10/01/2025

Điểm thi sẽ công bố sớm

Theo lịch thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT quy định ngày 7-7 các sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi cho thí sinh.

 

Điểm thi sẽ công bố sớm

Theo lịch thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT quy định ngày 7-7 các sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi cho thí sinh.

 

 

 

Điểm thi sẽ công bố sớm
Các cán bộ chấm thi trắc nghiệm kiểm dò trên máy sau khi quét bài thi. Ảnh chụp tại Ban chấm thi THPT quốc gia tỉnh Hưng Yên – Ảnh: Ngọc Hà

Nhưng do tiến độ chấm thi nhiều nơi được đẩy nhanh, bộ đã cho phép địa phương nào hoàn tất chấm thi sớm sẽ được chủ động công bố kết quả thi sớm sau khi đã gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT. Với quy tắc mở này, nhiều tỉnh cho biết dự kiến sẽ công bố kết quả thi trước ngày 7-7.

Có địa phương công bố điểm thi từ ngày 3-7

Ngày 29-6, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2017 đã đi kiểm tra công tác chấm thi tại Hưng Yên. Báo cáo với Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Văn Phê – giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên – cho biết sau hai ngày làm phách từ ngày 27-6, các giáo viên bắt đầu chấm môn ngữ văn (bao gồm cả chấm kiểm tra). Đến nay ban chấm thi đã hoàn tất việc chấm được 40% trong tổng số hơn 11.000 bài thi ngữ văn.

Riêng với gần 36.000 bài thi trắc nghiệm, đến ngày 29-6 ban chấm thi mới quét xong bài thi và gửi dữ liệu bài thi gốc về Bộ GD-ĐT. Chiều 29-6 ban chấm thi bắt đầu kiểm dò dữ liệu, lập biên bản những lỗi sai trên phiếu trả lời trắc nghiệm (về ghi sai số báo danh, sai mã đề thi… của thí sinh) trước khi chính thức chấm các bài trắc nghiệm bằng máy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga – trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia – cho biết do nhiều sở đặt kế hoạch công bố điểm thi sớm hơn mốc thời gian đặt ra trước đó là ngày 7-7 nên việc công bố điểm sàn của Bộ GD-ĐT cũng sẽ được đẩy lên sớm hơn.

Theo lịch tuyển sinh, ngày 14-7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn. Tuy nhiên, ông Ga cho biết thời gian công bố điểm sàn chính thức có thể được thực hiện trước đó dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 12-7.

“Mọi năm, Bộ GD-ĐT sẽ phải mất thêm ba ngày sau thời hạn công bố điểm thi để hoàn chỉnh dữ liệu. Tuy nhiên năm nay, các sở được chủ động công bố điểm thi tùy theo tiến độ cụ thể nên bộ có nhiều thời gian xử lý dữ liệu về mẫu chung.

Sở nào chuyển dữ liệu điểm thi về bộ sẽ xử lý luôn nên dự kiến chỉ đến ngày 8-7, bộ đã hoàn chỉnh dữ liệu điểm thi trên toàn quốc. Sau đó, mất thêm khoảng ba ngày cho việc phân tích điểm thi, xây dựng phổ điểm, phục vụ việc tính toán điểm sàn” – ông Ga nói.

“Khi phát hiện có sự bất thường như có môn điểm ở nơi nào đó quá cao hay điểm quá thấp, hoặc nghi ngờ có tiêu cực ở một điểm thi nào đó, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức chấm thẩm định” - Thứ trưởng BÙI VĂN GA

Năm 2017, Bộ GD-ĐT sẽ công khai phổ điểm vừa để xã hội thêm kênh giám sát, đánh giá chất lượng đề thi, vừa là dữ liệu quan trọng để thí sinh nhận diện được chính xác kết quả thi của mình ở mức nào so với kết quả chung, làm cơ sở cho việc lựa chọn nguyện vọng xét tuyển phù hợp.

Thí sinh tô nhầm mã đề

Bà Nguyễn Thị Lệ Xuân – phó trưởng ban chấm thi, phụ trách tổ xử lý bài thi trắc nghiệm ban chấm thi tại Hưng Yên – cho biết trong quá trình rà soát phát hiện rất ít lỗi. Các lỗi phổ biến của thí sinh là tô nhầm mã đề thi, viết nhầm số báo danh.

Trung bình vài trăm bài thi mới phát hiện một thí sinh mắc lỗi này. Với những lỗi như vậy, bắt buộc phải lập biên bản nhưng việc xử lý được thực hiện ngay trên máy không cần đụng đến bài thi của thí sinh.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT – cho rằng đó chỉ là lỗi về mặt logic dễ phát hiện, còn ban chấm thi phải chú ý kiểm dò cả lỗi làm bài của thí sinh.

Đặc biệt, kinh nghiệm cho thấy nhiều trường hợp thí sinh tô không rõ nét hoặc xóa phương án sai đã tô không kỹ dẫn đến máy không thể đọc được phương án trả lời hoặc nhận cả hai phương án trả lời.

“Vậy lấy ngưỡng dò kiểm là bao nhiêu? Kinh nghiệm là nếu “hai trống, một đúp” nghĩa là thấy trên một bài thi có hai câu máy không đọc thấy đáp án trả lời hoặc xuất hiện một câu máy nhận cả hai phương án trả lời thì phải lấy bài thi ra, giở bài ra xem và so sánh với kết quả quét trên máy” – ông Nghĩa nói.

Thực tế, trường hợp “hai trống” có thể xảy ra do thí sinh không chọn phương án nào trả lời thật ở những câu hỏi này, nên máy đã quét đúng.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp thí sinh có chọn đáp án, nhưng tô mờ, máy đọc không được thì tổ chấm thi phải sửa lại cho đúng. Việc sửa lỗi phải lập biên bản có sự giám sát của công an và đoàn thanh tra.

Đã có thí sinh bị điểm liệt môn ngữ văn

Theo bà Lê Thị Vân Hường – trưởng môn chấm thi tổ chấm số 3 Ban chấm thi THPT quốc gia của Sở GD-ĐT Hưng Yên, trong một ngày, mỗi cán bộ chấm thi sẽ chấm một túi bài thi gồm 30 bài thi ngữ văn.

Việc chấm thi tự luận được thực hiện theo nguyên tắc chấm hai vòng độc lập. Riêng chấm kiểm tra theo quy định với tỉ lệ 5% bài thi cũng được thực hiện song song. Điểm thi cao nhất ở môn ngữ văn mà thí sinh thi tại Hưng Yên đạt được tính đến ngày 29-6 là 8,75.

Dù câu hỏi đọc – hiểu gây tranh luận về cách dùng từ “thấu cảm” của văn bản được trích dẫn, nhưng theo các cán bộ chấm thi, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh. Hầu như các em học sinh đều đạt điểm tối đa ở phần yêu cầu đọc – hiểu.

Để chấm hơn 11.000 bài thi ngữ văn, 72 giáo viên được huy động chấm thi và được chia làm bốn tổ. Tuy nhiên, ghi nhận tại ban chấm thi của Sở GD-ĐT Hưng Yên cho thấy đã có thí sinh bị điểm liệt môn ngữ văn.

“Bài văn bị điểm liệt là điểm dưới 1. Đó là những bài mà thí sinh hầu như không viết được, chủ yếu chỉ viết vài dòng” – cô Hường nói. Trong khi đó, ở tổ chấm số 4 môn ngữ văn, chưa xuất hiện điểm liệt. Điểm thấp nhất được ghi nhận ở tổ chấm này là 1,25 điểm và bài làm cao nhất đạt 8,5 điểm.

NGỌC HÀ