Quân đội Anh từng có kế hoạch cho nổ tung đường hầm xuyên eo biển Manche nối nước này với lục địa châu Âu nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm lược.
Kế hoạch phá huỷ đường hầm eo biển Manche
Quân đội Anh từng có kế hoạch cho nổ tung đường hầm xuyên eo biển Manche nối nước này với lục địa châu Âu nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm lược.
Kế hoạch dùng bom hạt nhân phá huỷ đường hầm xuyên eo biển Manche nhiều lần được đem ra bàn thảo trong quân đội Anh từ trước khi đường hầm này được xây dựng, theo hồ sơ lưu trữ mà tờ The Independent vừa tìm thấy trong Viện Lưu trữ quốc gia Anh.
Liên kết duy nhất
Đường hầm xuyên biển nối giữa Anh và Pháp được vị kỹ sư người Pháp Albert Mathieu-Favier trình bày lần đầu tiên vào năm 1802. Ý tưởng này sau đó được bàn bạc rồi xếp xó trong hơn 100 năm vì nhiều lý do, đa phần là lo ngại về việc nước Anh sẽ mất đi tuyến phòng thủ của mình trước sức mạnh của hoàng đế Napoleon Bonaparte và sau này là Đức quốc xã.
Năm 1914, để xoa dịu nỗi lo ngại này, Bộ trưởng Hải quân Winston Churchill từng đề xuất xây dựng một đoạn nối có thể nâng lên được, nối điểm cuối cùng của đường hầm với bờ. Trong trường hợp mối quan hệ căng thẳng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, chiếc cầu sẽ được nâng lên đảm bảo an ninh tuyệt đối và việc làm ngập hầm có thể được nhanh chóng tiến hành. Hơn nữa, nếu đoạn cầu nối này không hoạt động, “pháo từ một tàu tuần dương nhỏ cũng đủ phá hủy cây cầu và ngăn ngừa đoàn tàu hoặc quân lính tràn qua”.
Dù vậy, mãi đến những năm 1950, dự án đào đường hầm mới được chính quyền hai nước cân nhắc nghiêm túc. Vào thời kỳ đầu Chiến tranh lạnh, giới quân sự hai bên đánh giá rằng đường hầm sẽ tạo ra thuận lợi về mặt quân sự và quân đội Anh có thể nhanh chóng chi viện cho Pháp trong trường hợp bị Liên Xô tấn công. Tuy nhiên, giới hoạch định cũng cho rằng cần phải đưa ra những phương án song song nhằm phá huỷ hoàn toàn tuyến đường này khi cần thiết. Sau sự kiện thử nghiệm thành công bom nguyên tử vào năm 1952, giới chức Anh dường như đã tìm ra phương tiện giúp cắt đứt liên lạc với châu Âu.
Các kỹ sư Anh và Pháp thi công hầm gặp nhau vào tháng 12.1990ẢNH: AFP
“Brexit hạt nhân”
Năm 1856, viên kỹ sư người Pháp Thome de Gamond đề xuất kế hoạch xây dựng đường hầm xuyên biển Manche nối giữa Anh và Pháp. Ở giữa đường hầm sẽ có một bến cảng, xây tại bãi cạn Varne. Thiết kế của kỹ sư này được vua Napoleon III của Pháp ủng hộ. Nữ hoàng Anh Victoria cũng tán thành ý tưởng này vì bà là người hay bị say sóng. Tuy nhiên, Henry John Temple – Thủ tướng Anh bấy giờ – đã bỏ qua kế hoạch này vì ông là người “thích tàu chiến hơn đường hầm”, theo The Independent.
Khi dự án xây dựng đường hầm xuyên eo biển Manche được tái đề xuất, Bộ Quốc phòng Anh vào tháng 11.1959 đã gợi ý với Bộ Môi trường về việc phá huỷ đường hầm bằng vũ khí hạt nhân nhằm mục đích phòng thủ nếu cần thiết. Kế hoạch này được chính quyền Anh giấu nhẹm vào thời điểm đó vì theo giới chức quốc phòng nước này, thật khó chấp nhận nếu Anh công khai việc họ chuẩn bị phá huỷ tuyến giao thông duy nhất liên kết với Pháp và châu Âu trong khi đang cố gắng trở thành thành viên của Thị trường chung châu Âu.
Năm 1974, quan chức Michael Legge thuộc Bộ Quốc phòng sau khi tham khảo ý kiến của nhóm kỹ sư thiết kế công trình đã đưa ra những nhận định trong phiên điều trần với giới chức hữu quan. Ông Legge cho rằng đường hầm xuyên biển chắc chắn sẽ được thiết kế với khả năng chống chọi lại những vụ nổ cực lớn nên việc công phá bằng bom thông thường sẽ không có tác dụng. Trong khi đó, một vụ nổ bom hạt nhân sẽ gây ra sự phá huỷ hoàn toàn. Kế hoạch này được tờ The Independent tiết lộ trong bối cảnh nước Anh chuẩn bị cho việc rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit). Vì thế, không ít tờ báo đã gọi cuộc chia tay được hoạch định trong quá khứ này là vụ “Brexit hạt nhân”.
Điều đáng lo ngại, theo Legge, là vụ nổ cực lớn sẽ gây ra cả thiệt hại cho hai miệng hầm và các khu vực xung quanh nằm ở hai nước. Bên cạnh đó, chi phí để tiến hành vụ nổ là một trở ngại khác khiến quan chức Anh tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này. “Tôi không chắc rằng liệu chúng ta có thể sở hữu một loại vũ khí thích hợp và liệu chúng ta có thể sản xuất nó với một mức giá chấp nhận được”, ông Legge băn khoăn.
Ngoài ra, về mặt quân sự, nếu như quân đội của khối Hiệp ước Warsaw đến được bờ bên kia của eo biển Manche, cuộc chiến khi đó được cho là đã ngã ngũ và việc nước Anh phá huỷ đường hầm sẽ chỉ là hành động vô ích và lãng phí. Theo ông Legge, việc cho nổ bom hạt nhân sẽ không còn thích hợp vì đối phương khi đó hoàn toàn có thể dùng ưu thế về không quân và hải quân để tiến vào nước Anh.
Dự án đường hầm xuyên biển sau đó bị tạm thời gác lại và ý tưởng về việc nổ bom hạt nhân cũng bị cho là đi vào quên lãng. Đến năm 1988, công trình này mới chính thức được khởi công và hoàn tất vào năm 1994. Như một sự trớ trêu, khi đường hầm khai trương, Liên Xô và khối Warsaw, mối lo ngại chính của nước Anh trong nhiều thập niên trước đó, cũng đã không còn tồn tại.