‘Ngân hàng bò’ không nợ xấu của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi
Đó là một “ngân hàng” không có nợ xấu, luôn tăng trưởng vốn và lãi mẹ lãi con đều thuộc về người nghèo.
‘Ngân hàng bò’ không nợ xấu của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi
Đó là một “ngân hàng” không có nợ xấu, luôn tăng trưởng vốn và lãi mẹ lãi con đều thuộc về người nghèo.
Niềm vui của người nghèo được tặng bò cũng là niềm vui của đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi – Ảnh: CVĐ |
Sáng lập nên ngân hàng ấy là đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá – ông Bùi Sỹ Lợi – phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đến hết năm 2016, tổng số đàn bò sinh sản do ông xây dựng đã được tặng cho các gia đình nghèo là 99 con, thông qua Hội LHPN và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hoá.
Phương thức hỗ trợ là tặng mỗi gia đình một con bò cái. Khi bò cái đẻ lứa đầu tiên sẽ tặng bê con cho một hộ gia đình nghèo khác. Đã có 27 bê con ra đời, thành ra đàn bò của ông tặng đến nay sinh sôi thành 126 con.
Bò mẹ đẻ bò con
Bà Phạm Thị Thanh Thuỷ – chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá - cho biết: hồi đó ông Lợi có ý muốn xây dựng “ngân hàng bò” hỗ trợ các hộ gia đình nghèo thông qua hội phụ nữ, bằng nguồn tiền hỗ trợ chính từ cá nhân ông và đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm khác.
Những hộ nhận bò được tổ chức hội cơ sở bình bầu, chọn những gia đình nghèo, sau đó giám sát quá trình chăn nuôi. Bê con sinh ra được tặng hộ nghèo khác.
Rồi khi bê con lớn lên, có con, bê con lứa “cháu ngoại” lại được tặng cho người nghèo khác nữa. Còn bê đực được bán đi để mua bê cái. Cứ thế nhân lên để ngày càng có nhiều người nghèo có được bò.
Ông Lợi cho biết từ năm 2013 khi làm việc với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa, ông nghĩ mình nên làm điều gì đó có ích, cụ thể, trực tiếp cho người nghèo.
Nếu tặng bò sinh sản thì sẽ động viên các gia đình nghèo ở nông thôn phát triển chăn nuôi, tăng cường sức cày kéo, giảm bớt khó khăn và hướng tới tương lai.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa, bà Trịnh Thị Tiếp cho biết từ cuối năm 2013 đến hết năm 2016, Hội Chữ thập đỏ đã trao tặng 59 con bò cho Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 và các hộ gia đình.
Cứ mỗi con bò ông Lợi tặng thì hội hỗ trợ kinh phí đối ứng 2 triệu đồng/con, làm chuồng, thuốc phòng bệnh, hỗ trợ sinh sản và thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ.
Từ 59 con bò cái ban đầu, nay đã sinh sản thêm 26 bê con, trong đó 15 con bê cái đã được trao cho 15 hộ nghèo, còn 11 bê đực được định giá bán để mua 11 bê cái tặng 11 hộ gia đình nghèo khác.
Hội vừa rồi bày tỏ sự cảm ơn đến ông nghị Hồ Sỹ Lợi và chân thành “kính mong ông tiếp tục hỗ trợ và kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong nước và quốc tế tiếp tục đóng góp, hỗ trợ để phát triển ngân hàng bò” giúp người nghèo. Riêng số bò thông qua Hội LHPN tỉnh là 40 con, vừa đẻ thêm 1 bê con.
Trong thời buổi như thế này, kiếm được đồng tiền nuôi gia đình đã khó, lại bỏ tiền túi giúp người nghèo không phải là chuyện dễ.
Tôi hỏi ông: “Được biết phần lớn số bò nêu trên được ông mua từ tiền túi của mình, bà xã không sốt ruột sao?”.
