Căng thẳng Himalaya tăng nhiệt
Trung Quốc vừa phát hành một tấm bản đồ có thể khiến tranh chấp chủ quyền với Bhutan và Ấn Độ thêm căng thẳng.
Căng thẳng Himalaya tăng nhiệt
Trung Quốc vừa phát hành một tấm bản đồ có thể khiến tranh chấp chủ quyền với Bhutan và Ấn Độ thêm căng thẳng.
Sau nhiều tuần lời qua tiếng lại với Ấn Độ và Bhutan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tung ra một tấm bản đồ thể hiện yêu sách chủ quyền đối với khu vực cao nguyên Doklam, nước này gọi là Động Lãng, đang do Bhutan quản lý.
Theo tờ India Today, trong bản đồ mới, Trung Quốc chỉnh sửa ngã ba biên giới giữa nước này với 2 nước láng giềng xa xuống phía nam so với điểm giao nhau mà Ấn Độ và Bhutan công nhận, bao trùm cả một vùng rộng 89 km2. Một số dòng chú thích trên bản đồ còn cáo buộc quân đội Ấn Độ “đóng trú phi pháp” trong khu vực. “Rõ ràng điểm mà biên phòng Ấn Độ xâm phạm nằm bên trong biên giới Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Tờ The Economic Times dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tiếp tục dựa vào cái gọi là “chủ quyền lịch sử” để biện minh cho yêu sách chủ quyền của nước này. “Từ chứng cứ lịch sử, Doklam chính là đồng cỏ truyền thống của người dân Tây Tạng… Trước thập niên 1960, nếu cư dân Bhutan gần biên giới muốn thả gia súc đều phải được Trung Quốc chấp nhận và còn phải trả thuế cho chúng tôi”, ông Lục tuyên bố.
Trong khi đó, căng thẳng bùng phát khi Ấn Độ và Bhutan tố Trung Quốc xây một con đường từ thung lũng Chumbi (bên phía Tây Tạng) sang cao nguyên Doklam. Bhutan đã gửi công hàm yêu cầu Trung Quốc trả lại hiện trạng với lý do sự tồn tại của con đường “vi phạm thoả thuận bằng văn bản giữa hai bên”.
Ấn Độ cũng cực kỳ lo ngại vì nếu kiểm soát được cao nguyên Doklam, Trung Quốc có thể uy hiếp hành lang Siliguri, dải đất hẹp nối liền các bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của lãnh thổ, trong trường hợp nổ ra xung đột. Nếu hành lang này bị chặt đứt, toàn bộ các bang đông bắc của Ấn Độ, bao gồm khu vực Arunachal Pradesh đang tranh chấp với Trung Quốc, sẽ rơi vào tình thế cô lập.
New Delhi khẳng định hành động xây đường của phía Bắc Kinh là đơn phương thay đổi điểm giao biên giới giữa ba bên, vi phạm thoả thuận song phương hồi năm 2012.
Giới chức Ấn Độ cho biết thêm binh sĩ nước này đang phối hợp với quân đội Bhutan để ngăn cản Trung Quốc xây đường. Đó là lý do Bắc Kinh cáo buộc binh sĩ láng giềng “xâm phạm biên giới” trong tấm bản đồ mới. Theo tờ The Times of India, Ấn Độ và Trung Quốc mỗi nước đã triển khai khoảng 3.000 binh sĩ đến khu vực.
Đài Loan theo dõi tàu Liêu Ninh
Reuters dẫn thông báo ngày 2.7 của Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang đi vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo này và hướng về phía tây nam eo biển Đài Loan. Đài Loan đã triển khai chiến đấu cơ cùng tàu quân sự để theo sát song không có dấu hiệu bất thường nào. Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đang trên đường tới Hồng Kông nhân dịp kỷ niệm 20 năm Anh trao trả đặc khu cho Trung Quốc và dự kiến cập cảng vào ngày 7.7. Khi đến nơi, tàu sẽ lần đầu tiên đón công chúng lên thăm.
|
Ngọc Mai