10/01/2025

Trắng đêm vá những con đường

Một sáng thức dậy, người dân TP.HCM chợt thấy con đường gồ ghề ổ gà, nham nhở vết tróc lở chiều hôm trước bỗng mới tinh, phẳng lì. Bánh xe lăn đều, êm ru…

 

Trắng đêm vá những con đường

Một sáng thức dậy, người dân TP.HCM chợt thấy con đường gồ ghề ổ gà, nham nhở vết tróc lở chiều hôm trước bỗng mới tinh, phẳng lì. Bánh xe lăn đều, êm ru…

 

 

 

Trắng đêm vá những con đường
Môi trường làm việc của các công nhân thường xuyên tiếp xúc với nhựa nóng và không khí độc hại –  Ảnh: Lê Phan

Đêm trước đó, sau một ngày làm việc mệt nhoài, khi những người dân thành phố chìm vào giấc ngủ là lúc những công nhân vá đường bắt đầu trắng đêm với công việc nhọc nhằn của mình.

Những thước đường thấm đẫm mồ hôi

11h đêm, khi dòng người đi chơi dần thưa thớt là lúc nhóm công nhân thuộc Công ty cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn bắt đầu công việc. Tại một đoạn đường Trần Cao Vân (Q.1, TP.HCM), những rào chắn sắt phản quang được đặt phong toả hai đầu đoạn đường cần sửa chữa. Hai công nhân đứng cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường.

Nhóm khác nhanh chóng giăng dây đo đạc. Công đoạn tính toán hoàn tất. Một xe đầu kéo chở đến một cỗ máy bóc mặt nhựa đường khổng lồ. Chiếc máy bóc nhựa được điều khiển leo xuống khỏi xe chuyên chở, tiến vào vị trí thi công. Vào đúng vị trí cần bóc tách, cỗ máy hạ phần lưỡi cào xuống sát mặt đường, vừa chạy vừa cào. Tiếng ồn vang cả một đoạn đường. Phần nhựa đường được cào phun vào thùng chiếc xe ben ở phía trước. Cứ thế, cỗ máy đi tới đâu thì bỏ lại phía sau mặt đường bị bóc trắng trơ lớp đất nền. Gió đêm man mác, nhưng công nhân điều khiển máy rơm rớm mồ hôi.

 

Khi cỗ máy vừa đi qua, hai công nhân đợi sẵn dùng máy đục cạy phần nhựa đường sát vỉa hè. Một người đẩy chiếc xe chở máy phát điện, một người gồng tay giữ chặt chiếc máy đục đang nhảy tưng tưng kèm theo những âm thanh chát chúa mỗi lần mũi đục chạm vào đá. Ai nấy gồng mình, khẩn trương và dĩ nhiên phải có sức khỏe rất tốt mới có thể gồng được phần việc “cơ bắp” này.

“Chúng tôi phải bóc phần nhựa đường cũ rồi mới trải nhựa lên. Đây là công đoạn bắt buộc. Vì nếu không bóc lớp mặt đường thì nhựa mới bám không tốt, đồng thời giữ cao độ mặt đường đúng quy chuẩn” – một công nhân giải thích. Bóc lớp nhựa xong, đường được quét sạch láng trước khi phủ dầu hắc (hắc ín) và nhũ tương. Nhũ tương là loại nước nâu đen, sền sệt được phun khắp mặt đường để tạo độ bám dính cho phần nhựa, tạo thành lớp gương soi bóng công nhân dưới ánh đèn vàng vọt.

Tiếp đến, những chiếc xe ben chở nhựa đường nóng hổi nối đuôi nhau trút xuống chiếc máy trải nhựa mà các công nhân gọi là “rùa”, vì hình dáng nó giống con rùa. Cỗ máy cứ thế nuốt phần nhựa nóng vào bụng rồi ì ạch bò tới, thảm lớp nhựa sau đường lăn bánh. Mùi nhựa đường bốc lên hăng hắc, hơi nóng hừng hực.

“Đôi lúc chiếc máy trải thảm bị sự cố như đứt xích, gãy trục thì chúng tôi phải bới phần nhựa đường nóng hổi còn tồn trong máy ra để sửa chữa, lúc đó không khác gì cực hình” – ông Phạm Trần Bảo Quốc, phó giám đốc Xí nghiệp công trình 9, chia sẻ.