Ông cười hiền: “Bà ấy luôn động viên mình làm việc này. Tiền lương thì mình đưa cho vợ để chi tiêu trong gia đình. Còn tiền mua bò chủ yếu là mình “cày” các đề tài nghiên cứu khoa học, có năm làm chủ nhiệm 3 đề tài, nhiều hôm làm thâu đêm và cả các ngày nghỉ.
Cộng với tiền thù lao mình đi giảng bài ở các trường nữa. Bạn bè mình làm ở các doanh nghiệp, hiệp hội khi biết chuyện cũng thường góp thêm vào”.
Mấy hôm trước tôi ngồi xe cùng ông đi làm từ thiện ở huyện miền núi xa xôi Mường Lát, ông khoe “có anh bạn làm doanh nghiệp từ TP.HCM ra chơi đã hứa tặng 20 con bò nữa, mình dự định lần này để Hội LHPN tặng cho bà con các huyện Như Xuân, Như Thanh. Ở đây còn nhiều hộ nghèo lắm”.
Người đỡ đầu cho giáo viên mầm non
Trong chuyến đi Mường Lát, đi cùng ông Lợi là đại biểu Quốc hội, bác sĩ, giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai và ủy viên thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng.
Bác sĩ Tuấn đưa đội ngũ bác sĩ trẻ về xã Mường Lý, nơi vẫn còn 81% hộ nghèo, có trường tiểu học mang tên đoàn quân Tây Tiến, để khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào.
Đoàn cũng tặng dân 1 tấn gạo và 200 phần quà, 10 máy lọc nước và 15 bộ máy tính cho trường học. Đóng góp để mua quà tặng cho chuyến đi này, ngoài Bệnh viện Tim Hà Nội còn có 7 đơn vị khác.
“Sự say sưa làm từ thiện của anh Lợi đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Trước chuyến đi Mường Lát, đoàn cũng vừa đến Mèo Vạc (Hà Giang)” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.
Ông Nhưỡng nói thường trực ủy ban cố gắng định kỳ khoảng một tháng sẽ đến một vài điểm của một huyện khó khăn, vùng sâu vùng xa ở các địa bàn khác nhau để vừa kết hợp làm từ thiện và khảo sát tình hình kinh tế – xã hội, việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với riêng ông Lợi, đây là sự trở về với những cử tri đã bầu ông làm đại biểu Quốc hội vào mười năm trước.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri lần đó, đại biểu Lợi đã không cầm được nước mắt khi nghe 19 cô giáo mầm non của xã Mường Lý kể về những khó khăn mà các cô đang phải đối mặt, phải vượt qua, nhưng gần như không có chế độ chính sách đãi ngộ gì của Nhà nước.
Hồi đấy mỗi cô giáo chỉ nhận được 100.000 đồng/tháng (50.000 đồng của xã và 50.000 đồng của huyện hỗ trợ).
“Sau cuộc tiếp xúc đó, cá nhân mình đã nhận phụ cấp thêm cho 19 cô giáo mầm non của xã mỗi cô 200.000 đồng/tháng trong vòng một năm.
Đồng thời mình liên tục phát biểu tại Quốc hội, tại các phiên họp của ủy ban và các cuộc làm việc với các cơ quan của Chính phủ, đề nghị phải có chế độ chính sách cho giáo viên mầm non” – ông Lợi kể.
Cho đến năm 2011, sau nhiều nỗ lực “vận động chính sách” của đại biểu Lợi và một số đại biểu khác, Thủ tướng đã ban hành quyết định 60 quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ ngân sách để trả lương theo thang bảng lương, được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác…
Ông Lợi ở nghị trường
Trong cuốn sổ tay phóng viên tôi ghi chép ở nghị trường, có ít nhất hai lần tôi rớt nước mắt khi nghe ông Lợi chất vấn cơ quan chức năng.
“Tôi vừa nhận được ý kiến của một bà mẹ đang nằm ở Bệnh viện Bạch Mai nói rằng mẹ sắp chết rồi, liệu mẹ có phải là Bà mẹ VN anh hùng không? Tôi trả lời, mẹ đương nhiên là mẹ VN anh hùng, nếu các cơ quan có trách nhiệm làm chậm, cháu sẽ có ý kiến cho các cơ quan làm nhanh”.
