11/01/2025

‘Chim cánh cụt’ và cánh tay mơ ước

Một nhóm nghiên cứu gồm năm thành viên trẻ thuộc trung tâm điện – điện tử (CEE) của Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã lập dự án mang tên “Cánh tay mơ ước” để giúp các em bị khuyết tật, chịu thiệt thòi trong cuộc sống.

 

‘Chim cánh cụt’ và cánh tay mơ ước

 Một nhóm nghiên cứu gồm năm thành viên trẻ thuộc trung tâm điện – điện tử (CEE) của Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã lập dự án mang tên “Cánh tay mơ ước” để giúp các em bị khuyết tật, chịu thiệt thòi trong cuộc sống.

 

 

 

'Chim cánh cụt' và cánh tay mơ ước
Em Phan Trọng Hiếu dùng “đôi bàn tay mơ ước” pha nước mời mẹ – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sau năm tháng miệt mài tìm hiểu, thử nghiệm, dự án nhân văn này đã cho “ra lò” quả ngọt đầu tiên để trao tặng hai em học sinh ở tỉnh Quảng Nam trong niềm 
vui khôn xiết.

Nối “cánh tay mơ ước”

Dù là những động tác còn ngượng nghịu, nhưng nhìn con trai cầm ly nước mời mình, khuôn mặt bà Nguyễn Thị Ngọc Đào (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vui hẳn lên. Đôi mắt người mẹ theo sát bàn tay đứa con trai đang cầm mỗi bên một ly nước. Em Phan Trọng Hiếu, con bà Đào, đang làm những động tác pha qua chế lại để nước bớt nóng trước khi đưa mẹ.

“Tui mừng lắm. Nhất là khi cánh tay đã giúp thằng Hiếu sôi nổi hẳn lên. Cánh tay còn quá mới mẻ với cháu nên mình không dám mong chi nhiều, chỉ cần nó có thể tự làm được những việc cá nhân nhỏ nhỏ để xoá đi mặc cảm thì đã mãn nguyện rồi. Bữa chừ cháu đã tự mở tủ lấy sách vở, sắp xếp cho vào cặp để đến trường mà không cần mấy chị giúp” – bà Đào vừa nói vừa vuốt cánh tay giả Hiếu đang mang.

 

Cánh tay giả ấy là món quà mà nhóm nghiên cứu đến từ Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) trao tặng cho Hiếu (học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi) cách đó ít lâu. Những việc tưởng chừng quá đơn giản như rót nước, cầm sách vở từng là nỗi lao tâm khổ tứ của vợ chồng bà Đào suốt bốn năm nay khi chứng kiến con bị khiếm khuyết một phần cơ thể, song mình không 
giúp được gì nhiều.

Bà nói hồi đó dù còn nhỏ nhưng Hiếu đã biết phụ giúp cha mẹ nhiều việc như cắt cỏ, chăn bò. Một lần khi em cùng hai người bạn đi chăn bò thì bị một quả bom bi phát nổ. Vụ tai nạn khủng khiếp ấy đã lấy đi gần hết cánh tay phải và một phần cánh tay trái của Hiếu.

Suốt một thời gian dài sau đó, nỗi đau biến Hiếu thành con người khác: rụt rè, ít giao tiếp với mọi người. Nhưng em vẫn khao khát được đến trường, tìm con chữ! Thế là “chú chim cánh cụt” này phải lấy ống nước, đục lỗ rồi chọc ngòi bút vào trong tập viết.

Cô Lê Thị Thanh Thảo, thành viên nhóm chế tạo “Cánh tay mơ ước”, kể mình đọc được bài báo viết về em khi đang tham gia giao lưu tại một trường cao đẳng ở Hoa Kỳ. Và rồi khi biết tại trường này cũng có trung tâm nghiên cứu các sản phẩm tay chân giả cho người khuyết tật, cô Thảo lập tức “bắt mối” để thành lập ý tưởng rồi mang về Việt Nam.

Và năm tháng qua, quả ngọt từ ý định tốt đẹp này đã được cô và đồng nghiệp hoàn thiện. Hiếu và một học trò khác là em Trần Đăng Khoa (học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Huệ, huyện Đại Lộc) đã được tặng một đôi tay quý giá như mơ ước.

Sản phẩm rẻ cho mọi người

Từng nhiều lần hướng dẫn sinh viên tham gia cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam, ThS Đặng Ngọc Sỹ – phó giám đốc CEE, trưởng nhóm nghiên cứu – cho rằng dự án này chưa hẳn là quá khó. Nhưng cái ngặt nghèo là “phải rẻ để đến với mọi người”. Bởi tay chân giả là sáng chế không mới nhưng ở VN vẫn rất hạn chế người dùng vì giá cả chưa hợp lý.

“Muốn làm giá rẻ trước tiên mình phải tự làm chủ công nghệ, tự tìm các nguyên vật liệu cần thiết như dây chất dẻo, dây kéo không giãn, vật liệu lót hút ẩm, dây dán có độ bền cao… Đặc biệt mỗi chi tiết như ngón tay, bàn tay, cẳng tay và các khớp nối, gân cơ tay phải là những thông số được tính toán hợp lý dựa trên các số đo trên phần còn lại của bàn tay 
các em” – ThS Sỹ nói.

Để cho ra đời những đôi tay như thật với độ chính xác cao, nhóm đã chế tạo các máy in 3D vật liệu nhựa bằng phương pháp nóng chảy nhằm gia công các chi tiết. Anh Đinh Hữu Quang, thành viên nhóm, cho biết in 3D mỗi chi tiết phải “ngốn” từ 6-15 tiếng.

Nhưng nhiều trường hợp chi tiết phải thử nghiệm in lại nhiều lần để tính toán lực và kết cấu phù hợp với chiều dài cánh tay khuyết tật của các em. Như trường hợp của Hiếu không phải dị tật bẩm sinh, các bộ phận còn lại trên tay trái, tay phải cũng hoàn toàn khác nhau nên không chi tiết nào giống chi tiết nào, phải 
chỉnh sửa nhiều lần.

Sau hai lần điều chỉnh, phiên bản cánh tay vừa lắp cho Hiếu và Khoa được cả nhóm tạm hài lòng vì độ nhỏ gọn, phù hợp. Qua nhiều lần thực nghiệm, các em làm được những động tác cầm nắm, uống nước hoặc lái xe đạp. Hiếu cho biết do cơ tay của em mới tập làm quen với phần cơ thể mới nên chưa vận động với tốc độ như mong muốn. Nhưng Hiếu rất vui có thể tự làm vệ sinh cá nhân, không phiền gia đình, song em bày tỏ “em muốn làm đẹp hơn như kiểu anh hùng Superman trong phim”.

Sẽ đưa ra thị trường cánh tay 
từ 300.000 – 500.000 đồng

Theo ThS Đặng Ngọc Sỹ, đối tượng mà nhóm hướng tới là các em độ tuổi từ 10-25. Khi tiếp xúc với các em ở độ tuổi dậy thì, anh nhận thấy một trong những điều quan trọng nữa là phải tạo sự tự tin, thoải mái cho các em.

Vì thế trong những phiên bản tiếp theo, nhóm sẽ cải tiến sản phẩm theo tiêu chí thẩm mỹ, màu sắc bắt mắt, đồng thời tinh gọn hơn.

“Chúng tôi đang xây dựng chiến lược để đưa ra thị trường những sản phẩm nhỏ gọn, giá tầm 300.000-500.000 đồng cho một cánh tay, phù hợp và tạo sự thích thú cho các em khi dùng” – anh nói.

TRƯỜNG TRUNG