Sau Thế chiến 2, Argentina chiêu mộ những bộ óc xuất chúng về vũ khí của Đức Quốc xã để phục vụ tham vọng quân sự của mình.
Tàn quân phát xít và tham vọng quân sự của Argentina
Sau Thế chiến 2, Argentina chiêu mộ những bộ óc xuất chúng về vũ khí của Đức Quốc xã để phục vụ tham vọng quân sự của mình.
Sau khi bại trận trong Thế chiến 2, hàng ngàn sĩ quan, nhân vật cấp cao của Đức Quốc xã đào thoát sang Argentina và được chính quyền thời đó dung dưỡng. Trong số này, nhiều nhà khoa học đã được tuyển dụng để phát triển chương trình chiến đấu cơ lợi hại dựa trên các thiết kế còn dang dở của không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe).
Tị nạn chất xám
Theo hồ sơ giải mật của Đức, gần 9.000 nhân vật bị liệt vào tội phạm chiến tranh đã trốn đến Nam Mỹ sau Thế chiến 2. Trong đó, gần 5.000 người cập bến Argentina, 1.500 – 2.000 người đến Brazil, khoảng 500 – 1.000 người đến Chile, số còn lại chạy sang Paraguay hoặc Uruguay. Khét tiếng nhất trong số này phải kể đến Adolf Eichmann, “kiến trúc sư trưởng” của chính sách diệt chủng người Do Thái. Ông ta lẩn trốn ở Argentina từ năm 1950 và đến 1960 thì bị tình báo Israel bắt cóc mang về xét xử rồi bị tử hình năm 1962.
Năm 2015, FBI từng công bố tài liệu đặt nghi vấn Adolf Hitler cùng người tình Eva Braun cũng kịp trốn chạy đến Argentina và chết già ở nước này chứ không phải tự sát tại Berlin.
Theo chuyên san The National Interest, một trong những chuyên gia được chính quyền Tổng thống Argentina Juan Peron trọng dụng nhất là kỹ sư máy bay người Pháp Emile Dewoitine. Ông chính là tác giả của D.520, chiến đấu cơ tốt nhất của Pháp đối mặt với lực lượng Luftwaffe vào thời điểm Đức tiến đánh Pháp vào năm 1940. Tuy nhiên, sau khi chính phủ Pháp đầu hàng vào tháng 6 năm đó, Dewoitine quay sang hợp tác với các chuyên gia Đức để phát triển máy bay cho Luftwaffe. Bị chính phủ hậu chiến Pháp xem là kẻ phản quốc, ông trốn sang Tây Ban Nha rồi vượt Đại Tây Dương và đầu quân cho Tổng thống Peron.
Chọn Argentina làm nơi nương náu còn có Kurt Tank, kiến trúc sư trưởng của dự án Ta.152 – phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ Focke-Wulf 190. Máy bay này được đánh giá là có khả năng vượt trội so với các loại tiêm kích lừng danh Mustang và Thunderbolt của Mỹ. Theo giới sử gia, nếu dự án này của Tank hoàn thành sớm hơn thì Luftwaffe đã có thể đập tan ưu thế trên không của phe Đồng minh. Sau chiến tranh, ông từng tìm cách thương thảo đầu quân cho Anh, Trung Quốc và Liên Xô nhưng cuối cùng chỉ có Argentina là chịu dung nạp.
Bên cạnh đó, năm 1960, nhà khoa học Đức Reimar Horten tìm đến Viện Kỹ thuật hàng không Argentina trình bày dự án “bom bay siêu thanh”. Ông này cũng nằm trong số những nhà khoa học trốn đến Argentina sau Thế chiến 2. Theo mô tả của Horten, “bom bay siêu thanh” có nhiều nét tương đồng với tên lửa hành trình siêu thanh hiện đại.
Giấc mơ chết yểu
Tuy nắm trong tay nhiều bộ óc xuất sắc của Đức Quốc xã nhưng cuối cùng Argentina vẫn không thể hiện thực hoá được tham vọng quân sự của mình vì không đủ công nghệ để làm đúng theo thiết kế. Do thực lực tài chính có hạn nên nước này cũng không thể theo đuổi các dự án dài hơi và nhanh chóng “xếp xó” mỗi khi thử nghiệm thất bại.
Đức Quốc xã từng bí mật lên kế hoạch xây dựng một siêu hạm đội với tham vọng làm chủ biển cả, nhưng cũng chính ý đồ này góp phần dẫn đến thất bại của họ trong Thế chiến 2.
Theo The National Interest, dự án I.Ae. 27 Pulqui I của Dewoitine được công nhận là chiến đấu cơ phản lực đầu tiên ra đời tại khu vực Mỹ Latin. Thế nhưng, do vấn đề kỹ thuật lắp ráp và vật liệu nên máy bay này chỉ đạt vận tốc hơn 700 km/giờ và chất lượng bay cực thấp nên chỉ được sản xuất đúng một phiên bản mẫu để thử nghiệm. Không còn được trọng dụng, Dewoitine đến Thuỵ Sĩ rồi trở về Pháp và qua đời lặng lẽ năm 1979. Các dự án có bàn tay của kỹ sư Tank cũng không khả quan hơn. Ông tiếp tục phát triển máy bay Ta 183 nhưng không thể thu nhỏ kích thước để thích hợp thực chiến. Sau đó, các thiết kế của Dewoitine và Tank được hợp nhất thành dự án Pulqui II, tiến tới giai đoạn bay thử nghiệm vào năm 1950 với vận tốc hơn 1.100 km/giờ. Mẫu máy bay này cũng đạt tầm bay hơn 3.200 km và mang được 4 pháo 20 mm. Tuy nhiên, với công nghệ yếu kém của Argentina thời điểm đó, các đợt bay thử nghiệm bộc lộ vô số khuyết điểm về khí động học. Thậm chí, một phi công đã tử nạn vì trục trặc kỹ thuật. Dù Pulqui II được không quân Argentina đặt hàng 100 chiếc nhưng chỉ có 5 chiếc được sản xuất. Những bất ổn về chính trị và kinh tế sau đó buộc chính quyền Buenos Aires huỷ đơn hàng và sa thải luôn kỹ sư Tank vào năm 1955. Ông rời Argentina tới Ấn Độ và hỗ trợ thiết kế máy bay phản lực đầu tiên của nước này là chiếc HF24. Tới năm 1970, ông về Đức và qua đời năm 1983.
Trong khi đó, nhà khoa học Horten chung tay cùng các kỹ sư Argentina thiết kế 2 mẫu máy bay chiến đấu I.A.37 và I.A.48 nhưng cả hai đều bị huỷ bỏ vào năm 1960. Quyết định này đồng thời khai tử luôn dự án “bom bay siêu thanh”, vốn được lên kế hoạch cho thử nghiệm phóng từ các máy bay nói trên. Theo trang War is Boring, nếu đúng như thiết kế của Horten thì loại vũ khí này có thể đạt vận tốc Mach 2.5 (gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh) và tạo ra một cuộc cách mạng về tên lửa. Khác với các đồng nghiệp, Horten vẫn ở lại Argentina và qua đời năm 1993.