|
Giúp người bị nạn tại giao lộ Tô Hiến Thành và Thành Thái, Q.10, TP.HCM – Ảnh: T.T.D. |
1- Cách đây ít hôm, tôi chứng kiến vụ tai nạn diễn ra trên quốc lộ 51 (gần trạm dừng chân bò sữa Long Thành, Đồng Nai). Người đi xe máy do thiếu quan sát nên tông vào đuôi chiếc xe hơi và bị hất mạnh xuống lòng đường.
Sau khi tai nạn xảy ra, người lái xe hơi xuống xe và việc đầu tiên là anh ta xem xe của mình có bị sao không, rồi quay sang chửi bới người bị nạn mà không hề quan tâm họ đang đau đớn vì bị thương, chửi xong lại lên xe bỏ đi.
Chắc anh ta nghĩ rằng mình là người đúng nên chẳng có lý do gì phải bận tâm đến người gặp nạn (?). May mắn là đã có một số người đi đường đến giúp người bị nạn, đưa người và xe vào lề đường…
2- Một câu chuyện khác ở gần gia đình tôi: có một em nhỏ tranh giành đồ chơi của em lớn hơn không lại, đã nhặt cây gậy đánh nhiều cái vào mặt em lớn. Khi thấy em lớn bị sưng mặt, vì quá sợ, em nhỏ khóc chạy về nhà. Mẹ của em nhỏ thấy con khóc đã không tìm hiểu nguyên nhân, mà chạy đến tát tai em lớn mấy cái dù em này đang bị đau ở mặt.
Chỉ đến khi nghe con mình kể lại chuyện, người mẹ mới biết là con mình sai hoàn toàn và mình đã phản ứng quá hồ đồ.
Ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân là một trong những nguyên nhân khiến không ít người hành xử giống như hai câu chuyện trên.
* Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đối diện với rất nhiều hoàn cảnh cần được trợ giúp. Có không ít người sẵn sàng mở lòng giúp người gặp nạn, nhưng cũng có người chỉ lo cho bản thân và hành xử thiếu tình người.
Trong một khảo sát gần đây về “Thái độ bàng quan của người dân trước tình huống cần giúp đỡ” (của GS.TS Trần Thị Minh Đức – Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, cùng cộng sự ThS Vũ Thị Huệ – Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em), các nhà tâm lý thu được một kết quả đáng lưu ý.
Có đến 93,4% người dân được hỏi đã cho biết là trong những tình huống khẩn cấp để giúp đỡ người đang bị đau thì việc đầu tiên là phải tìm cách hỗ trợ người bị nạn, còn việc quan tâm đến tài sản cá nhân mình chỉ là sau cùng.
Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm thì ngược hẳn, có đến 88,3% số người tham gia khảo sát đã không có hành động gì trước tình huống khó khăn bất ngờ như trên, sự giúp đỡ chỉ có ở 11,7% số người mà thôi.
Làm gì để cộng đồng quan tâm nhau nhiều hơn và giảm đi những cư xử thiếu tình người?
Bắt đầu chính là nội dung giáo dục đạo đức từ nhỏ, là bài học về trách nhiệm với cộng đồng, về thái độ, lòng nhân ái và cần được rèn giũa thành kỹ năng sống. Ngay từ nhỏ, các em cần phải được giáo dục kỹ năng sống một cách bài bản, khoa học về cách ứng xử khi gặp phải tình huống khẩn cấp.
Đặc biệt, trong rèn luyện kỹ năng sống thì nhất thiết phải quan tâm đến giáo dục thái độ gắn liền với tình yêu thương con người, sẵn sàng đồng cảm chia sẻ. Bởi thực tế, có những trường hợp có hiểu biết, thừa kỹ năng nhưng do thiếu cảm xúc về tình người, không đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh nên họ đã không ra tay cứu giúp.
Cảm ơn chàng trai tốt bụng
Đầu tháng 6 tôi đưa vợ con về quê ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) chơi mấy ngày. Những ngày đó trời nắng nóng như nung nhưng tôi thấy vẫn mát lòng mát dạ bởi tình cảm yêu thương của người thân trong gia đình, đặc biệt là nghĩa cử của một người dân quê khiến vợ chồng tôi rưng rưng xúc động…
Hôm đó, sau khi ghé thăm nhà một người bạn về thì xe máy của tôi bị lủng ruột. Trời đã chập choạng tối và còn khoảng 2km nữa mới tới nhà, dọc tuyến đường này lại không có tiệm sửa xe nào nên tôi và vợ hết sức lo lắng, không biết có đủ sức vừa dắt xe máy đi bộ vừa bồng dắt hai con nhỏ (một bé hơn 3 tuổi và một bé chưa đầy 2 tuổi) vượt qua quãng đường này không.
Mới đi một đoạn trong cảnh tay bồng tay dắt con nhỏ, vợ tôi đã như muốn khóc. Lúc đó, từ khu vườn bên đường có một cậu thanh niên cất tiếng hỏi xe tôi bị gì. Khi nghe nói xe bị lủng ruột, cậu sốt sắng: “Dắt vô đây em vá cho mà chở vợ con về”.
Rồi cậu thanh niên đưa đồ nghề sửa xe ra và nhanh nhẹn vá xe cho tôi. Vợ chồng tôi như trút bỏ được tảng đá đè nặng trên ngực, rối rít cảm ơn em và đề nghị được trả tiền công. Tuy nhiên, em từ chối, nói: “Chỉ là chuyện nhỏ ấy mà”.
Vâng, chỉ là chuyện nhỏ nhưng nếu không có em thì vợ chồng tôi đã phải vượt qua một hành trình vô cùng vất vả. Hành động của em đã để lại trong tôi một kỷ niệm ngọt ngào. Còn cô vợ thành phố của tôi đã có cảm nhận tốt đẹp về người dân quê hiền lành, tốt bụng và giàu tình nghĩa. Tôi tự dặn mình nhất định trong lần về quê tới, tôi sẽ đưa vợ con ghé nhà em chơi và ôn lại kỷ niệm khó quên này.
PHẠM ĐƯỢC (Đà Nẵng)
|
NGUYỄN VĂN CÔNG
(ĐỒNG NAI)