02/01/2025

Trên mái nhà những ‘cụ quế’

Người Ca Dong xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) từ xưa đến nay luôn nâng niu, gìn giữ khu rừng quế. Khu rừng quế cổ thụ cả nghìn cây có tuổi đời hàng trăm tuổi, nằm chót vót trên dãy núi Ngọc Linh.

 

Trên mái nhà những ‘cụ quế’

Người Ca Dong xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) từ xưa đến nay luôn nâng niu, gìn giữ khu rừng quế. Khu rừng quế cổ thụ cả nghìn cây có tuổi đời hàng trăm tuổi, nằm chót vót trên dãy núi Ngọc Linh.

 

 

 

Trên mái nhà những 'cụ quế'
Một cây quế cổ thụ ở rừng quế xã Trà Vân – Ảnh: LÊ TRUNG

Từ xa xưa, người Ca Dong ở đây đã biết dùng cây quế để chữa bệnh, làm gia vị và sau này là xuất bán về dưới xuôi, xuất khẩu.

Tới giờ họ vẫn còn giữ tập tục rừng quế của ai nhà đó biết, rừng quế của làng nào làng đó biết. Thậm chí, trong nhà, người cha còn không cho các con biết rừng quế của gia đình, họ thường chỉ nói với con cái khi lâm chung.

Có thể nói, họ không chào đón người lạ tìm đến thăm rừng quế của làng.

Lên nhà các “cụ quế”

Mặc dù được sự đồng ý, giới thiệu của chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nhưng chúng tôi cũng phải giải thích cặn kẽ lý do vào rừng quế cổ thụ với hai, ba lớp nữa, từ cán bộ xã đến thôn bản, già làng.

“Muốn vào rừng quế cổ thụ phải qua nóc Ông Ní (thôn 2, xã Trà Vân). Tôi thân với người dân, để xin họ dẫn vào” – chị Hồ Thị Tiến (35 tuổi, người Ca Dong, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Trà Vân) nói.

Nóc Ông Ní với hơn 60 nóc nhà xếp hình cánh cung. Qua những nóc nhà thấp lè tè, nhiều đôi mắt của dân bản dõi theo người lạ.

Theo chị Tiến, họ rất ái ngại khi người lạ vào khu rừng quế cổ thụ. Chị năn nỉ già làng mới được sự đồng ý dẫn chúng tôi vào rừng quế.

Mất hơn một giờ lội bộ theo con đường mòn chỉ chừng nửa mét luồn vào rừng, vượt những con dốc dựng đứng, các khe suối cắt ngang lối mòn mới đến được rừng quế cổ thụ tuổi hàng trăm năm của nóc Ông Ní nằm ở độ cao hơn 1.000m.

Khu rừng xanh ngắt. Những cây quế cổ thụ to đến mấy người ôm, cao chót vót, dày đặc, vỏ xù xì, rêu bám xanh ngắt, tán lá xoè rộng. Nắng không lọt qua kẽ lá. Rừng mát lạnh người.

Lá quế rụng xếp dày dưới đất tạo thành một thảm mùn. Hương quế từ những thân cây toả ra mùi thơm ngào ngạt. Chị Tiến chỉ những cây quế to ba, bốn người ôm và nói những cây này được dân làng gọi là “cụ quế”.

Những “cụ quế” này không bị bóc vỏ. Quế để bóc vỏ là loại quế trồng, có tuổi từ 5-20 năm. Còn với các “cụ quế”, dân làng chỉ nhặt hạt giống để bán.

Anh Hồ Văn Tiến – một người Ca Dong – nói rừng quế là báu vật thần linh ban tặng cho dân làng. Dân làng từ bao đời luôn dặn dò con cháu là không được đụng vào những cây quế cổ thụ, dù gia đình có ngặt nghèo, khó khăn đến đâu.

Rất ít khi họ cho người lạ vào khu rừng quế cổ thụ, có như vậy mới giữ được rừng quế nguyên vẹn đến ngày nay.

