng hoàn cảnh của em Văn Ngọc Quốc ở Phú Hưng (Hải Phú, Hải Lăng) cũng bi đát không kém. Một giáo viên dạy gần nhà em nhân tiện ghé qua thấy xót xa quá nên nhắn cho biết: “Khi tôi chào ra về, mấy mẹ con cứ đứng ở cửa dõi theo như mong chờ một điều kỳ diệu nào đó sẽ đến”.

Quốc vừa học xong lớp 7 nhưng như mẹ em là chị Trần Thị Việt cho biết hiện không biết em có đi học lớp 8 được hay không, dù bảy năm liên tục em đều là học sinh giỏi. Những ngày này Quốc cùng em gái đang được gửi về nhà bà ngoại nuôi giúp để mẹ nhập viện trị bệnh. Ngôi nhà nhỏ của mấy mẹ con như bỏ không.

Ngôi nhà này hai vợ chồng chị Việt xây dựng mấy năm trước. Chỉ mới làm được phần thô. Rồi tai ương ập đến, chồng chị bị phát hiện ung thư. Năm 2013 anh qua đời. Năm 2015, chị Việt được bác sĩ báo bị thoái hóa cột sống nặng, không được làm việc nặng nhọc. Bác sĩ yêu cầu phải mổ từ năm 2015 nhưng chị không có tiền nên phải uống thuốc qua ngày.

Trước đây khi còn khỏe chị còn làm được vài sào ruộng và nuôi heo. Nhưng ba năm nay chị không còn đủ sức làm những việc đó nữa. Cộng thêm khoản nợ lớn từ giai đoạn chạy chữa cho chồng khiến chị như kiệt sức. “Nếu không có các thầy cô trong trường động viên, quyên góp giúp đỡ, Quốc đã phải nghỉ học từ mấy năm trước rồi” – chị Việt nói.

100 suất học bổng “Đèn đom đóm”

Đến trường giữa muôn gian khó
Ông Trần Quốc Huân, phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam – Ảnh: HỮU KHOA

Từ ngày 24-7 đến ngày 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học này sẽ nhận được một suất học bổng “Đèn đom đóm” trị giá 3 triệu đồng/suất.

Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức. Ông Trần Quốc Huân, phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, cho biết chương trình “Đèn đom đóm” từ khi khởi xướng cho đến nay đã 15 năm, với nhiều hoạt động trao tặng học bổng, xây dựng trường học ở vùng sâu, vùng xa. Tính đến nay chương trình đã trao tặng 25.000 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 20 trường học từ Nam ra Bắc.

“Những suất học bổng giúp các em có thêm nghị lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống cũng như trong học tập bởi cảm giác bị bỏ lại ở cuộc đời này đôi khi còn nặng nề hơn cả cái nghèo đói” – ông Huân nói.

NGỌC HIỂN

QUỐC NAM