Lần thứ hai, ông phát biểu ngày 19-11-2013, chất vấn bộ trưởng Bộ Quốc phòng về trường hợp liệt sĩ Lê Đức Chế đi bộ đội năm 1964, báo tử năm 1972, nhưng vì không tìm thấy hồ sơ nên không được công nhận.
“Để mất hồ sơ không phải do liệt sĩ và gia đình liệt sĩ mà do chúng ta quan liêu, chúng ta làm sai, chúng ta phải có trách nhiệm trả lại danh tính cho liệt sĩ. Tôi nghĩ rất buồn cho gia đình liệt sĩ, quá buồn” – ông nói.
Tôi đã từng viết về câu chuyện đẫm nước mắt này, về chị gái liệt sĩ là cụ Lê Thị Bích mười mấy năm trời ngược xuôi đòi danh dự cho em mình, đến khi các đại biểu Lê Nam, Bùi Sỹ Lợi vào cuộc, qua 2 kỳ chất vấn tại Quốc hội thì gia đình mới nhận được bằng Tổ quốc ghi công.
Tôi nhớ hôm đi vận động bầu cử, có lẽ là lần cuối cùng đại biểu Lợi đi vận động cử tri bỏ phiếu cho mình, ông nói với bà con: “Ba nhiệm kỳ làm đại biểu của dân thấm thoát trôi qua…
Với tôi, tình cảm, tấm lòng chân thành, thẳng thắn cử tri dành cho người đại biểu dân cử không bao giờ phai nhạt, ngày càng nhân lên. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim”.
Có tội nếu chậm trễ với người có công Sinh ra ở miền biển Thanh Hoá, là con em của gia đình chính sách, tốt nghiệp đại học xong là ông Lợi bắt đầu gắn bó cả cuộc đời với công tác chính sách xã hội, khởi đầu từ một chuyên viên đến giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội, chuyển ra bộ công tác rồi sang Quốc hội 3 nhiệm kỳ làm phó chủ nhiệm uỷ ban. Miệt mài nghiên cứu, chăm chỉ đi thực tế, hăng say phát biểu, những phát biểu của ông luôn thuyết phục. Lao động, việc làm, bảo hiểm, chính sách với người có công… là những nội dung ông quan tâm. Với ông, điều trăn trở nhất, day dứt nhất luôn là việc làm sao để thực hiện triệt để, tối đa nhất các chính sách dành cho người có công với cách mạng, khi vẫn còn hàng chục ngàn hồ sơ đề nghị xác nhận đang tồn đọng. Ông luôn nhấn mạnh “chậm trễ một ngày cũng là có tội với những người có công đã cống hiến, hi sinh xương máu. Nhiều người có công đã không đủ thời gian, sức khỏe để chờ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước”. |
Một đề tài và… 6 con bò cho Mường Lát Tối Mường Lát, thị trấn nhỏ như lòng bàn tay ở vùng núi cao biên giới. Uống chén rượu ngô, trò chuyện với lãnh đạo và cán bộ đoàn thể huyện Mường Lát, Thanh Hoá, khi chị Hoa – chủ tịch Hội Phụ nữ huyện – trách khéo rằng “huyện em nghèo nhất tỉnh mà chưa được con bò nào trong ngân hàng của anh”, thì ông Lợi trầm ngâm một lát rồi “hứa tặng 6 con”. Tôi chưa kịp hỏi thì ông đã giải thích: “Mình còn một đề tài khoa học đã kết thúc và sắp được nhận tiền”. |
“Tiền mua bò chủ yếu là mình “cày” các đề tài nghiên cứu khoa học, có năm làm chủ nhiệm 3 đề tài, nhiều hôm làm thâu đêm và cả các ngày nghỉ. Cộng với tiền thù lao mình đi giảng bài ở các trường nữa. Bạn bè mình làm ở các doanh nghiệp, hiệp hội khi biết chuyện cũng thường góp thêm vào Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi |