10/01/2025

Tình trong đất thép

Đình Bến Dược, khu di tích địa đạo Củ Chi, TP.HCM sáng tháng 5 xanh ngát. Đoàn chúng tôi đến chuẩn bị nghi thức làm lễ thỉnh đất thiêng cho hành trình “Đất thiêng gửi Trường Sa”.

 

Tình trong đất thép

 Đình Bến Dược, khu di tích địa đạo Củ Chi, TP.HCM sáng tháng 5 xanh ngát. Đoàn chúng tôi đến chuẩn bị nghi thức làm lễ thỉnh đất thiêng cho hành trình “Đất thiêng gửi Trường Sa”. 

 

 

 

Tình trong đất thép
Đất thép thành đồng Củ Chi được các bạn trẻ chuyển cho hành trình “Đất thiêng gửi Trường Sa” – Ảnh: TỰ TRUNG

“Đất ở đây, hạt cát ngoài ấy đều là Tổ quốc, là xương máu Việt Nam…

Cựu du kích Củ Chi Huỳnh Văn Chịa

Lễ chào cờ, thắp hương diễn ra nhanh để nhường thời gian cho việc lấy đất. Ban quản lý chọn mảnh đất ngoài cổng đền thờ, bên dưới những ngọn cỏ xanh là đất nâu hồng mịn. Những tấm bảng khắc tên của hơn 45.000 liệt sĩ thinh lặng chứng kiến những xôn xao trong nắng mới.

Đất là Tổ quốc, là xương máu Việt Nam

Dùng cánh tay trái còn lại cầm chiếc xẻng xắn nhát đầu tiên, ông Huỳnh Văn Chịa – cựu du kích, đại diện khu di tích địa đạo Củ Chi – thì thầm kể: “Đời má tôi đã bắt đầu đào địa đạo, rồi tới đời tôi. Cánh tay phải của tôi cũng chôn ở đất này…”.

Câu chuyện của gia đình ông Chịa là câu chuyện của hàng ngàn, hàng vạn gia đình đất Củ Chi.

Sinh ra và lớn lên cùng với chiến tranh, từ nhỏ cậu bé Chịa đã chứng kiến má, các dì, các cậu đào hầm. Cầm được xẻng, Chịa cũng vào cuộc. Lớn nữa, Chịa gia nhập đội du kích xã như lẽ tất nhiên.

Ông chỉ cánh tay phải cụt tới gần mỏm vai: “Tôi bị thương trong một trận Mỹ càn vào xã Tân Phú Trung tháng 11-1967. Năm đó 21 tuổi, mới làm quen cô y tá được 3 ngày. Vết thương này tôi mất một cánh tay, nhưng được tình yêu của cô y tá ấy và một năm sau thì thành vợ chồng”.

Mất một cánh tay nhưng Chịa vẫn là du kích, vẫn đào địa đạo bằng tay trái, vẫn xung phong khi làng xã bị càn.

Ngồi nhìn từng vốc đất được các bạn sinh viên bốc vào thùng, ông Chịa lẩm nhẩm lại những cột mốc, những con số của lịch sử đất thép Củ Chi mà ông đã nằm lòng: 250km địa đạo, công năng của một ngôi làng ngầm; hơn 50.000 trận càn lớn nhỏ, nửa triệu tấn bom đạn, thêm ngần đó nữa chất độc hóa học…

Rồi ông nói ra tiếng: “Năm nay tôi 72 tuổi, lớp thế hệ chúng tôi đã chấp nhận hi sinh và chịu đựng những gian khổ vượt ngoài sự tưởng tượng của con người, quyết để bám trụ “một tấc không đi, một li không rời”, bảo vệ mảnh đất này. Mấy mươi ngàn người dân và chiến sĩ đã ngã xuống, tan vào đất.

Nay những vốc đất thiêng này được kính cẩn gửi đến Trường Sa, mang theo tinh thần ấy của chúng tôi, cùng nắm tay, tiếp sức với các chiến sĩ ngoài ấy gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải. Hạt đất ở đây, hạt cát ngoài ấy đều là Tổ quốc, là xương máu Việt Nam…”.

