Hậu Brexit: Chia tay đòi quà cho… 3 triệu người
Chia tay đòi quà, EU muốn bảo đảm quyền lợi cho 3 triệu công dân của mình ở Anh, còn chính phủ bà Theresa May cũng đang phải xoay xở giữa các nhóm ủng hộ và phản đối trong nước.
Hậu Brexit: Chia tay đòi quà cho… 3 triệu người
Chia tay đòi quà, EU muốn bảo đảm quyền lợi cho 3 triệu công dân của mình ở Anh, còn chính phủ bà Theresa May cũng đang phải xoay xở giữa các nhóm ủng hộ và phản đối trong nước.
Nhiều người châu Âu vẫn mong muốn Anh suy nghĩ lại về chuyện rời khỏi – Ảnh: Reuters |
Tính ra đã hơn một năm sau ngày trưng cầu ý dân 23-6-2016, con đường “hậu Brexit” vẫn còn lắm gian nan.
Một trong những vấn đề cấp bách mà Thủ tướng Theresa May phải giải quyết hiện nay là quyền cư trú của khoảng 3 triệu công dân EU hiện đang sống tại Anh mà báo chí Anh gọi là “nhóm 3 triệu”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean Claude Juncker muốn Anh và Liên minh châu Âu (EU) phải thống nhất về bản Thỏa thuận về tương lai của những người này trước khi đôi bên có thể xúc tiến các cuộc đàm phán về mối quan hệ “hậu Brexit” giữa Anh và 27 nước thành viên EU còn lại.
Ngày 26-6, Thủ tướng Theresa May đã chơi “đòn minh bạch” công bố toàn văn bản đề xuất của Anh trên báo chí Anh nhưng đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội từ các phía.
Chia tay thì đòi lại hết quà
Theo đề xuất của Thủ tướng May thì các công dân EU đến Vương quốc Anh trước khi quá trình Brexit hoàn tất sẽ được cấp giấy chứng minh mới và có một “pháp nhân định cư”.
Những người đã sống tại đây ít nhất 5 năm liên tục sẽ được hưởng các quyền lợi về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phúc lợi, lương hưu và dịch vụ công như các công dân Anh.
Họ cũng được phép đưa thân nhân trực tiếp từ châu Âu sang đoàn tụ. Những thân nhân này cũng sẽ có “pháp nhân định cư” sau khi sống tại Anh được 5 năm, với điều kiện là đến Anh trước Brexit.
Những công dân EU đã có 6 năm cư trú tại Anh thì có thể nộp đơn xin đăng ký quốc tịch và hộ chiếu Anh.
Ai chưa sống đủ 5 năm nhưng đã tới đây trước ngày hạn chót thì được phép ở lại hầu hội đủ thời gian cần thiết để được hưởng đủ quyền lợi.
Tuy nhiên chính quyền London vẫn chưa xác định cụ thể ngày giới hạn 5 năm và đã bác bỏ yêu cầu của EU là những quyền lợi của “nhóm 3 triệu” này phải được Toà án công lý châu Âu (ECJ) bảo đảm.
Những người ủng hộ Thủ tướng May cho rằng bản đề xuất này cho thấy không có sự phân biệt đối xử giữa người Anh và các công dân EU và tạo điều kiện dễ dàng về cư trú lâu dài cho họ, phù hợp với những gì Brussels yêu cầu.
Dù vậy, ông Nicholas Hatton, đại diện cho “nhóm 3 triệu”, vẫn ta thán là theo bản đề xuất này thì họ sẽ có ít quyền hạn hơn các công ty kinh doanh xuyên biên giới và sẽ mất đi quyền tiếp cận Toà ECJ.
Rất nhiều chính trị gia ủng hộ Brexit đã cực lực phản đối việc các công dân EU sẽ được đi lại tự do trong cái được gọi là “thời gian ân hạn” 2 năm sau Brexit, gọi đó là một sự “phản bội thái quá” đối với cuộc trưng cầu ý dân.
Trong “thời gian ân hạn” này các công dân EU sẽ được cấp phép tạm thời để tiếp tục sinh sống và làm việc tại Anh một cách hợp pháp và có thể đăng ký hộ khẩu thường trú tại Anh.
