29/11/2024

Hành trình về đất mẹ

Mang nỗi ám ảnh, day dứt về sự hi sinh của đồng đội trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chứng kiến nỗi đau mất mát của người ở lại, những cựu binh ở Quảng Nam trở về từ chiến trường ấy mang tâm nguyện được đưa đồng đội về yên nghỉ trên mảnh đất quê nhà.

 

Hành trình về đất mẹ

Mang nỗi ám ảnh, day dứt về sự hi sinh của đồng đội trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chứng kiến nỗi đau mất mát của người ở lại, những cựu binh ở Quảng Nam trở về từ chiến trường ấy mang tâm nguyện được đưa đồng đội về yên nghỉ trên mảnh đất quê nhà.

 

 

 

Hành trình về đất mẹ
Đưa hài cốt từ chùa Tuệ Châu (Hóc Môn,TP.HCM) lên xe về Quảng Nam – Ảnh: UYÊN TRINH

Quảng Nam những ngày đầu tháng 7, trời nắng rát da rát thịt nhưng vẫn chưa bằng cái nóng lòng, nhấp nhổm của thân nhân các liệt sĩ khi vừa nhìn thấy chiếc xe chở hài cốt về tới cổng đền tưởng niệm.

Được tin các anh về, gia đình, hàng xóm ra tận đầu làng để đón. Những người mẹ, người vợ, người anh, người chị đã đến đợi từ rất sớm.

40 năm mới được nhìn thấy anh

Bà Huỳnh Thị Chương (85 tuổi), mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng (hi sinh năm 1980), với mái đầu bạc trắng, lụ khụ đi tới, tì sát người vào bộ hài cốt như thể muốn ôm vào lòng. Đôi mắt đau đáu nhìn bộ hài cốt như thể bà đang đi tìm lại hình hài đứa con yêu dấu.

Nỗi đau xé lòng người mẹ khi 37 năm qua, từ ngày nhận giấy báo tử, bà không biết con mình nằm lại ở nơi rừng hoang sương lạnh nào. Ba bốn người con bà đứng quanh cũng sụt sùi theo mẹ.

Ngày anh ra đi, các em còn nằm trong bụng mẹ. Đứa cháu gái đứng cạnh, đôi mắt ngây thơ đong đầy những giọt long lanh dù ký ức về người chú chỉ là trong tưởng tượng.

Khi hài cốt liệt sĩ Ngô Tám vừa được đặt xuống, bà Trần Thị Hòa (62 tuổi, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) chạy ào đến, ôm hài cốt chồng khóc: “Anh nói anh đi rồi ít năm anh về với em mà sao anh ở xứ họ luôn anh ơi! Anh đi hồi em còn hai mươi, mà bây giờ em đã sáu mươi rồi anh mới về”.

Ngày chồng đi, giọt máu của cả hai chỉ mới hình thành được một tháng trong bụng bà, đó là ngày cuối cùng bà được nhìn thấy chồng. Suốt 40 năm, tung tích chồng gần như là số 0. Tưởng có đứa con để hủ hỉ sớm tối vơi bớt nỗi đau thì hai mẹ con lại không thắng nổi trong trận chiến với bệnh tật và nghèo đói, để lại mình bà chơ vơ giữa cuộc đời.

64 hài cốt về đất mẹ

Bốn chiếc xe 24 chỗ mang trong mình bao nỗi mong mỏi, đợi chờ, bao háo hức khôn xiết của thân nhân các liệt sĩ cho ngày đoàn tụ lăn bánh từ dải đất miền Trung đưa 75 người vào nghĩa trang các tỉnh thành phía Nam: Đồng Nai, Tây Ninh, Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM để bốc mộ di dời liệt sĩ.

Tại nghĩa trang, đã có những thành viên của chi đoàn 5 – Nghĩa tình đồng đội đợi sẵn để cùng phụ giúp, hỗ trợ trong việc bốc mộ, di dời.

Thành viên chi đoàn 5 – Nghĩa tình đồng đội tại TP.HCM Hồ Văn Ưng từ TP.HCM chạy về nghĩa trang tại Đồng Nai từ tối hôm trước, cùng các cựu binh của Ban liên lạc trung đoàn 96, sư đoàn 309 tại Quảng Nam tận tay bốc hình hài của các đồng đội.

“Tận tay bốc xương máu các anh, một phần hình hài các anh, chúng tôi càng thấm thía hơn nỗi đau chiến tranh” – ông Ưng rưng rưng.

Vì nghĩa tình đồng đội, những người lính của trung đoàn 96, sư đoàn 309, những cựu chiến binh bây giờ tại Quảng Nam đã cùng nhau lập Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 96. Từ đó, ban liên lạc phối hợp thường xuyên với chi hội 5 – Nghĩa tình đồng đội tại TP.HCM để di dời những hài cốt liệt sĩ.