Quê nhà ở Trường Sa

Cũng đến rất sớm để chứng kiến lễ nhận đất thiêng là anh Nguyễn Anh Dũng – người đã mang những bao đất thép Củ Chi đầu tiên lên tàu ra Trường Sa cùng báo Tuổi Trẻ năm 2016.

Năm ngoái, được mời cùng đi với Tuổi Trẻ ra Trường Sa, với chủ đề “phủ xanh Trường Sa”, anh Dũng đã chọn món quà mang theo là những bao đất.

Nhưng không phải chỉ là đất trồng cây bình thường, đất của anh được lấy từ đất thép Củ Chi thành đồng.

Cùng mang những bao đất có ý nghĩa thiêng liêng ra đảo với anh Dũng từ năm ngoái còn có anh Nguyễn Hoà Bắc.

Là người con của 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn, TP.HCM), anh đã tỉ mỉ lấy đất quê mình pha trộn để có những bao đất trồng vừa sạch vừa đủ dinh dưỡng cho cây, lại vừa thiêng liêng cho người.

Đi qua 9 đảo ở Trường Sa, anh Bắc tâm sự: “Ra đến đảo mới thấy rõ trồng một cái cây ở đó khó khăn đến thế nào, mới thấy rõ được đặt chân trên mặt đất là thiêng liêng như thế nào. Có đất vườn trầu ở đó rồi, Trường Sa không chỉ là một phần Tổ quốc mà đã là một phần quê nhà của tôi”.

Trở về, anh đã viết câu thơ: Biển mênh mông nhưng không là vô tận/Mỗi đại dương vẫn có một bến bờ...

Và anh nhắn gửi với những người sắp lên đường trên chuyến tàu 2017 này: “Những hạt đất ở những vùng đất thiêng mọi miền Tổ quốc sẽ khiến Trường Sa thiêng liêng hơn. Bàn chân người lính đặt lên đó vững chãi hơn, cây được nuôi lớn từ đó sẽ xanh hơn. Cho tôi gửi lời thăm anh em và những cây xanh chúng ta đã trồng năm ngoái…”.

Một lần đặt chân đến, Trường Sa đã thành thân quen. Một hạt đất từ đất liền, Trường Sa đã thành quê nhà. Những hạt đất mang từ vùng đất thiêng, Trường Sa dung chứa máu thịt, hồn cốt của người người, nhà nhà.

Trong đất này có những máu xương

Trong buổi sáng lấy đất thiêng ở Củ Chi, chúng tôi gặp một sự tình cờ.

Đó là người cựu binh Tống Danh Vọng, đi tìm mộ liệt sĩ – là người em trai Tống Văn Tuyên. Khi ánh đèn chiếu lên danh sách liệt sĩ để dò tìm, ông reo lên, như trong nước mắt: “Đây rồi, Tống Văn Tuyên…”.

Năm 1972, Tống Văn Tuyên 18 tuổi, nhập ngũ ở quê nhà, xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh trong đoàn quân của sư đoàn 320 – Quân đoàn 3 tiến vào Sài Gòn theo hướng tây bắc và hi sinh sáng 29-4-1975 trên đường 22, trước căn cứ Đồng Dù – Củ Chi, khi 21 tuổi.

Ông Vọng cũng nằm trong phiên chế của Quân đoàn 3, tiến xuống Sài Gòn sau em trai một ngày.

“Từ Phú Thọ vào đây xa xôi. Đây là chuyến thứ ba tôi vào tìm mộ em trai nhưng vẫn chưa thấy. Hôm nay mới may mắn tìm được tên em được ghi khắc ở đây” – ông giãi bày.

Nghe nói chúng tôi đang chuẩn bị thỉnh đất Củ Chi để mang đến Trường Sa, ông sững lại rồi bật nói: “May mắn thứ hai trong ngày của tôi đây. Đất này có cả em tôi ở đó…”.

PHẠM VŨ