21/01/2025

Nút thắt hạ tầng, nhân lực của du lịch

Nhân lực, hạ tầng giao thông… là những điểm nghẽn của du lịch TP. Đó là những vấn đề được các doanh nghiệp phản ánh tại “Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp du lịch năm 2017”.

 

Nút thắt hạ tầng, nhân lực của du lịch

Nhân lực, hạ tầng giao thông… là những điểm nghẽn của du lịch TP. Đó là những vấn đề được các doanh nghiệp phản ánh tại “Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp du lịch năm 2017”.




TP.HCM đang cố gắng tạo ra môi trường du lịch hấp dẫn du khách	 /// Ảnh: Ngọc Dương

TP.HCM đang cố gắng tạo ra môi trường du lịch hấp dẫn du kháchẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nghịch lý thừa – thiếu nhân lực


Nút thắt hạ tầng, nhân lực của du lịch - ảnh 1
Không thể cứ hô khẩu hiệu đẩy lên 7, 8, 10 triệu khách mà không tính đến vấn đề phục vụ khách. Đừng để khách đến TP.HCM phải phiền lòng vì đi bộ, chờ xe dưới trời nắng hay do kẹt xe mà mất thời gian tham quan. Như vậy làm sao họ trở lại?
Nút thắt hạ tầng, nhân lực của du lịch - ảnh 2

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, nhận xét nguồn nhân lực phục vụ du lịch của TP còn thiếu và yếu, đặc biệt là nhân lực phục vụ đưa khách du lịch từ nước ngoài vào VN. Hiện mới chỉ khoảng 60% doanh nghiệp (DN) lữ hành trong nước tập trung khai thác nguồn khách này trong khi đây mới là đối tượng khách giúp TP thu về lợi nhuận cao.

