06/11/2024

Bích hoạ giữa trùng khơi

Một làng bích hoạ đang được hình thành ở đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) xinh đẹp và hoang sơ. Đó là những tác phẩm của hoạ sĩ chuyên và không chuyên đến đây vì tình yêu biển đảo.

 

Bích hoạ giữa trùng khơi

 Một làng bích hoạ đang được hình thành ở đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) xinh đẹp và hoang sơ. Đó là những tác phẩm của hoạ sĩ chuyên và không chuyên đến đây vì tình yêu biển đảo.

 

 

 

Bích họa giữa trùng khơi
Các em nhỏ thích thú với bức tranh mới lạ ở hòn đảo của mình – Ảnh: Trần Mai

9h sáng, trời đổ ánh nắng chiếu ngang qua bóng dừa. Ở những bức tường dọc các con đường nhỏ uốn quanh đảo, các hoạ sĩ đang say sưa tô vẽ.

Thông điệp trong từng nét vẽ

Người lấm lem sơn và mồ hôi nhễ nhại, vậy mà ai nấy cũng chăm chút cho sản phẩm của mình. Kiến trúc sư trẻ Lê Thị Thục Vi sau mấy ngày làm việc liên tục đã hoàn thành bức tranh: Chú rùa thân mến.

Vi tâm sự trong một lần tình cờ “lang thang” trên mạng thấy chương trình nên đăng ký tham gia. Khi ấy cô chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình là người Bình Định, quê hương cũng có biển, tình cảm tự nhiên dành cho biển đảo đã thôi thúc cô đến với chương trình. “Mình còn trẻ, bỏ chút công sức ra mà làm cho biển đảo quê hương đẹp hơn thì không có gì phải tiếc cả” – Vi chia sẻ.

 

Mười một nghệ sĩ chuyên và không chuyên đã tham gia thay đổi màu sắc một hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Để vẽ được bức tranh Nào ta cùng bơi, hoạ sĩ Lê Thị Hải Yến phải phối hợp rất nhiều màu và dùng cả thang để leo lên bức tường cao. Yến bảo rằng mệt vì thời tiết quá nắng nóng nhưng rất thích thú bởi nhận được sự ủng hộ của người dân và du khách đến đảo.

“Cảm giác đứng giữa một hòn đảo của Tổ quốc thật tuyệt vời. Đến những nơi như thế này mình thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Bức tranh của mình và các anh chị khác sẽ biến đảo Bé thành một nơi tuyệt đẹp, thu hút du khách nhiều hơn” – Yến nói. Chọn chủ đề một cậu bé bơi song song cùng chú rùa biển, Yến mong mọi người sẽ sinh sống hoà đồng với các loài động vật, sinh vật biển dễ thương.

Những cơn gió từ biển cả ùa vào đảo làm dịu đi cái nóng oi ả, sinh viên Lý Thị Hương An cười tươi khi tận dụng những ngày hè của mình để thực hiện chuyến đi đến Lý Sơn. Với Hương An, tham gia vẽ ở Lý Sơn cũng là hoạt động tình nguyện hè như cô từng tham gia. Vì nhỏ tuổi nên An được xem như em út của đại gia đình hoạ sĩ tham gia. Bức tranh của cô cũng toát lên nét ngây thơ trong sáng.

Chị Bùi Thị Thu Hiền, quản lý chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), cho biết: “Nếu như các bức tranh của họa sĩ chuyên nghiệp nhìn lâu mới hiểu ý nghĩa thì tranh của An giúp mọi người nhìn ra thông điệp ngay. Điều đó tạo ra sự dung hoà trong một ngôi làng bích họa giữa trùng khơi”.

Cuốn hút khách du lịch

Những bức tranh hoàn thành và một số đang dần hoàn thiện đã trở thành nét chấm phá giữa bao la biển cả. Ngắm bức bích họa người dân đang bơi với chú rùa biển, lão ông Bùi Hoàng (83 tuổi) nhớ về một thời xa xăm của đảo. Khi ấy rùa biển vào sinh sản rất nhiều. Ông bảo: “Hồi tôi còn trẻ, rùa vào đẻ nhiều lắm, bãi trước bãi sau gì cũng có. Bây giờ thì hiếm quá. Nhìn bọn trẻ vẽ lại thấy nhớ lại cái thời lâu lắm rồi”.

Đám trẻ con ở đảo cũng được dịp “no mắt”, say sưa với những hình ảnh sống động trên tường. “Đẹp quá trời đất, mấy anh chị làm cho nhà con đẹp lên, ai đi qua cũng nhìn hết” – bé Trà My tròn xoe mắt thốt lên khi bức tường nhà mình mới tuần trước còn rêu mốc, nay “lung linh” những chiếc đồng hồ và dòng chữ “Sinh ra để sống hoang dã”.

Làng bích họa hình thành mang theo nhiều ước mơ sẽ trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp của du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế, giảm bớt áp lực khai thác các nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển và các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như rùa biển.

Dù chương trình chưa hoàn thiện nhưng du khách đã rất thích thú khi đến đảo tham quan. Anh Trần Minh Thanh Hải vừa cùng bạn bè từ TP.HCM ra Lý Sơn du lịch tâm sự: “Đây là lần thứ ba tôi đến đảo Bé. Thật bất ngờ khi giữa một không gian hoang sơ lại có một làng bích hoạ. Quả thật rất thu hút du khách. Hi vọng biển đảo Tổ quốc sẽ có thêm các ngôi làng như thế này để nối gần khoảng cách giữa đất liền và biển đảo”.

Làng bích hoạ nằm trong dự án bảo tồn rùa biển

Trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ bãi rùa đẻ dựa vào cộng đồng và giảm đánh bắt không chủ ý rùa biển tại VN” do Quỹ bảo tồn rùa biển của Cơ quan nghề cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ – US Fish and Wildlife Service tài trợ, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) phối hợp cùng Khu bảo tồn biển Lý Sơn và UBND xã An Bình tổ chức chương trình tình nguyện viên tham gia vẽ tranh bích hoạ, chủ đề “Tôi yêu biển đảo/Sinh ra để sống hoang dã’’ tại đảo Bé.

Trong thời gian diễn ra chương trình, các hoạ sĩ chuyên và không chuyên đến từ nhiều tỉnh thành sẽ thể hiện những bức hoạ được ban tổ chức lựa chọn trên tường nhà các hộ dân tại đảo Bé, Lý Sơn. Ngoài những bích hhoạ được vẽ, các hộ gia đình khác cũng sẽ được sơn mới. Dự kiến khoảng 1/4 hộ gia đình trong tổng số 131 hộ dân trên đảo sẽ tham gia hoạt động nói trên.

TRẦN MAI