Dư luận Anh cũng thắc mắc là ngoài tiêu chuẩn 5 năm ra, thủ tướng Anh không đả động đến các yếu tố khác như việc làm, tình trạng nhà ở của các công dân EU.
Trên thực tế, mỗi năm có không ít người đến Anh chỉ để tranh thủ các chế độ an sinh xã hội tại đây, nhiều người thậm chí còn không biết nói tiếng Anh.
Chính làn sóng nhập cư này là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới Brexit.
Người phát ngôn về vấn đề Brexit của Đảng UKIP Gerard Batten cho rằng cử tri sẽ không thể hiểu vì sao chuyện đi lại tự do không chấm dứt vào ngày Anh rời EU, mà phải đợi tới 5 năm sau (thời hạn tối đa cho Anh hoàn tất mọi thủ tục).
Nếu phải chờ tới năm 2021 mới có thể kiểm soát biên giới thì các dịch vụ công của Anh sẽ không thể đối phó với áp lực gia tăng dân số khi mỗi năm có hơn 150.000 người từ EU di cư tới Anh.
Hiện Bộ Nội vụ Anh phải giải quyết hơn 4.000 hồ sơ của công dân EU mỗi ngày, quá trình này đòi hỏi nhiều nhân viên bổ sung và một hệ thống quản lý dữ liệu mới, thế nhưng tới giờ họ vẫn chưa có chi phí.
Đảng Dân chủ Tự do, chủ trương ở lại EU, lại chỉ trích đề nghị của Thủ tướng May là không đủ rộng lượng với những công dân EU đến Anh làm việc và nộp thuế!
Gánh nặng Brexit
Có thể nói Thủ tướng May đã rất cố gắng để làm hài lòng Brussels cũng như tìm cách giải quyết thoả đáng cho những công dân EU đang sống tại Anh.
Tuy nhiên cái khó của bà là Đảng Bảo thủ đang ở thế yếu sau kỳ bầu cử Hạ viện ngày 8-6.
Họ chỉ giành được 317/650 ghế, mất đi vị thế là phe đa số trong Hạ viện (kỳ bầu cử năm 2015, Đảng Bảo thủ được 330 ghế) nên khó có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán với EU.
Trong khi đó, Công đảng Anh đang trên đà vươn lên mạnh mẽ từ khi ông Jeremy Corbyn nhận chức chủ tịch vào tháng 10-2015.
Đảng này đã giành được 40% số phiếu trong kỳ bầu cử vừa qua, tăng thêm 30 ghế và trở thành mối đe dọa trực tiếp cho Thủ tướng Theresa May.
Khi ra tranh cử, ông Corbyn đã đưa ra khẩu hiệu Job-first Brexit (Brexit với ưu tiên cho việc làm), hứa hẹn sẽ bảo vệ nền công nghiệp Anh, nhân quyền và cải thiện nền kinh tế sau khi rời EU.
Theo ông Corbyn thì vấn đề hiện nay là nước Anh muốn “Brexit loại nào” và người dân Anh muốn đất nước trở nên thế nào sau Brexit.
Công đảng đang tạo sức ép với bà May trong việc đàm phán với EU về thị trường đơn lẻ, liên minh thuế quan cùng việc bãi bỏ quyền đi lại của các công dân EU trong thời hạn sớm nhất.
Tất nhiên Thủ tướng Theresa May hiểu tất cả những vấn đề này, có điều Brussels vẫn nắm trong tay một vũ khí lợi hại: sự hợp tác trong tương lai giữa Anh và EU.
Gây khó khăn cho Anh cũng là một cách ngăn ngừa những nước thành viên khác muốn theo chân Brexit!
Từ ngày 17-7 tới, Quốc hội châu Âu cùng đại diện 27 nước sẽ bắt đầu đàm phán với Anh về quyền công dân của “nhóm 3 triệu” dựa trên bản đề xuất của Thủ tướng Theresa May cho thoả thuận này. Tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels ngày 23-6, bà May đã khẳng định bản đề xuất này là “công bằng và nghiêm túc”, nhưng theo ông Juncker thì đó chỉ là “bước đầu tiên”. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, trong khi đó cho rằng đề xuất của Anh thấp hơn kỳ vọng của Brussels, chỉ có phó chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar lên tiếng hoan nghênh. |