11/01/2025

Vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở Vĩnh Tân: Bình Thuận báo cáo vụ việc cho Thường trực Ban Bí thư

Chiều 22.7, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh việc Bộ TN-MT cho nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thảiở Vĩnh Tân.

 Vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở Vĩnh Tân:

Bình Thuận báo cáo vụ việc cho Thường trực Ban Bí thư

 

Chiều 22.7, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh việc Bộ TN-MT cho nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thảiở Vĩnh Tân.




Cảnh báo khu bảo tồn Hòn Cau sẽ bị tác động xấu nếu việc nhận chìm diễn ra /// Ảnh: Quế Hà

Cảnh báo khu bảo tồn Hòn Cau sẽ bị tác động xấu nếu việc nhận chìm diễn raẢNH: QUẾ HÀ

“Không nhất thiết phải nhận chìm ra biển”
Ông Hùng nói: “Về việc này, UBND tỉnh cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng (trước đó UBND tỉnh có công văn gửi Bộ TN-MT kiến nghị tăng 10 điểm quan trắc và lấy mẫu để so sánh đối chứng với giấy phép – PV). Tỉnh uỷ cũng đã có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư, Ban Kinh tế T.Ư và Văn phòng T.Ư Đảng nói rõ quan điểm. Bây giờ dư luận đang phản ánh như thế, do vậy đề nghị T.Ư chỉ đạo xem xét lại một cách thận trọng vấn đề này”.
 

Ông Hùng cho biết đầu tuần tới, Thường trực Tỉnh uỷ sẽ có cuộc họp để lắng nghe các cơ quan T.Ư có phản hồi như thế nào sau những phản ứng của dư luận và kiến nghị của tỉnh. “Tôi cũng đã chính thức có đề xuất. Thay vì mình nhận chìm vật chất sau nạo vét như thế thì có thể chọn nhiều giải pháp khác nữa, chứ không nhất thiết phải nhận chìm ra biển. Chẳng hạn sử dụng nó làm kè để chống sạt lở bờ biển… Trong văn bản mà tôi ký gửi Ban Bí thư cũng có nói đến nhiều phương án khác nhau”.
Về ý kiến đề nghị cho nhận chìm ở vị trí xa hơn so với vị trí hiện nay, Bí thư Hùng cho rằng: “Cái đó cũng phải xem xét thận trọng. Nếu nó không ảnh hưởng đến địa phương mình thì lại làm ảnh hưởng địa phương khác. Tốt nhất là phải chọn giải pháp nào đó tác động ít nhất đến môi trường”.
Theo ông Hùng, bây giờ điều quan trọng là phải xem xét một cách hài hoà giữa phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường, không được làm xáo trộn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư. Do vậy, tỉnh đề nghị phải xem xét một cách khách quan, khoa học các vấn đề liên quan đến việc nhận chìm.
Đã xong việc lấy mẫu đối chứng
Trả lời PV Thanh Niên chiều 22.7, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn – Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN), cho biết các cán bộ chuyên môn của Viện Hải dương học Nha Trang vừa đi thực tế ở Vĩnh Tân và hoàn thành việc lấy mẫu ở vị trí được cấp phép nhận chìm theo yêu cầu của Bộ TN-MT để phân tích và đối chứng.
“Giờ này chưa có kết quả thì không thể nói gì. Đầu tuần sau tôi sẽ ra Hà Nội để báo cáo với Bộ TN-MT các kết quả sau chuyến đi thực tế này”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, Viện Hải dương học Nha Trang đã khảo sát, quan trắc (kể cả ở đáy biển nơi vị trí được cấp phép nhận chìm xem có phải chỉ toàn cát như báo cáo hay không – PV) nhằm lấy kết quả, báo cáo Bộ TN-MT có thông số để so sánh, đối chứng với các thông số mà tư vấn làm trong giấy phép. Nếu giấy phép được triển khai thì viện cũng chính là đơn vị giám sát độc lập giấy phép này.
Bộ Công thương đình chỉ công tác cán bộ liên quan vụ nhận chìm bùn thải
Ngày 22.7, Bộ Công thương đã chính thức lên tiếng trước thông tin một cán bộ của bộ này tham gia tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện dự án xin nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận.
Cụ thể, ông Hà Quốc Quân, hiện là Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp của Bộ Công thương, đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng cảng biển VN. Doanh nghiệp ông Quân đứng đầu chính là đơn vị tư vấn cho dự án của Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận.
Bộ Công thương cho hay, sau khi nhận được thông tin này, Bộ đã thành lập tổ công tác làm việc với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp để xác minh thông tin việc ông Quân tham gia điều hành doanh nghiệp trong thời gian trong khi đang là viên chức tại viện. Theo kết quả buổi làm việc sơ bộ của tổ công tác, việc ông Hà Quốc Quân, Giám đốc trung tâm là viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của viện, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp là vi phạm điều 37 luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi bổ sung 2012), vi phạm luật Viên chức. Theo đó, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã yêu cầu Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp tiến hành việc kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định.
Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo viện yêu cầu ông Hà Quốc Quân có báo cáo làm rõ việc thành lập công ty; việc đưa tên một số chuyên gia là các cán bộ đã nghỉ hưu của Bộ Công thương vào danh sách công ty; việc Công ty CP tư vấn xây dựng cảng biển VN tham gia tư vấn dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 và các dự án khác có liên quan; việc đưa tên các nhà khoa học vào danh sách tham gia tư vấn dự án.
Viện trưởng viện này sau đó đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Quân để tập trung kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định. Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan làm rõ các vấn đề nêu trên và xử lý nghiêm khắc.
Chí Hiếu – Quế Hà


 

Quế Hà