‘Đồng hành cùng người thầy’ – như một sự sẻ chia
Sau hơn một năm phát động, chương trình “Đồng hành cùng người thầy” (do Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện) đã thống nhất trao vốn đợt đầu tiên cho 20 giáo viên có hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn.
‘Đồng hành cùng người thầy’ – như một sự sẻ chia
Sau hơn một năm phát động, chương trình “Đồng hành cùng người thầy” (do Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện) đã thống nhất trao vốn đợt đầu tiên cho 20 giáo viên có hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn.
Cô giáo Đoàn Thị Lệ Minh (giáo viên Trường mẫu giáo Tân Hà, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) bị bệnh tiểu đường, thị lực mờ dần vì biến chứng của bệnh, nhưng cô vẫn hằng ngày cần mẫn chăm sóc các em học sinh người dân tộc thiểu số – Ảnh: THIỆN TRÍ |
Nhưng bài viết này không nhằm mục đích than nghèo, kể khổ – mặc dù đó là thực trạng cuộc sống của khá nhiều giáo viên ở vùng sâu, vùng xa – mà nói về nghị lực phi thường của các thầy cô trong chương trình: cố gắng vượt qua những lo toan của cơm áo gạo tiền đời thường để bám trường, bám lớp.
“Nghề giáo là nghề đáng yêu, tội chi mà bỏ”
Đó là tâm sự của cô Đoàn Thị Lệ Minh, giáo viên Trường mẫu giáo Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Cuộc sống của cô Minh rất cơ cực: ban ngày cô đi dạy, tối về vừa soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, vừa lo bằm rau nuôi heo, nấu rượu để cho chồng đi bỏ mối… Gần như ngày nào cũng vậy, khi cô đặt lưng xuống giường là thời gian đã chuyển sang một ngày mới. Chưa hết, buổi trưa cô còn tranh thủ chạy qua trường THPT bán thêm ít bánh trái, yaourt, sinh tố ở ngay cổng trường để kiếm thêm chút tiền mua thuốc, mua sữa cho con.
Nhưng sự rủi ro, nghèo khổ vẫn không buông tha cô giáo, khi cô dành dụm được ít tiền nuôi heo thì trúng ngay dịch bệnh heo tai xanh; nuôi gà thì gặp đại dịch H5N1. Từ tình trạng cạn vốn, gia đình cô Minh phải đi vay nợ những lúc con cái đau ốm.
Thế nhưng, nhiều năm liền cô Minh vẫn là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. “Chưa bao giờ mình nghĩ đến việc bỏ nghề giáo. Số phận mình không may mắn về cuộc sống vật chất, nhưng lại rất may mắn về tinh thần. Mỗi ngày, khi bước vào trường là các học sinh dân tộc, đồng nghiệp, phụ huynh luôn mang lại cho mình cảm giác hạnh phúc. Mình cũng là một người mẹ, nên mình quan niệm cô giáo phải mang đến những điều tốt nhất cho trẻ”, cô Minh dịu dàng nói.
Có lẽ vì thế mà cô Minh được nhiều phụ huynh tin yêu: “Ở khu mình sống có nhiều phụ huynh khó khăn lắm. Vậy mà họ bắt được ít nhộng ong cũng mang qua biếu cô giáo, vì biết mình bị bệnh tiểu đường, cần nhộng ong. Mỗi khi trở trời, các khớp chân tay sưng phồng, thấy mình bị đau nhức như vậy, một số phụ huynh liền đi tìm lá cây thuốc cho cô giáo. Những tình cảm mộc mạc ấy làm cho mình ấm lòng lắm. Nó thể hiện rõ ràng nhất câu: cho yêu thương sẽ nhận lại yêu thương”.
Qua điện thoại, cô Minh vui mừng cho biết: “Đợt này, Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ cho mình mượn 20 triệu đồng làm vốn xây dựng kinh tế gia đình. Mình dự tính sẽ nuôi bò và heo, hi vọng từ đây cuộc sống của gia đình mình sẽ khá hơn”.