Trên mái nhà những 'cụ quế'
Người dân xã Trà Vân nhà nào cũng có quế, năm nay quế bán được giá nên họ rất mừng – Ảnh: V.Hùng

Của để dành

Chị Nguyễn Thị Nhung – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My – cho biết người Ca Dong xem rừng quế cổ thụ là tài sản của gia đình, của làng nên giữ bí mật.

Chỉ những người lớn tuổi trong làng mới biết được vị trí những “cụ quế” ở rừng sâu. Ngay cả những người trong gia đình cũng không được biết địa điểm rừng của gia đình khi tuổi chưa lớn.

“Chỉ khi sắp chết, họ mới tiết lộ rừng quế cổ thụ cho con cháu nằm ở vị trí nào, bao nhiêu cây mà thôi. Họ xem đó là của để dành cho con cháu đời sau” – chị Nhung kể.

Chị Nhung cho biết ngay cả rừng quế cổ thụ của cha chị giờ ở đâu, anh em chị cũng chưa được biết vì cha giữ rất kín, chỉ biết đến mùa là cha chị vào nhặt hạt đem về nhà bán.

Những ngày này, đến Nam Trà My đang là thời điểm thu hoạch quế, đi đâu cũng thấy phơi vỏ quế. Theo người dân, quế là cây trồng truyền thống, nguồn thu nhập lớn.

Cứ qua mùa mưa thì các “cụ quế” cho hạt giống, quế càng nhiều năm tuổi thì hạt càng nhiều. Mỗi năm một cây cho khoảng 100 lon hạt giống, mỗi lon 50.000 đồng. Hiện nay giá vỏ quế khô từ 25.000-40.000 đồng/kg.

Anh Đinh Hoàng Long (42 tuổi, nóc Ông Ní) chỉ tay vào đống quế đang phơi, bộc bạch: “Năm nay quế được giá nên ai cũng mừng. Gia đình mình có 300 cây quế từ 5-10 tuổi có vỏ để bán, năm nay thu được 20 triệu đồng, lo cho các con ăn học”.

Hình phạt khi xâm phạm “cụ quế”

Già làng Nguyễn Hồng Nam (80 tuổi, nóc Ông Ní) nói khi ông sinh ra đã có các gốc quế cổ thụ rồi. Người Ca Dong xem cây quế là loài cây quý của núi rừng.

Trước đây khi giá quế cao, xuất khẩu được, có một số người nghèo quá muốn chặt cây lấy vỏ bán nhưng làng khuyên bảo, nhờ vậy giữ được rừng quế cổ thụ.

Theo quy định của làng, ai xâm phạm những cây quế cổ thụ thì sẽ bị phạt. Phạt tiền, trồng lại nhiều gốc quế khác hoặc lao động, vệ sinh trong làng nhiều ngày liền, có khi nửa tháng, một tháng.

Ông Hồ Quang Bửu – chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho biết chính quyền cũng quản lý, xử rất nghiêm nếu ai chặt phá rừng quế của dân, nhằm bảo tồn và phát triển loài quế Trà My.

Huyện mua lại những cây quế cổ thụ của người dân và giao cho chính họ chăm sóc. Như vậy quế Trà My mới giữ đúng những hương vị, tiêu chuẩn nó vốn có.

Có giá trị cao nhất trong các loại quế

Quế Trà My được gọi là “cao sơn ngọc quế”, được thế giới ưa chuộng, có giá trị cao so với các loại quế khác. 

Theo ông Hồ Quang Bửu, để bảo tồn và phát triển quế Trà My trở thành cây hàng hoá, giúp nhân dân xóa cái nghèo thì đòi hỏi phải hình thành vùng chuyên canh cây quế quy mô lớn.

Khi đó sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào trồng, chế biến sản phẩm từ cây quế để nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của nó, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân.

Hiện Quảng Nam có khoảng 3.760ha quế, tập trung chủ yếu tại huyện Nam Trà My với 2.641ha. HĐND tỉnh vừa thông qua nghị quyết quy hoạch vùng trồng quế Trà My đến năm 2030 ở bốn huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước với diện tích 10.000ha.

VIỆT HÙNG – LÊ TRUNG