19/01/2025

Xử nghiêm kiểu lái xe chặn giao lộ

‘Tại các nước phát triển, người lái xe có hành vi chặn giao lộ có thể bị phạt tới 500 USD. Còn ở VN, việc chặn giao lộ chưa được coi là vi phạm và đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ùn tắc giao thông’.

 

Xử nghiêm kiểu lái xe chặn giao lộ

‘Tại các nước phát triển, người lái xe có hành vi chặn giao lộ có thể bị phạt tới 500 USD. Còn ở VN, việc chặn giao lộ chưa được coi là vi phạm và đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ùn tắc giao thông’.

 

 

 

Xử nghiêm kiểu lái xe chặn giao lộ
Kiểu lái xe nối đuôi nhau tại các ngã tư dễ dẫn đến tình trạng chặn giao lộ (ảnh chụp khi đèn đỏ tại giao lộ Điện Biên Phủ – Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) – Ảnh: Đ.T.KIÊN

Trên đây là ý kiến của TS ĐOÀN TRUNG KIÊN  - Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông – đô thị TP.HCM. Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết này.

“Việc thực hiện triệt để các biện pháp loại trừ hành vi chặn giao lộ sẽ giúp tăng cường hiệu quả và an toàn giao thông, giảm nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng tại giao lộ, đồng thời góp phần cải thiện văn hóa giao thông tại Việt Nam
TS Đoàn Trung Kiên

Người lái xe tại các TP lớn ở VN chắc hẳn không ít lần gặp tình huống không thể đi qua giao lộ khi đèn xanh vì nhiều xe đang chặn phía trước. Các xe này dừng ngay tại giao lộ khi đèn đỏ do không thể tiếp tục di chuyển và gây cản trở cho các xe theo hướng khác khi họ được quyền đi qua giao lộ. Đó là hành vi chặn giao lộ.

Nguyên nhân của ùn tắc giao thông

Xử nghiêm kiểu lái xe chặn giao lộ
TS Đoàn Trung Kiên – Ảnh: NVCC

 

Hành vi chặn giao lộ tạo ra sự không công bằng cho những người tham gia giao thông bị cản trở – họ đã phải đợi đèn đỏ, nhưng khi đèn xanh thì không thể đi qua giao lộ.

Điều này dễ dẫn đến tâm lý ức chế khiến dòng xe bị chặn cố chen vào giao lộ vốn đang ùn tắc để giành lại quyền di chuyển, gây rối loạn giao thông tại giao lộ.

Phần lớn các vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM thường bắt nguồn từ các giao lộ và liên quan tới hành vi chặn giao lộ.

Nguyên nhân là trong đô thị, giao lộ là nơi mà khả năng lưu thông của phương tiện giao thông thấp nhất do xung đột giữa các dòng giao thông hoặc do đèn tín hiệu.

Nếu hành vi chặn giao lộ xảy ra, khả năng thông hành sẽ giảm xuống, làm tăng mức độ ùn tắc giao thông. Nghiêm trọng hơn, giao lộ có thể bị chặn hoàn toàn, gây tắc nghẽn giao thông.

Tại các nút giao phức tạp, người tham gia giao thông chỉ cần thiếu ý thức một chút là có thể tự đưa nhau vào cảnh “hai con dê qua cầu” để rồi cùng chặn giao lộ, làm ảnh hưởng tới chính mình và rất nhiều người khác. Người đi xe đạp và người đi bộ sang đường cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi hành vi chặn giao lộ.

Chỉ biết đến mình

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi chặn giao lộ là từ ý thức của người đi đường: chỉ quan tâm tới lợi ích bản thân, cố đi vào giao lộ dù thấy phía trước không thể di chuyển được, thậm chí vượt đèn đỏ, trở thành vật cản đối với phương tiện và người đi bộ theo hướng khác.

Tại các giao lộ không có đèn tín hiệu, nhiều người không tuân thủ biển báo “dừng lại” và thường không nhường nhau.

Thứ hai, do chưa có luật và quy định nghiêm cấm hành vi chặn nút giao, dẫn đến việc người tham gia giao thông không quan tâm tới hành vi gây cản trở người khác. Ngoài ra, cảnh sát giao thông cũng không thể xử phạt các phương tiện chặn nút giao do vấn đề pháp lý hiện tại. Theo luật hiện hành, người lái xe được phép đi vào giao lộ khi đèn xanh mặc dù họ không thể thoát khỏi giao lộ khi đèn chuyển sang đỏ và trở thành vật cản chặn giao lộ.

Mặt khác, trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, vạch sơn 4.4 (vạch kẻ kiểu mắt võng) được sử dụng để báo cho người tham gia giao thông không được dừng xe trong phạm vi mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Vạch sơn này rất cần thiết và có thể được sử dụng ở các giao lộ nhỏ. Tuy nhiên, nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt hiện hành lại không quy định xử phạt đối với trường hợp dừng xe trên vạch mắt võng này.

Nguyên nhân thứ ba là do số lượng xe cá nhân đang tăng quá nhanh, khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên, làm tăng áp lực đối với người tham gia giao thông, gây ảnh hưởng không tốt tới hành vi của họ.

Giải pháp đề xuất

Trên thế giới, rất nhiều TP đã có luật cấm xe chặn giao lộ, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Các lái xe bị cản trở thường bấm còi phản đối người chặn giao lộ. Người đi bộ hay đi xe đạp cũng bày tỏ thái độ phản đối người có hành vi chặn giao lộ.

Đã đến lúc Việt Nam cần loại trừ hành vi chặn giao lộ bằng các biện pháp sau:

– Trước hết, cần khẳng định với người tham gia giao thông nguyên tắc chung là không phương tiện giao thông nào (ngoại trừ các xe ưu tiên như xe cấp cứu, xe cứu hỏa…) được gây cản trở cho các phương tiện khác đang thực hiện quyền lưu thông của mình tại giao lộ. Khi đèn xanh, phương tiện giao thông chỉ được phép đi vào giao lộ khi đảm bảo có thể thoát khỏi giao lộ trước khi đèn chuyển sang đỏ.

Nếu phía bên kia giao lộ đang quá đông, người tham gia giao thông phải dừng phía trước giao lộ, và chỉ được phép đi vào giao lộ khi đèn vẫn còn xanh và bên kia giao lộ đã có khoảng trống đảm bảo phương tiện có thể đi ra khỏi giao lộ.

– Thứ hai là xây dựng các chế tài xử lý vi phạm chặn giao lộ (sửa đổi bổ sung Luật giao thông đường bộ và nghị định quy định xử phạt, ban hành các quy định riêng của TP về nghiêm cấm chặn giao lộ). Cần thực hiện phạt nặng đối với tất cả người lái xe chưa thoát khỏi giao lộ khi đèn chuyển sang đỏ (có thể thông qua cả hình thức phạt trực tiếp hoặc phạt nguội qua camera giao thông).

– Cuối cùng, cần tuyên truyền để người dân hiểu nghĩa vụ không được chặn giao lộ và thực hiện quyền phản đối người chặn giao lộ.

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

TS ĐOÀN TRUNG KIÊN (Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông – đô thị TP.HCM)