10/01/2025

Huyện vùng sâu An Minh không còn lo thiếu nước sạch

“Bao nhiêu năm nay, người dân xứ Xẻo Nhàu này luôn mong có nước sạch để sinh hoạt. Bây giờ, giấc mơ nước sạch đã thành hiện thực rồi…”, nhiều bà con ở xã Tân Thạnh, huyện An Minh, Kiên Giang mừng vui nói như vậy.

 

Huyện vùng sâu An Minh không còn lo thiếu nước sạch

 “Bao nhiêu năm nay, người dân xứ Xẻo Nhàu này luôn mong có nước sạch để sinh hoạt. Bây giờ, giấc mơ nước sạch đã thành hiện thực rồi…”, nhiều bà con ở xã Tân Thạnh, huyện An Minh, Kiên Giang mừng vui nói như vậy.

 

 

 

Huyện vùng sâu An Minh không còn lo thiếu nước sạch
Người dân hai ấp Xẻo Nhàu A, Xẻo Nhàu B, xã Tân Thạnh, huyện vùng sâu An Minh, tỉnh Kiên Giang vui mừng đón dòng nước sạch – Ảnh: K.N

Chúng tôi men theo con đường bêtông nhỏ len lỏi qua những mái nhà đơn sơ nằm ven kênh dẫn về xã Tân Thạnh, huyện vùng sâu An Minh – vùng quê nghèo bao đời người dân khốn khó kinh tế và chưa có nước sạch sử dụng. Vẫn là con đường bêtông ấy, nhưng lần trở lại này, làng xóm như tươi vui hơn khi một tuyến đường ống dẫn nước sạch dài hơn 3km đã vào tới từng nhà dân.

Thợ “mát tay”
cũng chịu thua

Gặp chúng tôi, bà Trương Thị Nhạn (71 tuổi, ngụ ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh) cho hay bà sống ở đây đến tuổi này và bao năm nay vẫn phải dùng nước mưa hoặc mua nước sạch của các ghe. “Mùa mưa thì đỡ, còn mùa khô thì tắm giặt phải dè sẻn. Mấy đứa cháu của tui cứ tới mùa khô là thỉnh thoảng lại tiêu chảy. Trong ấp gần như đứa trẻ nào cũng bị các bệnh ngứa ngoài da, nhìn rất tội” – bà Nhạn nói.

Với công trình này, không chỉ người dân có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, trẻ em được dùng nước sạch hằng ngày, mà các bạn đoàn viên thanh niên còn có cơ hội đóng góp sức trẻ cho một việc làm có ý nghĩa.”

Ông Lê Ngọc Tùng (phó chủ tịch UBND huyện An Minh, Kiên Giang)

Ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ ấp Xẻo Nhàu B, xã Tân Thạnh) cho biết xứ Tân Thạnh có hai mùa, mùa mưa thì nước lợ, mùa khô thì nước dưới kênh mặn đắng. Bà con mấy bận hùn tiền thuê thợ khoan giếng, nhưng khoan cả chục mũi khoan sâu cả trăm mét vẫn không ra nước ngọt. Có bận, nghe nhiều người nói thợ bên An Giang khoan giếng “mát tay”, bà con qua tới bên đó rước thợ về. Kết quả, khoan 4 mũi nhưng nước lấy lên vàng khè, mùi sắt nồng nặc.

 

Chỉ vào hàng lu ximăng bên hông nhà, bà Võ Thị Lan (62 tuổi, ngụ ấp Xẻo Nhàu A) cho hay lúc chưa có nước sạch, nhà nào cũng phải mua năm, bảy cái lu chứa nước mưa. Nhưng nước mưa cũng chỉ cầm cự nhiều lắm là vài tháng mùa khô. Hết nước mưa thì phải chờ ghe chở nước đi đổi cho bà con với giá 40.000 đồng/lu (khoảng 1m3).

Bà Lan tính toán, mỗi tháng gia đình 5 thành viên của bà ăn hết khoảng 150.000 đồng tiền gạo, nhưng để đổi nước sạch sinh hoạt phải tốn ít nhất 200.000 đồng. Tính ra tiền đổi nước ngọt cao hơn tiền mua gạo ăn.

Do nước sạch đắt đỏ, lại khó đổi vì phải chờ có chuyến ghe chở nước đi ngang, nên người dân ở đây phải tiết kiệm từng chút một. Thường nước sau khi tắm sẽ được bà con ở đây tận dụng để tưới cây, tưới rau trồng quanh nhà.

“Giờ có nước sạch rồi, tụi nhỏ có thể thoải mái chơi đùa rồi tắm rửa sạch sẽ. Tụi tui khỏi canh cánh nỗi lo thiếu nước ngọt trong mùa khô. Chưa kể, mỗi tháng còn tiết kiệm thêm cả trăm ngàn đồng để lo cho tụi nhỏ ăn học tốt hơn. Tất cả là nhờ công trình dẫn nước sạch này…” – bà Lan bày tỏ.

Bớt nỗi lo dịch bệnh

Anh Lê Trung Hồ – bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang – cho biết với công trình dẫn nước ngọt dài hơn 3km từ xã Thuận Hòa về hai ấp Xẻo Nhàu A, Xẻo Nhàu B của xã Tân Thạnh, có gần 200 hộ dân sẽ được hưởng lợi. Bản thân các bạn đoàn viên thanh niên tự nguyện đóng góp ngày công làm đường ống dẫn nước cũng rất phấn khởi.

“Có nước sạch không chỉ điều kiện sinh hoạt, ăn uống của bà con vùng sâu được cải thiện, mà quan trọng hơn hết là sức khoẻ cộng đồng sẽ được đảm bảo, hạn chế dịch bệnh lây lan do sử dụng nguồn nước sông rạch ô nhiễm” – anh Hồ nói.

Đại diện nhãn hàng Comfort một lần xả – đơn vị tài trợ cho công trình này – cho biết chương trình “Nước sạch cho vùng hạn, mặn” đã bước sang năm thứ 2. Qua đó, hàng nghìn hộ dân đã được cấp nước sạch sinh hoạt, không còn cảnh chạy ngược chạy xuôi tìm mua nước sạch vào mùa khô nữa.

Theo bà Nguyễn Thị Ngoãn – chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, chương trình “Nước sạch cho vùng hạn, mặn” do Tuổi Trẻ phát động không chỉ là một món quà đơn thuần cho bà con vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thông qua chương trình này, địa phương còn học tập được mô hình khá hay là thay vì chờ ngân sách đầu tư, chính quyền địa phương nên huy động sức trẻ của đoàn viên thanh niên để làm đường ống dẫn nước từ nơi có nguồn nước ngọt về những chỗ chưa có. Cách làm này vừa có chi phí thấp, vừa phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân.

Nước sạch cho 200 hộ dân

Hôm nay (30-6), công trình đường ống dẫn nước sạch cho hai ấp Xẻo Nhàu A, Xẻo Nhàu B, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang được khánh thành.

Đây là công trình nằm trong chương trình “Nước sạch cho vùng hạn, mặn” do Tuổi Trẻ phát động với sự đồng hành của nhãn hàng Comfort một lần xả (thuộc Unilever Việt Nam) tài trợ nguồn kinh phí trên 150 triệu đồng để thi công đường ống dài hơn 3km, phục vụ cho gần 200 hộ dân.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang cũng tài trợ trên 200 triệu đồng để lắp đồng hồ và nối 5m ống vào tận nhà cho mỗi hộ dân.

KHOA NAM