29/11/2024

Lên vùng cao giúp dân giảm nghèo

Họ là những người trẻ với nhiều ý tưởng giúp bà con thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hơn.

 

Lên vùng cao giúp dân giảm nghèo

 Họ là những người trẻ với nhiều ý tưởng giúp bà con thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hơn.

 

 

Lên vùng cao giúp dân giảm nghèo
Chị Lý Thị Hường vui mừng khi được sử dụng công trình điện lưới do Đoàn thanh niên thực hiện – Ảnh: ĐỨC HIẾU

Và hơn một năm qua, những người trẻ ấy đã “xắn tay” xây dựng đường bêtông liên thôn, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều năm liên tục, gần 20 hộ dân tại xóm Khe Kẻn, Tân Ốc 2 (xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) sống trong cảnh tù mù, tăm tối.

Kéo điện, làm đường…

Do xóm nằm trong khu bảo tồn quốc gia Đồng Sơn, Kỳ Thượng được bảo vệ nghiêm ngặt nên dù chỉ cách đường liên thôn có vài trăm mét đường chim bay, nhưng các gia đình này vẫn không được tiếp cận điện lưới quốc gia. Không điện, cái nghèo đói, lạc hậu cứ bủa vây lấy họ.

 

Chỉ tay vào chiếc bóng đèn tích điện giữa nhà, anh Bàn Văn Linh nhớ lại: “Có bóng điện này nhưng chỉ dùng được chốc buổi tối là hết điện. Một năm chỉ có bốn tháng mùa mưa là tuôcbin phát điện, những tháng còn lại nước cạn hay nước lớn thì máy đều không chạy. Lúc đó mình phải gửi bóng đèn ra ngoài thôn sạc ké, tối lại nhờ người mang về”.

Không có điện, xóm nghèo Khe Kẻn như một ốc đảo ngăn cách với bên ngoài mỗi khi trời bắt đầu nhập nhoạng.

Trăn trở trước cảnh những người dân nghèo sống trong khó khăn, Xã đoàn Đồng Sơn đã nhiều lần vào thôn khảo sát để có đề xuất lên Tỉnh đoàn Quảng Ninh.

“Khi đề án được phê duyệt cũng là thời điểm Tết Đinh Dậu cận kề. Chúng tôi huy động 30 bạn trẻ luân phiên dựng cột trụ và kéo đường điện. Chỉ trừ ngày mưa, còn lại anh em phải tích cực làm, có những hôm phải tranh thủ làm cả tối để kịp tiến độ” – anh Lý Sinh Quý, bí thư Xã đoàn Đồng Sơn, cho biết.

Đường điện “trong mơ” đã về với xóm Khe Kẻn trong niềm vui vỡ òa của bà con nơi đây. Chị Lý Thị Hường hồ hởi: “Hai vợ chồng tôi tích cóp cả nửa năm trời được hơn 5 triệu đồng, liền mua ngay cái tivi mới và máy băm rau nuôi lợn. Bây giờ cả nhà xem tin tức đến 9h-10h tối, biết được nhiều thứ hơn”.

Còn gia đình anh Linh cũng kịp tậu ngay chiếc máy bơm nước, phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng vụ xuân cuối tháng giêng.

Phó chủ tịch UBND xã Đồng Sơn Đặng Hữu Linh đánh giá: “Không chỉ làm đường điện dân sinh, lực lượng thanh niên đã góp sức rất nhiều vào các công trình của xã như xây đường bêtông liên thôn, sân bêtông các nhà văn hóa để tạo không gian sinh hoạt cho cư dân…

Ngoài ra, xã đoàn cũng thành lập hai tổ vay vốn, giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, phát triển kinh tế khá hiệu quả”.

Khơi dậy khát vọng làm giàu

Ở ba xã Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ) thuộc diện chương trình 135 (chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) thì câu chuyện thoát nghèo bền vững còn gian nan hơn.

Nguồn vốn đã có, thủ tục cũng nhanh, nhưng để khơi dậy khát vọng làm kinh tế của những thanh niên nông thôn là cả một vấn đề.

Ở huyện miền núi có dân số 98% là người dân tộc Dao như Đồng Sơn, trăn trở lớn nhất là làm sao loại bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước của những người dân nghèo, của những thanh niên trẻ. Bí thư Quý cùng các đoàn viên xã Đồng Sơn phải gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia các lớp học chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Thấy chưa chuyển biến gì nhiều, các bạn cán bộ Đoàn tiếp tục tiên phong, làm gương cho thanh niên địa phương. Sau lớp tập huấn công nghệ hầm lò biogas và chăn nuôi, anh Đặng Tằng Dương, phó bí thư đoàn xã, đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển đàn lợn gia đình.

Đến nay đàn lợn của anh có hơn 20 con, chuẩn bị xuất lứa đầu tiên. Nhiều thanh niên trong xã bắt đầu quan tâm, học hỏi kinh nghiệm để bắt tay thực hiện.

Còn tại xã Đồng Lâm, giấc mơ thoát nghèo của thanh niên đến từ nhiều mô hình làm kinh tế như trồng rừng, trồng cây ăn quả. Hàng ngàn hecta đất rừng đang được phủ xanh bởi những cây keo mới, bằng bàn tay chăm sóc của những bạn trẻ áo xanh.

Anh Đặng Tằng Hình (thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn) được đoàn xã giới thiệu vay vốn ban đầu là 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (năm 2010), sau khi phát triển mô hình trồng rừng keo anh đã trả nợ, rồi tiếp tục vay vốn quay vòng mở rộng sản xuất.

“Đến nay lãi từ việc trồng keo, chở keo của tôi 50-60 triệu đồng/năm. Nhờ việc vay vốn thông qua kênh Đoàn thanh niên mà tôi đã tận dụng được điều kiện sẵn có để thoát nghèo” – anh Hình phấn khởi.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh, cho biết: “Tỉnh đoàn đang huy động nguồn lực và cơ sở Đoàn, hội trực thuộc giúp bà con triển khai mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế. Mục tiêu là mỗi năm sẽ giúp từ 5-10 hộ/xã thoát nghèo bền vững”.

Hiện tại tỉnh đoàn tiếp tục cùng các tổ chức, đoàn thể địa phương hỗ trợ người dân ba xã Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng hoàn thành các nhóm chỉ tiêu để thoát khỏi diện xã nghèo 135 trong giai đoạn 2017-2019.

Trong năm 2016, Tỉnh đoàn Quảng Ninh đã giúp bà con nhiều phần việc như xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt cho 12 hộ nghèo thuộc ba xã đặc biệt khó khăn huyện Hoành Bồ; đổ hơn 1.000m2 sân bêtông cho các thôn Khe Tre, Khe Lương (xã Kỳ Thượng), thôn Đèo Đọc (xã Đồng Lâm); lắp đường điện chiếu sáng hơn 1km tại xã Kỳ Thượng; làm đường ống dẫn nước và đường dân sinh cho bà con xã đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn), hỗ trợ 120 hộ gia đình thanh niên vay vốn phát triển trồng rừng, chăn nuôi.

Trong đó có 70-80% số thanh niên vay vốn trồng rừng keo, rừng quế.

ĐỨC HIẾU