Ráng tìm ‘cái có trong chính mình’, vun bồi để sống có ích
Bài viết “Chết thì dễ chứ sống tốt mới khó” đã nhận được chia sẻ từ nhiều bạn đọc. Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của Đỗ Minh Hội – nhân vật trong loạt bài “Hành trình “xương thuỷ tinh”.
Ráng tìm ‘cái có trong chính mình’, vun bồi để sống có ích
Bài viết “Chết thì dễ chứ sống tốt mới khó” đã nhận được chia sẻ từ nhiều bạn đọc. Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của Đỗ Minh Hội – nhân vật trong loạt bài “Hành trình “xương thuỷ tinh”.
Anh Trần Hồng Giang trong một buổi nói chuyện với học sinh về nghị lực sống – Ảnh: VŨ VĂN NINH |
Đọc bài báo “Chết thì dễ chứ sống tốt mới khó”, tôi như hút vào hình ảnh của anh Trần Hồng Giang, với một đôi mắt sáng và dường như biết nói.
Con người ta khi có một mục tiêu để sống, tôi tin rằng dù xuất phát ở bất kỳ hoàn cảnh nào đều sẽ tìm được một con đường để hoàn thành mục tiêu đó, như câu nói của anh Giang mà tôi vô cùng tâm đắc: Con đường này quá hẹp thì mình tìm con đường khác để đi.
Tôi – một người khuyết tật giống anh – cũng từng run rẩy trước những khoảnh khắc tuyệt vọng đến mức quẫn bách, cũng muốn tìm đến cái chết hòng “giải thoát” tất cả. Nhưng đối với một số người – như tôi – muốn chết không hề dễ dàng.
Với hàng đống bông băng bó bột trên người, tôi đã không thể đi để mua được dù chỉ một viên thuốc ngủ. Và chắc hẳn là cũng không thể nhờ ai đó mua giúp. Cái chết đã là con đường quá hẹp. Vậy thì ta lại phải chọn con đường sống vốn đang mở thênh thang trước mắt đó thôi.
Và tôi đã cố gắng, nhưng nỗi đau là có thật và nặng nề. Cánh cửa đại học tôi bước vào năm 2012 tràn ngập những ước mơ và những dự định màu hồng, nhưng mỗi năm trôi qua đều chất chồng những khó khăn về sức khoẻ.
Bằng sự kiên gan, tôi mới thấy chỉ khi mình có một động lực duy nhất là tìm được một cách sống phù hợp nhất với chính con người hiện tại, con người ấy mới có thể sống tốt. Con người sẽ sống tốt khi chấp nhận được những cái bất thường là điều bình thường.
Đỗ Minh Hội – Ảnh: NVCC |
Có lần đi trong sân trường, tôi tự nhìn những bước chân tập tễnh của mình, nhìn sang bước chạy mạnh mẽ của một cậu sinh viên khoẻ mạnh, đang phụ đẩy những vòng xe lăn của một cô gái còn yếu hơn cả tôi đang ráng thực hiện ước mơ cử nhân. Ba chúng tôi không hề khác biệt.
Chúng tôi khi gặp nhau đều sẽ nở một nụ cười trìu mến, nụ cười của ba con người đã cố gắng sống tốt với chính bản thân mình. Có chăng khác biệt, hài hước một chút, là ở cái dáng đi mà thôi.
Ngay cả khi có bằng đại học, đối với người khuyết tật cũng không là dễ dàng. Tôi rất khó có việc làm. Cũng buồn. Nhưng có việc dù nhỏ mà có ích, có thu nhập dù nhỏ vẫn tốt. Thế là tôi vui với vai trò là một anh đánh máy vừa nhận tư vấn văn bản luật pháp cho bà con trong xã.
Công việc có vẻ rất tầm thường song thật là vui khi chỉn chu với tờ đơn, bà con nộp vô xã hanh thông, ai gặp nhau cũng cười, có cô cán bộ còn vỗ vai khen: Chú em giúp bọn chị trong xã đỡ cực hơn, được đó! Tôi thấy hạnh phúc, thấy đồng tiền nhỏ nhoi mình kiếm được thật là giá trị. Và nhận ra: điều bình thường nhỏ bé chính là giá trị lõi của cuộc sống.
Làm công việc này, tôi cũng đã nhìn thấy những cảnh đớn đau. Thay vì chỉ dừng lại ở cảm xúc xót thương ỉ eo, tôi biết chọn việc nhỏ mà có ích cho họ bằng cách tư vấn cụ thể từ cách mua bảo hiểm ra sao, làm đơn tìm tòi nguồn hỗ trợ thế nào… Niềm đau vơi đi, nụ cười trao nhau, bỗng thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Tôi cho rằng những người như anh Giang, như chúng tôi, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng, song mỗi người phải ráng tìm bới “cái có” trong chính mình, dù nhỏ nhoi, dù bình thường, mà vun bồi để vươn lên sống có ích.
Mong chúc những người đồng cảnh ngộ của chúng ta luôn giữ được ngọn lửa yêu thương trong đời sống hết sức bình thường dù còn những khó khăn.
Phép mầu là sự nỗ lực Đọc “Chết thì dễ chứ sống tốt mới khó” mà ứa nước mắt. Câu chuyện Giang kể về cuộc đời anh, những việc anh làm, thành quả anh đang có làm tôi xúc động. Cuộc sống không phải là phép mầu, mà chính con người tạo nên phép mầu ấy. Phép mầu của Giang chính là sự nỗ lực vươn lên, chấp nhận tật nguyền để sống. Giang sống cho đời, sống cho cha mẹ bớt khổ, sống để thấy một người khuyết tật không đầu hàng số phận. Đó là sự kỳ diệu không phải từ trên trời rơi xuống, mà từ trái tim Giang. Đọc bài báo về anh, tôi liên tưởng đến cô gái Nguyễn Hướng Dương ở TP.HCM, 17 năm trước bị tàu hỏa cán đứt đôi chân. Trải qua 8 lần phẫu thuật “cắt, gọt, chắp, nối” và nhiều lần cô định đập đầu vào tường tự tử, cuối cùng, những em bé Trường mù Nguyễn Đình Chiểu đã “thức tỉnh” cô phải sống. Cô đã tìm ra ánh sáng của cuộc đời. Đó là ánh sáng tri thức cho hàng ngàn trẻ em khiếm thị trên mọi miền đất nước thông qua những cuốn sách nói bằng băng cassette, đĩa CD mà chính cô tự thu băng rồi gửi tận tay cho các em theo đường bưu điện. Bên cạnh màu hồng, cuộc sống luôn có những khoảng tối. Giang là người 43 năm chỉ ở trong nhà với bốn bức tường, nhưng Giang là ngôi sao sáng trong “khoảng tối” ấy. Đọc bài báo, chắc nhiều thanh niên sẽ ngưỡng mộ anh. Và có lẽ, họ sẽ thay đổi cách sống. |