Nga khẳng định nắm được thông tin cho thấy nhiều vụ tấn công hóa học đang được dàn dựng để tạo cớ cho Mỹ tiếp tục tấn công Syria.
Cảnh báo tái diễn ‘tấn công hoá học’ ở Syria
Nga khẳng định nắm được thông tin cho thấy nhiều vụ tấn công hóa học đang được dàn dựng để tạo cớ cho Mỹ tiếp tục tấn công Syria.
Theo AP, phát biểu với các phóng viên ngày 11.4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ gửi kiến nghị lên Tổ chức Cấm vũ khí hoá học ở The Hague (Hà Lan) để thúc giục họ mở cuộc điều tra chính thức về vụ tấn công hoá học mới đây ở Syria, vốn dẫn đến việc Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân ở nước này ngày 7.4.
Chủ nhân Điện Kremlin cũng tiết lộ Moscow đã nhận được thông tin tình báo từ “các nguồn tin cậy” về những “hành động khiêu khích” bằng vũ khí hoá học đang được chuẩn bị tại nhiều khu vực ở Syria, bao gồm cả ngoại ô thủ đô Damascus để đổ vấy cho lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad. Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cũng ra tuyên bố cho hay các tay súng ở Syria đang cố gắng kích động các cáo buộc mới nhằm vào chính phủ Syria để xúi giục Mỹ tiếp tục tấn công.
Các phát biểu của phía Nga được đưa ra sau khi các ngoại trưởng thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) bác bỏ lời kêu gọi của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Nga và Syria liên quan đến vụ tấn công ngày 4.4. Tại cuộc họp 2 ngày kết thúc hôm qua tại TP.Lucca (Ý), các ngoại trưởng G7 đã nhất trí tiến hành điều tra kỹ lưỡng vụ việc trước khi áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tờ The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Ý Angelino Alfano nói rằng không có sự đồng thuận về những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ông Alfano khẳng định việc cô lập hoặc đẩy Nga vào chân tường “sẽ là sai lầm”.
Nga điều thêm tàu chiến đến Syria
Trang tin USNI News hôm qua dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ nhóm tàu gồm 2 tàu hộ tống lớp Steregushchy, một tàu kéo và một tàu chở dầu đã khởi hành từ căn cứ hải quân của Nga ở khu vực Kaliningrad vào ngày 8.4. Các tàu thuộc Hạm đội Baltic này dự kiến đến vùng biển ngoài khơi Syria trong vài ngày tới. Trước đó, tàu hộ tống Đô đốc Grigorovich của Nga cũng đã đến Địa Trung Hải sau khi di chuyển từ Biển Đen vào ngày 7.4. Liên quan đến tình hình chiến sự ở Syria, RIA-Novosti hôm qua đưa tin 2 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng pháo cối.
Tuy nhiên, các ngoại trưởng G7 ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ phóng tên lửa vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria, bị cho là nơi xuất phát các máy bay tấn công thị trấn Khan Sheikhoun vào ngày 4.4, khiến hơn 80 người thiệt mạng. Các nhà ngoại giao G7 cũng nhất trí rằng không thể có một giải pháp hòa bình cho Syria một khi ông Assad còn nắm quyền. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định thông điệp dành cho Nga: “Mọi thứ đã quá đủ. Phải chấm dứt thái độ không thành thật và quay trở lại với tiến trình chính trị”. Nhà ngoại giao Pháp tuyên bố đây “không phải là thái độ gây hấn với Nga” mà là một sự bày tỏ “ý định rõ ràng”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh nhóm G7 muốn tránh một sự leo thang quân sự và tìm kiếm giải pháp chính trị mà không tạo ra vòng xoáy bạo lực mới. “Chúng tôi muốn thuyết phục Nga ủng hộ nỗ lực giải quyết hoà bình cuộc xung đột tại Syria”, ông nói, đồng thời cho biết Ngoại trưởng Tillerson “có tất cả sự ủng hộ” của nhóm G7 trong cuộc thảo luận tại Moscow với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ diễn ra hôm nay, 12.4.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp của nhóm G7, vốn bao gồm Pháp, Đức, Anh, Ý, Canada, Nhật Bản và Mỹ. Các ngoại trưởng của nhóm này cũng đã có cuộc họp đặc biệt với những người đồng cấp Jordan, Qatar, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE. Phát biểu trước khi rời Lucca đến Moscow hôm qua, Ngoại trưởng Tillerson đã lặp lại quan điểm của Mỹ, và cũng là của nhóm G7, rằng Tổng thống Assad không có chỗ trong bản đồ chính trị của Syria. Ông kêu gọi Nga từ bỏ sự ủng hộ dành cho ông Assad sau khi chính quyền Syria liên tục sử dụng vũ khí hoá học và cùng Mỹ vạch ra tương lai cho quốc gia này.
Những tuyên bố trên rõ ràng khiến cuộc gặp giữa ông Tillerson với người đồng cấp Nga Lavrov trở nên cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua đã bày tỏ mong muốn tránh đối đầu và tiến hành “hợp tác mang tính xây dựng” với Mỹ. Phía Nga cho hay muốn có các cuộc thảo luận hiệu quả với Mỹ “nhằm tìm hiểu nhu cầu bình thường hóa quan hệ với Nga của Mỹ ở mức độ nào”.