Với thầy Lê Văn Dũng và cô Phạm Thị Vũ (giáo viên Trường tiểu học Tân An 3, thị xã La Gi, Bình Thuận), hai năm đeo đuổi chữa trị căn bệnh ung thư máu cho con trai không chỉ khiến tinh thần, sức khỏe sa sút, mà kinh tế gia đình của vợ chồng vốn nghèo càng trở nên kiệt quệ. Đã vậy thầy cô còn phải chu cấp cho con gái lớn đang học đại học, nên phải vay mượn nhiều nơi, nợ mới nợ cũ cứ ngày một nhiều thêm…
“Dù buồn đau đến thế nào, tất cả cũng phải gác lại nơi cửa lớp, để toàn tâm toàn ý với học sinh. Nếu cứ mang nỗi buồn, sự u uất vào lớp, lại thấy tội học trò nhiều lắm”, cô Vũ chia sẻ. Con trai của cô sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP.HCM cũng đã hồi sức được phần nào, và trở về nhà tiếp tục đi học, hằng tháng lại vào TP.HCM tái khám.
Để cải thiện kinh tế, cô Vũ dự tính tận dụng mảnh đất trống của gia đình đầu tư chăn nuôi bò, vợ chồng cùng cố gắng vừa dạy học vừa chăn nuôi, dần dần sẽ giải quyết hết nợ nần.
Mục đích lâu dài
Theo ban biên tập báo Tuổi Trẻ: “Đồng hành cùng người thầy” là chương trình trợ vốn không lãi suất, dành cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế gia đình, qua đó giúp người thầy yên tâm đứng lớp.
Người nhận hỗ trợ của chương trình là các giáo viên có gia cảnh khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và hết lòng với nghề giáo; hoặc dành trọn tâm sức cho các lớp học dân lập dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có phương án làm kinh tế gia đình khả thi, và được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh giới thiệu.
Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình này vì một mục đích lâu dài: giúp người thầy bớt khó khăn trong cuộc sống đời thường để an tâm công tác, chất lượng bài giảng sẽ tốt hơn. Từ đó hiệu quả giáo dục sẽ tăng lên, xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Chương trình không chỉ dừng lại ở việc sẻ chia, giúp đỡ về vật chất, mà còn thúc đẩy tinh thần tôn sư trọng đạo, duy trì truyền thống tốt đẹp của cha ông ta.
Thật vậy, 20 thầy cô được trợ vốn lần này là 20 hoàn cảnh khó khăn đến mức tột cùng: cô Dương Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam: mắc bệnh lupus ban đỏ, thận suy yếu, nên cô Thúy phải thực hiện lịch trình 1 ngày lên lớp, 1 ngày nằm viện; cô Hồ Thị Mỹ Nương, giáo viên Trường tiểu học và THCS Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi: giảng dạy ở huyện miền núi, thu nhập ít ỏi mà cô Nương phải nuôi 2 con ăn học, đồng thời lo chi phí điều trị bệnh lao hạch và lao phổi…
Và đa số các thầy cô đều cho biết: nhận số vốn mà chương trình “Đồng hành cùng người thầy” hỗ trợ, họ sẽ dùng để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ… Ai cũng mong muốn ngoài đồng lương khiêm tốn của nghề giáo, số vốn này sẽ là khởi đầu tốt đẹp, giúp họ có thêm nguồn thu nhập để chữa bệnh và cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Trao 395 triệu đồng vốn cho 20 giáo viên Lễ trao vốn đợt đầu tiên của chương trình “Đồng hành cùng người thầy” (do Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức) sẽ diễn ra vào sáng 18-3 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, TP.HCM. Đợt này, chương trình sẽ trao vốn cho 20 giáo viên đến từ 8 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng số vốn được trao lần này là 395 triệu đồng, được trích từ nguồn đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Mỗi giáo viên được trợ vốn từ 10-25 triệu đồng (không lãi suất) và sẽ hoàn vốn sau 2 năm. Qua chương trình này, ban biên tập báo Tuổi Trẻ cũng mong muốn tạo sự kết nối ý nghĩa giữa xã hội và người thầy, để xã hội quan tâm hơn, có những chia sẻ thiết thực hơn đối với các thầy cô, giúp ngành GD-ĐT phát triển tốt hơn trong tương lai. |