“Đưa khách Việt ra nước ngoài thì dễ, đưa khách nước ngoài vào VN không đơn giản, đòi hỏi phải có kỹ năng, kiến thức, sự khéo léo và cả đạo đức nghề nghiệp. Chính vì thế, TP nên đầu tư ngân sách để đào tạo kỹ lưỡng nguồn nhân lực này. Đào tạo lực lượng quản lý đầu ngành cũng cần chú trọng nhiều, phải đào tạo cái đầu chứ không chỉ tay chân phục vụ”, vị này đề xuất.
Đại diện một khách sạn tại TP.HCM nhận xét các trường đại học đào tạo nghiệp vụ du lịch không tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ với DN để nâng cao chất lượng đào tạo. Phía nhà hàng, khách sạn có rất nhiều hoạt động thiện chí khuyến khích sinh viên về thực tập, trau dồi nghiệp vụ và kinh nghiệm. Các sinh viên có biểu hiện tốt được nhận làm luôn sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, phía các trường đào tạo tỏ ra không hồ hởi với DN.
“Nhiều trường thờ ơ, đôi khi còn tính toán về vấn đề tài chính khiến chúng tôi nản, có DN hủy hết kế hoạch”, ông nói. Vị này đề nghị nhà trường, các trung tâm đào tạo nhân lực ngành du lịch cần kết hợp, tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với DN. Tạo điều kiện cho học viên có được môi trường thực tiễn, thực hành để nâng cao nghiệp vụ. Bởi thực tế, lý thuyết trong các giáo trình có rất nhiều điều chưa phù hợp. Dẫn đến nghịch lý, nhà hàng, khách sạn thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong khi học viên sau khi ra trường lại yếu về kiến thức thực tiễn. “Chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vậy mà cả TP lớn thế này không có một trường đại học đào tạo chuyên về ngành du lịch. Chúng ta hô hào du lịch tốt nhưng nguồn nhân lực không có thì lấy cái gì để làm?”, ông đặt vấn đề.
Hạ tầng “đuổi” khách
Không chỉ thế, theo ông Phan Xuân Anh, một nút thắt chưa được tháo gỡ đó là vấn đề giao thông, chỗ đậu xe. Chỉ tính lượng khách hơn 5 triệu lượt như năm 2016, cộng thêm nhu cầu của dân cư tại TP mà số lượng bãi xe, chỗ đậu xe đã không đáp ứng được, vậy với mục tiêu 7 – 8 triệu lượt du khách trong năm 2017, chúng ta tính toán như thế nào? Hiện nay, các DN đang phải tự vượt khó bằng cách cho xe du lịch chạy theo kiểu cuốn chiếu. Xe này đi thì xe kia lại. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời và phương án này cũng góp phần làm tăng thêm tình trạng kẹt xe trong TP.
“Không thể cứ hô khẩu hiệu đẩy lên 7, 8, 10 triệu khách mà không tính đến vấn đề phục vụ khách. Đừng để khách đến TP.HCM phải phiền lòng vì đi bộ, chờ xe dưới trời nắng hay do kẹt xe mà mất thời gian tham quan. Như vậy làm sao họ trở lại?”, ông Xuân Anh cảnh báo.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch HĐQT Bến Thành Tourist Nguyễn Ngọc Châu cũng kiến nghị TP cần lập tức giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông, kẹt xe cũng như quy hoạch những điểm đón trả khách. Ông cho biết thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều lời phàn nàn, kêu ca của khách du lịch về vấn đề này. Điểm đón trả khách hạn hẹp, đường phố ách tắc liên miên ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của khách cũng như hình ảnh của TP.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, khẳng định xác định rõ trách nhiệm của Sở trong việc đảm bảo vấn đề giao thông cho du khách, đặc biệt là du khách quốc tế tại khu vực trung tâm TP. Thời gian qua, Sở cũng đã phối hợp với Sở Du lịch triển khai thí điểm 3 tuyến đường cho xe du lịch dừng đón khách khoảng 10 phút. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn đối với các tuyến đường có nhiều bảo tàng như đường Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Quý Đôn. Đây đều là đường một chiều, 3 làn xe, nếu cho đỗ xe sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giao thông chung cũng như nguy cơ mất an toàn cho du khách. Chính vì vậy, Sở GTVT cùng Sở Du lịch đang xem xét xác định khung giờ ưu tiên cho xe du lịch đỗ trong vòng 10 phút. Sở cũng đang kiến nghị với Bộ GTVT cho phép thí điểm các mô giảm tốc dành riêng cho khách đi bộ băng ngang tại các điểm du lịch như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố.
Phát triển du lịch MICE
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu TP cần ngay lập tức xây dựng chiến lược phát triển ngành du lịch TP đến năm 2030. Phải mời các chuyên gia du lịch quốc tế, các nhà hoạt động du lịch cùng thảo luận, trưng cầu ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch cụ thể bởi không có định hướng quy hoạch thì không thể có tầm nhìn để phát triển. “Đơn cử như chúng ta nói phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) mà không có quy hoạch môi trường, tổ chức kế hoạch, nhân lực, hậu cần phục vụ thì chỉ là nói để nghe chơi, không mang lại kết quả”, ông nói.
Xác định TP sẽ tập trung khai thác dịch vụ du lịch MICE, ông Phong cho biết UBND TP đã có đề xuất trình Bộ VH-TT-DL đầu tư một trung tâm hội nghị khoảng 10 ha tại khu vực Thủ Thiêm (TP.HCM).
Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch bền vững
Từ ngày 12 – 14.4, Trường đại học Mở TP.HCM đã phối hợp với Trường đại học Paris 13 – Nord, khối đại học Sorbonne Paris, Trung tâm kinh tế đại học Paris Nord, Tổ chức Quốc tế quản lý du lịch bền vững, Tổ chức Nghiên cứu kinh tế xuyên quốc gia tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển du lịch bền vững (Sustainable tourism). Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu từ các trường đại học trên thế giới và những người làm việc trong lĩnh vực du lịch có cơ hội trao đổi, mở rộng mạng lưới liên kết về khoa học và nghề nghiệp, nối kết giữa học thuật và thực tế trong lĩnh vực du lịch. Các chủ đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững đã được trình bày, thảo luận và trao đổi như: vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch; vấn đề phát triển du lịch bền vững ở VN và trên thế giới; các mô hình kinh doanh và marketing sản phẩm du lịch để hướng đến sự phát triển bền vững và bảo vệ hệ sinh thái cũng như môi trường văn hoá; những cơ chế chính sách để phát triển du lịch bền vững…   
 Cẩm Nhi


 

Hà Mai