28/01/2025

Được giáo dục tốt sẽ ứng xử văn minh trên mạng, đúng không?

Sau Diễn đàn chủ nhật “Xử phạt vi phạm trên mạng ra sao?” , đã có thêm nhiều bạn đọc góp ý về vấn đề này, trong đó có đề xuất cần xây dựng cho được văn hoá ứng xử trên mạng.

Được giáo dục tốt sẽ ứng xử văn minh trên mạng, đúng không?

 

Sau Diễn đàn chủ nhật “Xử phạt vi phạm trên mạng ra sao?” , đã có thêm nhiều bạn đọc góp ý về vấn đề này, trong đó có đề xuất cần xây dựng cho được văn hoá ứng xử trên mạng.

 

 

 Tuổi Trẻ xin giới thiệu 2 ý kiến tiêu biểu.

Chế tài chỉ giải quyết phần ngọn

Bài toán về xây dựng văn minh trên mạng xã hội mà lời giải là những chế tài của luật pháp cùng với biện pháp can thiệp của nhà mạng, lời kêu gọi cư dân mạng chỉ mới giải quyết phần ngọn. Căn cơ hơn vẫn là giáo dục của gia đình, nhà trường.

Những điều xấu từ một bộ phận người dùng mạng xã hội, hay nói chung là sự lệch chuẩn về văn hoá khi tham gia cùng cộng đồng mạng có nguyên nhân từ đâu? Tôi cho rằng văn hoá mạng xã hội chỉ có thể có khi văn hoá trong đời sống thực trở thành thói quen của mỗi người.

Để có ứng xử văn minh trên mạng xã hội thì giáo dục phải phát triển được văn hoá trong đời sống thực. Đây là vấn đề gốc rễ và không dễ thực hiện một sớm một chiều.

Hãy bắt đầu từ giáo dục trong gia đình và nhà trường. Gia đình hãy yên ấm, ông bà, cha mẹ mẫu mực, quan tâm giáo dục con em mình, phối hợp tốt với nhà trường. Nhà trường lấy dạy người để dạy chữ; dạy người là mục tiêu – biện pháp – động lực để nhà trường tồn tại, phát triển. Trong bối cảnh ấy, nhân cách trẻ sẽ được phát triển theo hướng chân – thiện – mỹ.

Gia đình – nền tảng, nhà trường – phát triển, xã hội – quy củ (thông qua quản lý nhà nước được vận hành bởi một bộ quy tắc chuẩn mực) sẽ góp phần xây dựng xã hội thực kỷ cương, nghĩa tình và lẽ đương nhiên khi ấy xã hội ảo sẽ nhân văn, tiến bộ.

Trong xã hội mà nhiều người cùng sống, chia sẻ trách nhiệm trên mọi lĩnh vực ở đời thực theo những nguyên tắc cao thượng thì mạng xã hội sẽ được thể hiện tốt đẹp. Cái xấu, cái ác nếu có chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nhanh chóng bị cô lập.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (Lâm Đồng)

Tạo không gian bày tỏ ý kiến

Mạng xã hội cũng như mọi thành tố khác của đời sống xã hội luôn mang trong mình những khía cạnh hữu ích lẫn những khía cạnh tiêu cực. Việc đưa ra các quy định xử phạt những hành vi không đúng mực trên mạng xã hội là điều cần thiết, nhưng có lẽ cũng nên nhìn nhận những hành vi được cho là không đúng mực ấy như thế nào và tại sao lại như vậy.

Chúng ta nói nên góp ý trực tiếp hơn là bày tỏ ý kiến hoặc sự bức xúc trên mạng, điều này đúng, nhưng cũng phải đặt câu hỏi vì sao người ta lại chọn mạng xã hội để bày tỏ chính kiến của mình, chứ không thể hiện ý kiến trực tiếp với người hay tổ chức có liên quan?

Trong thực tế, không thể phủ nhận có nhiều vụ việc được thể hiện trên mạng đã có hiệu ứng tích cực, khi khiến các cá nhân hay tổ chức có liên quan phải hành động trước các thông tin được chuyển tải trên mạng xã hội.

Vì thế nếu trong đời sống thường nhật con người có thể tìm thấy dễ dàng những phương tiện để thể hiện ý kiến hay sự bất bình của mình, đương nhiên họ sẽ ít chọn mạng xã hội hơn vì thật ra mạng xã hội cũng không phải là đời thực hoàn toàn.

Do đó, bên cạnh việc đặt ra những quy định xử phạt các hành vi, phát ngôn được cho là không phù hợp trên mạng xã hội thì điều cần thiết hơn là phải tạo ra những không gian, tạo ra những cơ hội cho mọi người có thể được nói lên suy nghĩ của mình dễ dàng và có hiệu quả.

Việc sử dụng mạng xã hội còn phụ thuộc vào nền tảng văn hoá của từng người nữa. Nếu ngay từ nhỏ mỗi người đã được uốn nắn, dạy dỗ biết cách ứng xử phù hợp trong đời sống xã hội như không được xúc phạm người khác, biết tôn trọng sự riêng tư của người khác, biết phân biệt lợi ích cá nhân với lợi ích công cộng, biết cái gì nên làm, nên nói và cái gì không nên… thì không chỉ mạng xã hội, mà những phương tiện khác cũng sẽ được sử dụng thích hợp mà không cần phải có những quy định chế tài.

Nếu chúng ta bỏ mặc hoặc xem nhẹ việc đào luyện về văn hoá, lối sống thì dù có bao nhiêu điều luật cũng sẽ khó điều chỉnh được hành vi, ứng xử của con người bởi luật pháp chỉ quy định được những điều tối thiểu, còn văn hoá, chuẩn mực đạo đức mới quy định những điều tối đa mà con người phải tôn trọng.

LÊ MINH TIẾN (TP.HCM)

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG – LÊ MINH TIẾN