02/11/2024

Bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh

Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên cực kỳ căng thẳng giữa lúc có thông tin nói rằng Mỹ sẽ tấn công phủ đầu nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân.

 

Bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh

Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên cực kỳ căng thẳng giữa lúc có thông tin nói rằng Mỹ sẽ tấn công phủ đầu nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân.



Thông tin về khả năng Mỹ tấn công phủ đầu nhằm vào CHDCND Triều Tiên được truyền thông Mỹ đăng tải sáng 14.4 (giờ VN). Dẫn nhiều nguồn tin tình báo, Đài NBC News cho biết Mỹ đã điều 2 khu trục hạm có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk đến khu vực, chỉ cách bãi thử hạt nhân của Triều Tiên khoảng 480 km. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng đã bố trí các oanh tạc cơ hạng nặng để tấn công Triều Tiên nếu cần thiết.
Trước đó, Lầu Năm Góc thông báo đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson về hướng bán đảo Triều Tiên thay vì đến Úc như dự kiến. Theo NBC News, đòn tấn công của Mỹ có thể không chỉ bao gồm tên lửa và bom mà còn cả những chiến dịch tấn công mạng và trên bộ để áp chế Triều Tiên.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận thông tin của NBC News, khẳng định cơ quan này “không thảo luận về các chiến dịch tương lai, cũng không công khai suy đoán về những kịch bản tiềm tàng”. Một quan chức cấp cao giấu tên thì khẳng định với Reuters rằng thông tin của NBC News hoàn toàn sai. Chuyên gia Gordon Flake tại Trung tâm Perth USAsia, một tổ chức nghiên cứu ở Úc, cùng ngày nhận định với Yonhap rằng không có khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên nhưng một số sai lầm nhỏ có thể khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thời khắc quyết định
Căng thẳng đã leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày qua sau khi Washington và Bình Nhưỡng liên tục khẩu chiến về khả năng bùng phát chiến tranh giữa hai phía. Tối qua, quân đội Triều Tiên ra tuyên bố cho biết sẽ “đáp trả không khoan nhượng mọi khiêu khích” từ Mỹ, theo KCNA. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với AP vào cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song-ryo cũng khẳng định nước ông “sẵn sàng đi đến chiến tranh” nếu Mỹ muốn. “Chúng tôi đã có trong tay lá chắn răn đe hạt nhân. Chắc chắn chúng tôi sẽ không khoanh tay trước một đòn tấn công phủ đầu của Mỹ”, ông nói. Quan chức này cũng tuyên bố Triều Tiên sẽ tiếp tục thử hạt nhân “bất cứ khi nào bộ chỉ huy tối cao thấy cần”.
Các phát biểu trên được đưa ra sau khi Đài VOA ngày 12.4 dẫn các nguồn tin chính phủ Mỹ dự đoán Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa mới vào hôm nay 15.4, cũng là sinh nhật lần thứ 105 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Trước những diễn biến ngột ngạt nói trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua lên tiếng cảnh báo một cuộc xung đột liên quan đến Triều Tiên “có thể xảy ra bất cứ lúc nào” và tuyên bố sẽ không bên nào có thể giành được chiến thắng, theo AFP.
Trong khi đó, truyền thông Nhật hôm qua đưa tin chính phủ nước này xác nhận sẽ thực hiện mọi biện pháp đề phòng liên quan đến những “động thái khiêu khích” mà Triều Tiên có thể thực hiện. Tờ Nikkei Asian Review cho biết chủ đề cuộc thảo luận của chính phủ Nhật bao gồm cả cách thức sơ tán 57.000 công dân Nhật tại Hàn Quốc cũng như giải pháp đối phó làn sóng người tị nạn Triều Tiên đến Nhật trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh - ảnh 1

 
 

Mỹ muốn Trung Quốc gây áp lực lên Triều Tiên
Tối qua (14.4), một số chuyên gia quốc tế đã trả lời Thanh Niên về tình hình bán đảo Triều Tiên.
TS Zack Cooper (Chuyên gia về an ninh châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS – Mỹ):  Mỹ muốn gây áp lực với CHDCND Triều Tiên thông qua Trung Quốc. Tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò tích cực hơn, nhưng tôi vẫn bi quan về khả năng Trung Quốc thực sự sẵn sàng gây áp lực lên Triều Tiên đủ để giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng xem xét lại chương trình hạt nhân và tên lửa của họ.
PGS Stephen R.Nagy (Chuyên ngành chính trị và quốc tế – Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản): Mỹ đã tính nhầm khi nghĩ rằng sự tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Á sẽ đủ sức ảnh hưởng đến Trung Quốc và Triều Tiên. Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân nhằm ép Washington vào bàn đàm phán, đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ hiện tại. Vì thế, Triều Tiên sẽ tìm cách từ chối áp lực từ Trung Quốc lẫn Mỹ. Trung Quốc sẽ không từ bỏ Triều Tiên nhưng có thể sẽ không còn ủng hộ chính quyền hiện tại của ông Kim Jong-un. Trong tình hình hiện tại, Mỹ và Triều Tiên là các bên quan trọng nhất, Trung Quốc giữ vị trí thứ yếu.
TS Satoru Nagao (Chuyên ngành an ninh, Đại học Gakushuin – Nhật): Theo tôi, Mỹ muốn Trung Quốc làm nhiều hơn. Thông điệp của Washington trong các động thái quân sự là Bắc Kinh phải tham gia giải quyết.
Ngô Minh Trí (thực hiện)


 

Trùng Quang