Nga trở lại trong bối cảnh mới?
Vai trò của Nga trong các điểm nóng chính trị toàn cầu đang góp phần giúp nước này thoát khỏi cấm vận, khôi phục vị thế.
Nga trở lại trong bối cảnh mới?
Vai trò của Nga trong các điểm nóng chính trị toàn cầu đang góp phần giúp nước này thoát khỏi cấm vận, khôi phục vị thế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Sochi ngày 2-5 – Ảnh: Reuters |
Hôm 2-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Sochi (Nga). Đây là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel đến Nga kể từ năm 2015, giai đoạn bùng phát căng thẳng giữa Matxcơva và Berlin cũng như phương Tây nói chung.
Tượng trưng
Cuộc gặp được xem là tiền đề cho những thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hamburg (Đức) vào tháng 7 tới. Hai nhà lãnh đạo đã bàn về mối quan hệ song phương Nga – Đức, cùng một loạt vấn đề, điểm nóng khác nhau.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng từ năm 2014, thời điểm diễn ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột ở Ukraine giữa quân đội chính phủ và quân nổi dậy. Đó cũng là thời điểm Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu trừng phạt kinh tế Nga.
Về cơ bản, đúng như dự đoán, không có một bước đột phá nào xuất hiện sau cuộc gặp được nhận xét là khá căng thẳng này. Reuters cho hay hai lãnh đạo rất hiếm khi nhìn nhau trong cuộc họp báo chung. Tuy nhiên, việc bà Merkel trở lại nước Nga cũng ít nhiều là tín hiệu cho thấy thiện chí của EU trong việc đối thoại với Nga, theo báo Đức Handelsblatt.
Đức không phải nước duy nhất muốn mối quan hệ giữa châu Âu với Nga nồng ấm trở lại. Bà Merkel là người gần nhất trong hàng loạt chính trị gia châu Âu thực hiện chuyến thăm đến Nga, trong đó có đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU - bà Federica Mogherini.
Cơ hội
EU trong hai năm qua đối diện với những khủng hoảng chính trị – xã hội sâu sắc. Làn sóng người tị nạn tạo áp lực rất lớn lên các nước thành viên, góp phần đẩy phong trào dân tuý lan rộng và một khuynh hướng tách biệt, bài EU trỗi dậy, mà đơn cử là việc Anh rời EU.
Ở Đức, thậm chí bà Merkel cũng sẽ đối diện thách thức trong cuộc bầu cử sắp tới. Còn tại Pháp, cuộc bầu cử ngày 7-5 cũng tiềm tàng những thách thức đối với EU.
Khi EU có dấu hiệu suy yếu, ngược lại Nga đang dần tái lập thế đứng ở những điểm nóng của thế giới. Việc Tổng thống Putin quyết định không kích ở Syria từ tháng 9-2015 đã khiến Matxcơva giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hoà bình tại Syria. Đặc biệt, việc này ảnh hưởng rất lớn tới làn sóng tị nạn mà EU phải đối mặt.
Trước đây quan hệ Nga – Mỹ bị cho rằng “căng thẳng nhất từ sau chiến tranh lạnh”, nay có dấu hiệu hạ nhiệt dưới thời Tổng thống Donald Trump – người mong muốn tận dụng quan hệ với Nga.
Đối với Mỹ, Nga cũng đang có vị thế mới khi được cho là con bài quan trọng trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trước đây, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama hay tổng thống đương nhiệm Trump đều chú trọng vào vai trò của Trung Quốc như bên có tiếng nói quyết định tới Triều Tiên. Song, Reuters ngày 3-5 cho rằng Bình Nhưỡng vẫn còn một đồng minh tiềm năng khác là Matxcơva – địa chỉ giao dịch của Triều Tiên trong trường hợp bị Trung Quốc trừng phạt nặng tay hơn.
Với tầm ảnh hưởng của mình cộng thêm thay đổi trong cục diện mới, Nga hoàn toàn có thể tận dụng để thoát khỏi những khó khăn về cấm vận kinh tế cũng như mối quan hệ không tốt với phương Tây. Điều này nằm trong đại chiến lược (grand strategy) mà báo Washington Post (Mỹ) đã nhắc lại trong bài viết ngày 2-5.
Lời hứa hai năm Tại cuộc họp báo thường niên cuối năm 2014, Tổng thống Nga Putin từng đổ lỗi cho “những yếu tố ngoại cảnh” dẫn tới việc kinh tế Nga suy sụp. Đó là thời điểm chịu lệnh trừng phạt kinh tế của châu Âu và giá dầu – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga – lao dốc. Ông Putin khẳng định sẽ đa dạng hoá nền kinh tế và cam kết tất cả sẽ khôi phục “trong vòng hai năm”, khi những yếu tố bên ngoài ấy thay đổi. Và quả thực, có lý do để thấy rằng đây là giai đoạn mấu chốt kiểm định lời hứa “hai năm” ấy. |