10/01/2025

Đem ‘cần câu’ giúp dân nghèo

Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, 50 cán bộ, công chức, viên chức trẻ huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) đến các bản vùng cao giúp dân trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện kế sinh nhai, điều kiện sinh sống.

 

Đem ‘cần câu’ giúp dân nghèo

Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, 50 cán bộ, công chức, viên chức trẻ huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) đến các bản vùng cao giúp dân trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện kế sinh nhai, điều kiện sinh sống.

 

 

 

Đem 'cần câu' giúp dân nghèo
Các bạn trẻ giúp người dân xã Trà Vinh đào ao nuôi cá – Ảnh: L.TRUNG

“Giúp được người dân là thấy vui lắm rồi. Sát người dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của họ cũng giúp ích cho chính công việc của mình sau này

Y Phương (29 tuổi)

Sáng thứ bảy, căn nhà sàn của ông Hồ Thiên Vũ (45 tuổi, người Ca Dong, xã Trà Vinh) rộn rã hơn ngày thường bởi những tiếng trò chuyện của các bạn thanh niên.

Dân cần hướng dẫn 
thực tế

Gia đình ông Vũ là hộ nghèo và tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Trò chuyện tâm tình, khi nghe ông nói về nguyện vọng muốn chăn nuôi heo, nuôi cá, các bạn trẻ đã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo, chọn con giống rồi thả cá loại nào bán được, giống cá mua ở đâu, thức ăn thế nào… cho ông.

Nói là làm ngay, một số bạn xắn tay áo giúp ông xây chuồng heo, đào ao cá đúng kỹ thuật. Năm hộ dân khác cũng được mời đến để hướng dẫn cùng ông Vũ.

 

Từ nguồn vốn vay của huyện, ông Vũ đã mua một đàn heo và hơn 1.000 con cá giống về thả nuôi ở ao vừa mới đào. Nhìn thành quả bước đầu, ông mừng rỡ: “Trước giờ toàn làm thuê làm mướn không đủ sống, nay tôi tận dụng được vườn nhà để chăn nuôi, trồng trọt, kiếm thêm thu nhập”.

Suốt các ngày nghỉ tháng 3, 4 vừa qua, các bạn trẻ đã vác balô lội bộ vào nóc Măng Lin, xã Trà Vân để hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách phòng trừ sâu bệnh cây chuối mốc, lúa, quế… cho hàng chục hộ dân.

“Từ trước đến giờ do trồng, chăm sóc không đúng cách nên cây chết nhiều, năng suất thấp. Giờ có cán bộ về “cầm tay chỉ việc”, bày vẽ một cách thực tế thì còn gì bằng” – ông Nguyễn Thanh Tâm (46 tuổi, nóc Măng Lin) bộc bạch.

Ông Nguyễn Hữu Quang, phó chủ tịch UBND xã Trà Vinh, cho hay bây giờ người dân cần hướng dẫn thực tế để nắm bắt kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi chứ không thích lý thuyết “suông” nữa.

“Các bạn thanh niên rất nhiệt tình. Họ đã hi sinh ngày nghỉ quý giá của mình để xông pha giúp dân mà không ngại khó, ngại khổ” – ông Quang nói.

Bất cứ lúc nào bà con cần đều có thể gọi điện để được tư vấn cặn kẽ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Không những thế, các bạn còn chung tay cùng bà con nạo vét kênh mương, giúp dân làm nền nhà, đường bêtông, vệ sinh nhà cửa, thôn bản…

Giúp bà con được gì 
thì giúp!

Công tác tại Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nam Trà My, Đinh Văn Thọ (29 tuổi) nhận thấy cuộc sống nghèo khó của đồng bào, nên khi huyện thành lập đoàn xung kích giảm nghèo anh đăng ký tham gia ngay.

Thọ kể những đợt giúp dân, các thành viên hướng dẫn tận tình cho bà con từ trồng trọt, chăn nuôi đến phòng trừ bệnh… bằng phương pháp thiết thực, dễ hiểu để bà con dễ áp dụng.

Y Phương (29 tuổi) kể trong một lần giúp dân ở xã Trà Don (huyện Nam Trà My) đào ao nuôi cá gặp trời mưa tầm tã, các bạn phải mặc áo mưa làm cho xong việc chứ không để qua ngày khác, người dân thấy rất cảm động. Hoặc khi giúp dân làm đường bêtông, lúc trời tối không có điện, các bạn phải bật đèn xe máy, điện thoại để hoàn thành nốt công việc.

Nguyễn Thị Huyền Trang, trưởng đoàn xung kích, cho biết mô hình này được thực hiện cuối năm 2016, đến nay các thành viên đã tổ chức đi nhiều đợt giúp dân các xã vùng cao vào thứ bảy, chủ nhật.

Lúc đầu gặp khó khăn về đường sá, công việc còn bỡ ngỡ nhưng dần dà rồi quen, ai cũng tâm huyết. Kinh phí chuyến đi được huyện hỗ trợ chứ không lấy của bà con bữa cơm, ly nước nào hết”.

Đến mỗi nơi, các bạn tuyên truyền chính sách giảm nghèo, lắng nghe nhu cầu để lập kế hoạch hỗ trợ từng hộ, “bày” cho họ cách làm ăn.

Trước mỗi đợt đi, xuất phát từ việc khảo sát nhu cầu từng xã, từng hộ, đoàn sẽ vạch kế hoạch giúp đỡ cụ thể: giúp ai, bao nhiêu hộ, giúp bằng cách nào… Và phương châm là trao cho họ “cần câu” để họ tự câu cá.

Trong suốt hành trình ấy, các bạn trẻ luôn theo sát người dân để “tiếp sức” kịp thời.

“Chúng tôi vừa vận động, vừa tạo điều kiện cần thiết theo nhu cầu thực tế của bà con, cùng làm với bà con để họ hứng thú, thay đổi ý thức tự làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Năm nay đoàn đặt mục tiêu phải đi đến hết 10 xã của huyện để nắm bắt nhu cầu hộ nghèo. Từ đó có những kế hoạch giúp họ làm kinh tế, cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững” – Trang cho biết.

Xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại

Ngoài đoàn xung kích của huyện thì ở 10 xã đều có các đội hình xung kích giúp bà con vùng cao. Trước đó huyện này cũng có sáng kiến phát động phong trào ba cán bộ, công chức giúp một hộ nghèo, hướng dẫn cách làm kinh tế và có hiệu quả cao.

Từ những việc cụ thể này, năm 2016 toàn huyện Nam Trà My có hơn 300 hộ thoát nghèo bền vững và năm 2017 phấn đấu có 500 hộ thoát nghèo.

Theo ông Hồ Quang Bửu – chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, bằng tri thức, kinh nghiệm và sức trẻ, sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn đã thổi luồng gió mới giúp bà con tự tin, vươn lên làm ăn, sớm thoát nghèo.

Những việc làm cụ thể của các bạn dần thay đổi tư duy, tâm lý trông chờ, ỷ lại của đồng bào dân tộc.

LÊ TRUNG – VIỆT HÙNG