Bangkok, Singapore cho thuê vỉa hè như thế nào?
Sau khi báo chí thông tin Sở GTVT TP.HCM công bố dự thảo thu phí sử dụng tạm vỉa hè thì nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau. TS Nguyễn Minh Hoà đã trao đổi với nhiều chuyên gia nước ngoài về vấn đề này.
Bangkok, Singapore cho thuê vỉa hè như thế nào?
Sau khi báo chí thông tin Sở GTVT TP.HCM công bố dự thảo thu phí sử dụng tạm vỉa hè thì nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau. TS Nguyễn Minh Hoà đã trao đổi với nhiều chuyên gia nước ngoài về vấn đề này.
Theo dự thảo về thu phí sử dụng vỉa hè, người sử dụng vỉa hè để xe thế này phải trả phí. Ảnh chụp trên đường Lý Tự Trọng, Q.1 (TP.HCM) – Ảnh: Tự Trung |
Theo đó, ông David KOH (chủ tịch hội đồng kiêm giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng của Singapore), GS.TS Apiwat Ratanawaraha (trưởng khoa quy hoạch Trường ĐH Chulalongkorn, Thái Lan) đều xác nhận ở Singapore và Bangkok đều thu phí sử dụng vỉa hè từ nhiều chục năm nay.
Không có chuyện sử dụng miễn phí
Quan điểm về thu phí của họ rất rõ ràng rằng vỉa hè hay lòng đường là không gian công cộng, người khai thác sử dụng sinh lời thì phải trả tiền vào công quỹ, không có chuyện sử dụng miễn phí. Số tiền thu được dùng để duy tu, bảo trì vỉa hè, đường sá và cảnh quan, môi trường.
Việc thu phí vỉa hè phải đảm bảo công bằng, minh bạch, không đổ đầu ngang bằng như nhau. Chẳng hạn ở Singapore và Bangkok việc thu phí cao hay thấp tuỳ thuộc vào ba điều kiện là: vị trí, mức doanh thu thực tế và diện tích mặt bằng, cũng như khoảng thời gian chiếm dụng. Nếu cửa hàng ở khu vực kinh doanh sầm uất, ở trục đường thương mại, ở phố cổ, như vỉa hè khu kinh doanh sầm uất bậc nhất Orchard (Singapore), Pathumwan (Bangkok) thì giá rất cao.
ThS Parisa (nghiên cứu sinh của Trường Chulalongkorn, chuyên nghiên cứu về kinh tế vỉa hè) cho biết một công ty kinh doanh sử dụng phần trước của toà nhà ở khu phố cổ Khaosan (cũng là khu du lịch) phải trả tới 30.000 baht/tháng, tương đương 20 triệu đồng Việt Nam.
Ngoài khoản tiền này, chủ những toà nhà thương mại sử dụng mặt bằng vỉa hè trong nhiều thời gian cho xe, hàng hoá ra vào thì phải trả thêm mỗi tháng từ 10.000 -12.000 baht nữa. Trong khi một chỗ trống khoảng 2m2 trên vỉa hè ở khu vực trung tâm kinh doanh thuận lợi cho người bán hàng (thường là một xe đẩy tay) có giá một tháng là 3.500 baht, tương đương 2,3 triệu đồng Việt Nam.
Các chuyên gia Thái Lan cho biết giá cho thuê vỉa hè ở Bangkok không chỉ định theo mét vuông, bởi theo diện tích sẽ đưa đến tình trạng không công bằng (vì có nhà kinh doanh tốt có nhà kinh doanh không hiệu quả, và ở cùng địa điểm các chủ doanh nghiệp cũng có mức doanh thu khác nhau).
Giá cho thuê vỉa hè ở Bangkok căn cứ theo tình hình doanh thu theo mỗi 6 tháng. Điều này có nghĩa là cửa hàng nào có doanh thu cao, sử dụng mặt bằng lớn, chiếm dụng lâu thì phải đóng phí cao hơn cho dù cửa hàng không ở khu vực trung tâm.
Có nạn trả tiền cho nhóm bảo kê
Tại Singapore và Bangkok, phí sử dụng vỉa hè do chính quyền thu trực tiếp hay gián tiếp qua mạng. ThS Parisa cho biết việc thu loại phí này ở Bangkok là do cơ quan thuế của các quận thu hằng tháng tại chỗ và xuất hoá đơn tài chính.
Tuy nhiên, GS Apiwat cho biết ngoài việc trả tiền thuê vỉa hè cho chính phủ, thì ở một vài nơi tại Bangkok những người bán hàng rong, những chủ cửa hàng sát mặt đường phải trả thêm một khoản tiền không chính thức cho những nhóm người bảo kê (ông Apiwat gọi là mafia).
Đặc biệt những người nước ngoài như người Việt Nam, Philippines thường bị bắt chẹt theo kiểu này. Tôi xác nhận điều này là có thật vì đã nhiều lần nói chuyện với người Việt Nam bán nước giải khát, trái cây ở khu trung tâm Bangkok và nghe bà con phàn nàn về việc này.
Còn tại Singapore, ông David KOH cho biết theo luật thì chỉ có người kinh doanh có nhà mới được thuê phần vỉa hè phía trước để kinh doanh, nhưng không tránh được những trường hợp thuê vỉa hè xong cho người khác thuê lại để hưởng chênh lệch.
Mặc dù việc cho thuê vỉa hè ở xứ người đã được thực hiện từ lâu nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn có những chuyện chưa thật ổn thoả. Đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của người thuê vỉa hè và người cho thuê là chính quyền thành phố, hoặc quận, hoặc sở chuyên môn.
Cụ thể, chính quyền muốn người sử dụng vỉa hè phải bảo vệ cây xanh trên phần vỉa hè đã thuê, cũng như giữ vệ sinh sạch sẽ và sửa chữa nhỏ khi vỉa hè hư hỏng. Trong khi đó, người thuê vỉa hè cho rằng chính quyền thu tiền rồi thì những việc vừa nêu là trách nhiệm của chính quyền.
Để không “chết yểu” hoặc bị biến tướng Theo tôi, việc TP.HCM tính phương án cho thuê vỉa hè là đúng. Tuy nhiên, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia, người sử dụng vỉa hè và làm thí điểm để có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi sau: Cho thuê ở những nơi nào? Giá cả ra sao? Cách thu sao cho công bằng, minh bạch? Số tiền thu được sử dụng sao cho đúng mục đích? Quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên ra sao? Sở dĩ tôi lưu ý phải nghiên cứu kỹ những vấn đề trên là vì nếu không cẩn thận thì việc cho thuê vỉa hè sẽ bị “chết yểu” hoặc bị biến tướng. |