Con tôi đã suýt ủ dột một đời, nếu như…
Một người cha có con bị bại não xin cho con dự thi vào lớp 10 một trường THPT nhưng không được chấp nhận. Từ ngày đó, 10 năm trôi qua, cậu bé ấy nhận được học bổng du học và nay đã tốt nghiệp ĐH ở Mỹ.
Con tôi đã suýt ủ dột một đời, nếu như…
Một người cha có con bị bại não xin cho con dự thi vào lớp 10 một trường THPT nhưng không được chấp nhận. Từ ngày đó, 10 năm trôi qua, cậu bé ấy nhận được học bổng du học và nay đã tốt nghiệp ĐH ở Mỹ.
Con trai của ông Trần Văn Giáo trong ngày tốt nghiệp ĐH ở Mỹ vào tháng 6-2017 – Ảnh: Tác giả cung cấp |
Suốt những năm qua, tôi đã bị ám ảnh về sự phân biệt đối xử giữa người tàn tật với người bình thường ngay trong chính một ngôi trường. Nếu như người thầy nào cũng có cách ứng xử như thầy hiệu trưởng ấy thì đứa con tật nguyền của tôi có thể phải chịu ủ dột suốt cả cuộc đời. |
Ông kể lại câu chuyện của mình, với mong muốn ngành giáo dục hãy rộng lượng hơn với những học sinh vốn dĩ đã kém may mắn.
Từ chối tiếp nhận hồ sơ dự tuyển
Tôi là phụ huynh của một học sinh tàn tật. Tháng 5-2007, hai cha con tôi cùng đến một trường THPT ở TP.HCM xin nộp hồ sơ cho cháu dự thi vào trường, như bao học sinh đủ điều kiện dự thi khác. Dáng dấp tật nguyền của con tôi khác với học sinh bình thường.
Khi cha con tôi xuất hiện tại bàn tiếp nhận hồ sơ xét dự tuyển, cô giáo tiếp nhận gọi điện thoại cho thầy hiệu trưởng để trao đổi, trình bày về một hồ sơ cậu bé tàn tật xin dự thi…
Cô giáo này xem xét kỹ hồ sơ của con tôi, rồi đem hồ sơ vào bàn bạc trong phòng thầy hiệu trưởng, sau đó lại có nhiều thầy cô rảo bước qua lại như để quan sát cha con tôi…
Cuối cùng cô trả lời chúng tôi: trường từ chối tiếp nhận hồ sơ, theo ý kiến chỉ đạo của thầy hiệu trưởng.
Hai cha con tôi đều thắc mắc. Cô giáo này liền giải thích: điều kiện học lực và đạo đức đủ, nhưng do “có tàn tật” nên nhà trường không thể nhận hồ sơ dự thi.
Tôi xin phép được gặp thầy hiệu trưởng với mục đích xin lời giải thích thoả mãn cho con tôi, để cháu ra về trong một tâm trạng không mặc cảm với bản thân, không mang suy nghĩ “bị xã hội phân biệt đối xử”. Nhưng cô giáo phụ trách nhận hồ sơ nói ngay: “Thầy hiệu trưởng bận lắm, không thể tiếp được”.
Quyết không từ bỏ, tôi đưa con đến thẳng phòng thầy hiệu trưởng, xin gặp trực tiếp.
Hai cha con tôi đứng trước phòng, gõ cửa nhiều lần nhưng thầy hiệu trưởng nhất định không mở cửa, dù qua các cô ở văn phòng tôi biết thầy đang ở trong phòng giải quyết hồ sơ tuyển sinh.
Một đêm không ngủ
Sau một đêm không ngủ, bức xúc trước cách ứng xử của thầy hiệu trưởng, tôi vội viết ít dòng suy nghĩ trong tâm trạng buồn tủi và chuyển gửi phát nhanh đến thầy ngay sáng hôm sau.
Thầy nhận được thư và có đôi lời xoa dịu qua điện thoại với tôi, rồi hứa hẹn sẽ bố trí cho con tôi thi. Tôi đã hết lòng cảm ơn thầy.
Nhưng tôi thật ngạc nhiên, qua nhiều “động thái lòng vòng”, đến gần sát ngày thi lại được thầy thông báo qua điện thoại: “…Rất tiếc, trường không thể bố trí hội đồng cho cháu thi. Mong gia đình và cháu thông cảm…”.
Tôi thực sự ray rứt mãi về cách ứng xử của những con người được giao giữ trọng trách quan trọng ở một môi trường giáo dục, như thầy hiệu trưởng ấy. Hơn bất cứ ngành nào khác, người thầy trước hết cần có cái tâm, có cái nhìn bao dung, đau với cái đau của người khác, và phải biết sẻ chia nỗi bất hạnh của những con người xung quanh mình.
10 năm đã trôi qua. Con tôi vừa tốt nghiệp ĐH ở Mỹ. Tôi tuyệt đối không có ý định phô trương thành tích của một cậu bé tật nguyền. Nhưng chủ ý của tôi là muốn gửi tâm sự này tới những người thầy. Mong quý thầy suy nghĩ về những việc đáng lẽ phải làm, để cho những người tàn tật có cơ hội được hòa nhập với cộng đồng, thay vì xem đó là gánh nặng cho trường.
Tôi thành tâm mong muốn môi trường giáo dục Việt Nam ngày một tốt hơn.
Niềm may mắn của cháu Con tôi sinh ra bị bại não. Cháu nói năng khó nhọc, đi đứng khó khăn, và chỉ cử động được ba ngón tay. Từ ba ngón tay này, cháu viết bài, học chữ đều qua máy tính. Để làm bài thi, từ viết, vẽ… cháu cũng chỉ có thể làm trên máy tính. Sau khi bị từ chối nhận hồ sơ vào ngôi trường nói trên, may thay cháu được Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Vũng Tàu) tạo điều kiện cho thi và đậu vào lớp chuyên tin của trường. Năm lớp 12, cháu đạt học sinh giỏi môn tin cấp quốc gia. Một trường đại học ở Mỹ đã cấp học bổng 50% cho cháu, và cháu vừa tốt nghiệp vào tháng 6-2017 này. |