Thật rủi ro: chiếc máy gặp sự cố gãy trục! Những công nhân phải mất gần một giờ đầm mình trong đống nhựa nóng sửa chữa để cỗ máy hoạt động trở lại. Nhựa trải xong, hai chiếc xe lu chạy tới chạy lui nhiều lần cán láng. 3h sáng, con đường mới dần hiện ra, mịn đều tăm tắp thấm đẫm những giọt mồ hôi người công nhân.

Lấy đêm làm ngày

Một công nhân cho biết cái nghề được xếp vào những nghề độc hại bậc nhất này nếu không chịu khó, không có sức khỏe sẽ không trụ được. Một điều khác nữa: công việc vá đường toàn vào ban đêm, nên khi chồng đi làm là lúc vợ con đi ngủ, cha về nhà thì con đã đến trường, hiếm hoi mới có một bữa cơm tối gia đình quây quần bên nhau.

19 năm gắn bó với nghề công nhân cầu đường, ông Trương Văn Lợi (45 tuổi) cho biết ông vào nghề từ ngày con mới sinh, cứ đêm đến cha đi làm thì hai mẹ con lại thui thủi ở nhà. Đến khi con tới tuổi nhận biết được thì khóc rồi trách cha sao đi làm hoài, tối không chở con đi chơi giống chúng bạn. “Những lúc vậy, chỉ biết nói với con rằng cha đi làm để đường cho đẹp rồi sẽ chở con đi chơi” – ông nói.

“Gắn bó nhiều năm với nghề cũng lắm chuyện vui buồn, vui là mình làm đường mới người ta đi lại an toàn. Buồn là nhiều người không hiểu ra la mắng nặng lời, nói nửa đêm làm ồn không cho ai ngủ, nhưng đặc thù công việc như vậy mình phải chịu” – ông Lợi phân trần. Đó cũng là nỗi niềm của những người thợ vá đường.

Còn anh Vũ Văn Lập (38 tuổi) để đi làm phải rời nhà từ lúc 6h chiều, bởi anh làm việc ở TP.HCM nhưng sống tận Bình Dương. Anh đã có gia đình và hai cháu nhỏ, nhưng thời gian gặp vợ con với anh chỉ tính bằng vài tiếng đồng hồ mỗi ngày. “Hồi trước khi cưới, tui nói với bà xã nếu em chấp nhận anh đi làm đêm, bỏ em ở nhà thường xuyên thì mình mới cưới, còn không thì thôi. Rồi bả đồng ý cưới, tới giờ đã 10 năm tui bỏ bả ở nhà để đi làm đêm” – anh Lập hóm hỉnh kể.

Khi mặt trời ló dạng, con đường hư hỏng được khoác lên chiếc áo phẳng phiu còn bốc hơi nhựa mới. Xe cộ nhộn nhịp qua đường. Những công nhân tạm về nhà nghỉ ngơi và lại bắt đầu công việc thầm lặng khi đêm buông xuống.

Hiểm họa từ bóng đêm

Đối với công nhân vá đường ban đêm, ngán nhất là luôn phải đối mặt với nguy hiểm về giao thông, nhất là sợ gặp phải người say xỉn lao thẳng vào công trường. Đặc biệt, khi thi công trên những tuyến quốc lộ hay đường ngoại ô thì hiểm hoạ này càng cao, kể cả ôtô tải lao vào công trường.

“Có hôm một người say rượu lao thẳng vào vị trí rào chắn công trình, tui đang đứng phân luồng may mà nhảy kịp. Người đó nằm sõng soài, máu me bê bết, được anh em gọi cấp cứu. Đặc biệt, có những người chạy xe ngang qua dùng gậy đập vỡ đèn cảnh báo, đạp ngã rào chắn, sau đó chửi bới rồi rồ ga bỏ đi, lát sau quay lại tiếp tục phá” – một công nhân kể. Tai nạn còn là chuyện bị kẻ trộm lấy cắp máy móc thi công.

Đêm, điều gì cũng có thể xảy ra.

LÊ PHAN