28/11/2024

Nhờ Tuổi Trẻ, chúng tôi không còn bị ép đóng bảo kê

Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 4-2017 đã được trân trọng trao đến bà N. cùng với 5 bạn đọc khác, trong đó có 3 người báo tin nóng và 2 tác giả có bài viết được nhiều bạn đọc quan tâm.

 

Nhờ Tuổi Trẻ, chúng tôi không còn bị ép đóng bảo kê

Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 4-2017 đã được trân trọng trao đến bà N. cùng với 5 bạn đọc khác, trong đó có 3 người báo tin nóng và 2 tác giả có bài viết được nhiều bạn đọc quan tâm.

 

 

 

Nhờ Tuổi Trẻ, chúng tôi không còn bị ép đóng bảo kê

“Khi Tuổi Trẻ đăng điều tra “Ép doanh nghiệp vận tải đóng tiền bảo kê”, tôi và các chủ xe hàng khác rất cảm kích và tình hình yên ắng từ đó đến nay” – bà N., chủ một doanh nghiệp vận tải, chia sẻ.

Bà N. là người đã báo tin cho Tuổi Trẻ về vụ đòi tiền “bảo kê” này sau khi doanh nghiệp bà liên tục bị ép đóng tiền. Và giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 4-2017 đã được trân trọng trao đến bà N. cùng với 5 bạn đọc khác, trong đó có 3 người báo tin nóng và 2 tác giả có bài viết được nhiều bạn đọc quan tâm.

Bức xúc khi bị “làm tiền”

“Khoảng tháng 12-2016, khi xe chở hàng của chúng tôi đang đi đến địa phận Phú Yên thì bị quản lý thị trường bắt. Trong lúc tôi đang lo chạy vào Phú Yên để tìm hiểu sự việc thì có người tên Bình gọi điện, đòi tôi đóng tiền “bảo kê” sẽ không bị như vậy nữa. Phải nói là đường dây này rất quy mô. Xe của ai xuất bến, chở hàng gì họ đều biết và cứ liên tục gọi điện “khủng bố tinh thần” nên các chủ xe và tài xế rất bất an. Bức xúc quá, tôi gọi điện báo vụ việc với Tuổi Trẻ” – bà N. kể.

 

Bà N. nói thêm: “Khi báo đăng, Công an tỉnh Phú Yên có đi điều tra và tiếp xúc với tôi. Tôi đã cung cấp những gì mình biết cho công an và tin rằng họ sẽ làm sáng tỏ việc nhóm người tự xưng là công an đi ép doanh nghiệp vận tải như chúng tôi”.

Ngày 12-4, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc này. Riêng Công an tỉnh Phú Yên cũng đã bước đầu xác định người cầm đầu nhóm này là Bình (45 tuổi, ở Phú Yên) cùng 2 người khác (trú phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) được Bình điều động đi thu tiền bảo kê.

Cũng bức xúc vì bị “làm tiền” nhưng ở lĩnh vực khác, bà P.T.N.S. đã báo cho Tuổi Trẻ thông tin về “Trưởng khoa “làm tiền” bệnh nhân” (Tuổi Trẻ ngày 10-4).

Bà S. kể: “Tôi vào Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp (TP.HCM) để mổ bướu giáp đơn nhân theo diện bảo hiểm y tế. Trước khi mổ, tôi được bác sĩ Vũ Hoàng Hà – phó giám đốc kiêm trưởng khoa ngoại tổng hợp của bệnh viện – hỏi có tiền mổ dịch vụ không và đưa giá 9 triệu đồng. Tôi nói mình không có tiền thì được giảm còn 4 triệu đồng”.

“Mổ xong, chồng tôi gửi tiền cho bác sĩ mà không nhận bất kỳ một biên lai nào. Đáng nói hơn là mỗi khi ai từ phòng bác sĩ này đi ra cũng bị những bệnh nhân vây lại hỏi “bao nhiêu”. Tôi lấy làm buồn lòng, vì với những người khó khăn hơn tôi thì số tiền đó là một gánh nặng. Trăn trở mãi, tôi quyết định gọi cho Tuổi Trẻ”.

Khi bài báo đăng, ngay trong sáng 10-4, lãnh đạo UBND quận Gò Vấp đã chỉ đạo xem xét tạm thời đình chỉ các hoạt động theo quy định đối với bác sĩ Hà. Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu Bệnh viện quận Gò Vấp báo cáo việc này để xem xét cách tổ chức triển khai, giám sát hoạt động dịch vụ tại bệnh viện để từ đó rút kinh nghiệm và có biện pháp chấn chỉnh.

Sẻ chia kinh nghiệm 
du học

Bài viết “Một ngày làm “nô lệ” ở Úc” (Tuổi Trẻ ngày 24-4) chỉ ra thực trạng du học sinh Việt Nam ở Úc khi tìm việc làm ở các cửa hàng của “đồng hương” đã bị trả lương rất thấp so với mức lương quy định của Chính phủ Úc, qua đó đã cung cấp nhiều thông tin và kinh nghiệm bổ ích cho những ai quan tâm du học tới đất nước này.

Tác giả bài viết, ông Danh Quốc Cường, cán bộ đang làm việc tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, chia sẻ đã viết bài trên khi câu chuyện du học sinh Việt bị đồng hương bóc lột “dậy sóng” ở Úc.

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Cường lưu ý trong bài viết: “Tất nhiên không phải ông bà chủ người Việt nào bên ấy cũng xấu, cũng bóc lột”, và không phải chủ “Tây” nào cũng tốt. Vấn đề ở đây là các bạn du học sinh Việt cần phải tỉnh táo, ưu tiên làm việc cho những nơi nói tiếng Anh, hợp với mình, sàng lọc kỹ trước khi quyết định”.

Ông Cường cũng chia sẻ đi Úc du học để mở mang kiến thức là tốt nhưng không phải là con đường duy nhất, mà cần phải xem khả năng tài chính của gia đình cũng như khả năng ngoại ngữ, bởi nếu tài chính quá khó khăn, qua bên đó sẽ rất dễ bị lạm dụng trong lao động.

Ngoài ông Cường, giải thưởng cũng được trao đến tác giả Lê Sơn, một kiến trúc sư đang sống ở Pháp, với bài viết “Chợ phiên ngoài trời – một giải pháp cho người nghèo” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 2-4), đã đưa ra nhiều kinh nghiệm rất đáng tham khảo cho TP.HCM trong việc xử lý vỉa hè.

Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 4 còn được trao đến hai bạn đọc đã hỗ trợ rất nhiều cho phóng viên Tuổi Trẻ trong quá trình tác nghiệp loạt bài “Tan tác rừng Phú Yên” (khởi đăng từ ngày 24-4). Sau khi báo đăng, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì kiểm tra, làm rõ các vấn đề báo Tuổi Trẻ nêu, báo cáo kết quả với Thủ tướng trước ngày 30-5-2017.

ĐỖ QUYÊN – CHÍ QUỐC