29/11/2024

Người dân khó nhận biết thực phẩm an toàn

Có quá nhiều nguy cơ thực phẩm không an toàn mà người dân khó nhận biết được, theo hội thảo khoa học ‘Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc ở TP.HCM, thực trạng và giải pháp’ do Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 23.5.

 

Người dân khó nhận biết thực phẩm an toàn

Có quá nhiều nguy cơ thực phẩm không an toàn mà người dân khó nhận biết được, theo hội thảo khoa học ‘Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc ở TP.HCM, thực trạng và giải pháp’ do Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 23.5.




Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm vẫn chưa triệt để và đồng bộ /// Ảnh: Duy Tính

Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm vẫn chưa triệt để và đồng bộẢNH: DUY TÍNH

Đụng đâu cũng có phụ gia hoá chất
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM, cho biết qua khảo sát của hội, có đến 80% cơ sở kinh doanh chế biến thức ăn hằng ngày như phở, bún bò… đều có sử dụng phụ gia hoá chất làm mềm. Các hóa chất này được mua tự do trên thị trường mà không có hướng dẫn sử dụng. Như vậy bữa ăn sáng của học sinh, sinh viên, người lao động, công nhân viên chức… đều gắn với những loại thực phẩm này mà người dân không biết người bán cho vào đó liều lượng phụ gia ra sao.
“Những năm gần đây xuất hiện chất phụ gia sử dụng trong thực phẩm, như củ cải thì được tẩy trắng; sả được bỏ chất làm xanh; măng từ các tỉnh đem về ngâm tẩy. Hiện nay phát sinh thêm rau muống màu xanh giữ tươi mãi”, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, nói. Theo bà Hà, khi phát hiện người bán gian dối thì công ty mời lên phạt, nhắc nhở. Người bán bảo nếu không làm vậy thì làm sao bán được sản phẩm. “Chúng tôi giáo dục họ bằng cách nói rằng hôm nay mình dùng phụ gia trên sản phẩm để bán cho người khác, người khác cũng suy nghĩ như vậy và bán ngược lại cho mình. Mình hại người ta, người ta lại hại mình”, bà Hà chia sẻ.
“Thời điểm này, người tiêu dùng rất hoang mang vì không biết phải ăn gì cho an toàn. Ăn không chỉ để sống mà còn đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và cho thế hệ tương lai phát triển tốt”, bà Hà cho biết. Về phía chợ đầu mối Thủ Đức thì chỉ quản lý đến chỗ truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nhằm khi có nguy cơ, sự cố xảy ra thì biết nguồn gốc ở đâu. Còn người dân họ trồng gì, dùng phân bón gì, tưới nước ra sao, bảo quản sau thu hoạch như thế nào thì không theo dõi được. “Nói về thực phẩm an toàn thì tôi xin thưa là chưa dám. Chúng tôi trăn trở vì nguồn hàng công ty không chủ động mà do các thương lái mua từ các tỉnh đưa về nên trách nhiệm càng nặng nề”, bà Hà nói.

Nuôi, trồng cũng cần đăng ký kinh doanh

TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cho rằng một trong những bức xúc lớn hằng ngày của người dân hiện nay là an toàn thực phẩm (ATTP). Họ không biết ăn gì cho an toàn, bởi vì nhiều chất độc hại nằm trong thực phẩm mà người dân hoàn toàn không thể nhận biết để chọn lựa.
TP.HCM hiện có 240 chợ truyền thống, trong đó có 233 chợ chuyên về kinh doanh ngành hàng thực phẩm ăn uống, và 3 chợ đầu mối. Có đến 70 – 80% thực phẩm nhập từ các tỉnh qua các chợ đầu mối. “Kiểm soát được thực phẩm 3 chợ đầu mối là kiểm soát được gần 80% nguồn gốc thực phẩm ở TP.HCM”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Thương mại Sở Công thương TP.HCM, nói.
Theo ông Phương cũng như nhiều vị đại biểu khác, phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, tức từ nơi sản xuất, chế biến, trung gian, phân phối…; nếu phát hiện sai phạm thì sẽ truy ra từng khâu, vi phạm chỗ nào để có cơ sở xử lý. Bởi cứ làm việc như hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm qua nhiều tầng nấc trung gian, nếu không tăng trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thì chắc chắn khó kiểm soát. Một sản phẩm chất lượng cao nhưng qua nhiều nấc trung gian khi đến tay người tiêu dùng không biết đâu là hàng chất lượng cao và hàng kém chất lượng, việc trộn lẫn hàng hóa là có thể xảy ra. “Tôi đề xuất thay đổi, xây dựng quy chế, nội quy ở chợ đầu mối, làm sao để những hàng h không rõ nguồn gốc, không hoá đơn chứng từ thì không được vào chợ. Những sản phẩm, nhà cung cấp nào có vi phạm ATTP sẽ không được vào chợ. Các nghị định xử phạt vi phạm ATTP chưa đủ sức răn đe, cần sửa đổi”, ông Phương kiến nghị.
Theo TS Phan Thế Đồng (Đại học Hoa Sen), hiện nay việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng chưa triệt để và đồng bộ, chủ yếu là quản lý nguồn gốc thực phẩm chứ chưa biết thông tin ATTP ra sao do người nuôi trồng, sản xuất nhỏ lẻ, lại không ghi chép sổ sách. Ngoài ra, cũng chính vì người sản xuất nhỏ lẻ nên thương lái gom hàng trộn lại đưa về TP.HCM, sau đó phân loại ra để bán thì vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng đành “bó tay”. TS Đồng đặt vấn đề hiệu quả quản lý và các giải pháp quản lý hiện nay, bởi chúng ta tốn nhiều tài chính mà quản lý chưa hiệu quả.
Bà Nguyễn Thanh Hà đưa ra giải pháp, để có thực phẩm an toàn thì người sản xuất, kinh doanh nên đăng ký sản phẩm mình nuôi (hoặc trồng), loại phân bón (thực phẩm) như là đăng ký kinh doanh để giám sát. Khi xuất hàng hoá ra khỏi tỉnh thì nên có kiểm định sản phẩm an toàn mới được vào TP.HCM.
“Tới đây, Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM giải pháp để kiểm soát tốt hơn nguồn gốc thực phẩm, hàng hóa. Việc liên kết vùng của TP.HCM với các tỉnh hiện nay rất tốt. Về tình hình các chợ truyền thống lấy thực phẩm, hàng hóa từ các tỉnh nhưng không được cung cấp nguồn gốc, việc này cần phải được khắc phục”, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết.


Người dân khó nhận biết thực phẩm an toàn - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

8 người nhập viện sau khi ăn thịt heo

8 gia đình mua chung một con heo, xẻ thịt. Sau khi ăn lòng và thịt heo luộc, 8 người trong số này phải nhập viện do có triệu chứng bị ngộ độc.

Duy Tính