Ban đầu chưa có sự kết hợp nhiều nhưng qua mỗi năm, số hài cốt được di dời ngày càng nhiều hơn, quy mô tổ chức ngày càng rộng hơn. Và 64 liệt sĩ lần này với bốn chiếc xe đưa đón cả thân nhân và liệt sĩ là hành trình quy mô nhất từ trước 
đến nay.

“Hành trình là sự thiện nguyện, những người đồng đội cũ chỉ muốn góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát, là nghĩa tình đồng đội với nhau từ thời chiến đến thời bình” – trung tá Dương Trường (thành viên chi hội 5 – Nghĩa tình đồng đội tại TP.HCM) chia sẻ.

“Biết nói lời chi 
để cảm ơn cho hết”

Dừng chân tại trạm nghỉ trên đường, ông Trần Văn Phúc đi đến líu ríu nắm lấy đôi bàn tay của đại tá Nguyễn Quang Ngọc – ủy viên ban liên lạc Hội Cựu chiến binh trung đoàn 96 Quảng Nam:

“Hồi nớ đến chừ gia đình chúng tôi tìm kiếm khắp nơi vẫn không tìm thấy. Nay nhận tin được đón em về, được nhận em mình trong tay mà biết nói lời chi để cảm ơn cho hết các chú. Nhờ công sức các chú mà hôm nay tôi mới được ôm nắm đất em mình trên tay”.

Ông Phúc cùng gia đình đi tìm kiếm hài cốt em trai Trần Văn Vĩ suốt 5 năm qua.

Bao nhiêu lần lặn lội vào Nam, gặp lại đơn vị, đồng đội cũ, liên lạc các chương trình trên truyền hình, Internet nhưng mọi thứ vẫn bặt vô âm tín. Sau nhờ công tìm kiếm, lọc danh sách, bao lần ra vào Nam đối chiếu danh sách bia mộ với danh sách báo tử của sư đoàn 309 của đại tá Ngọc mà liệt sĩ Trần Văn Vĩ mới được đưa về quê nhà đúng tâm nguyện của gia đình.

Còn bà Lâm Thị Thự, vợ liệt sĩ Võ Ngọc Lắm, hi sinh năm 1983 ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đã tưởng cả đời này không còn bao giờ được nhìn thấy chồng dù chỉ là một phần hình hài. Thế mà đến một ngày bà được thông báo theo đoàn vào Nam nhận hài cốt chồng ở nghĩa trang tại Tây Ninh.

Bao nhiêu ngỡ ngàng, vui sướng vỡ òa, bà cười tươi: “Cứ nghĩ chồng ở biên giới bên kia rồi, nghĩ sẽ không bao giờ được nhìn thấy anh, được mang hài cốt anh về. Lúc nhận được thông báo, tôi không dám tin là sự thật. Nghe đoàn đưa người thân vào đón các liệt sĩ về, tôi đi ngay, không chần chừ chi”.

Nghĩa tình đồng đội

Hành trình về đất mẹ
Bà Trần Thị Hoà (62 tuổi, huyện Đại Lộc) bên hài cốt chồng, liệt sĩ Ngô Tám – Ảnh: UYÊN TRINH

Tối 29-6, 64 liệt sĩ quê Quảng Nam được an táng tại khắp các nghĩa trang các tỉnh phía Nam được “hội ngộ” tại chùa Tuệ Châu (Hóc Môn, TP.HCM), đoàn tụ bên người thân, đồng đội. Ông Phạm Thành Vũ, là đồng đội cũ của liệt sĩ, chạy từ Gia Lai về TP.HCM cho kịp lễ tiễn đưa.

Người cựu chiến binh già nhẹ nhàng bước đến, ve vuốt trầm ngâm bên từng hài cốt liệt sĩ. Cứ thế bàn tay nhăn nheo ấy vỗ về âu yếm hết 64 người đồng đội sau 40 năm hạnh ngộ. Trong ánh đèn lập loè, những người lính ngồi quanh các hài cốt ôn lại cùng nhau những kỷ niệm một thời đạn bom.

64 liệt sĩ được di dời trong đợt này là kết quả cho công sức suốt 5 tháng ròng, đại tá Nguyễn Quang Ngọc (uỷ viên ban liên lạc Hội Cựu chiến binh trung đoàn 96 Quảng Nam, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Duy Xuyên, cựu chỉ huy trưởng huyện biên giới Tây Giang – Quảng Nam) cho biết:

“Mỗi gia đình tự di dời cũng đến hơn 10 triệu thì 64 gia đình tiền lên đến hàng trăm triệu. Đó là con số quá lớn. Mà trong khi một mình tự ra vô, tự làm giấy tờ, ăn uống sinh hoạt tại TP thì xin ké chùa, nhà người quen…, tiết kiệm rất nhiều cho bà con”.


UYÊN TRINH