29/11/2024

Có mùi khí đốt ở Benham

Không phải vô cớ mà tàu Trung Quốc kéo đến bờ lục địa Benham khảo sát địa chất. Khu vực bờ lục địa rộng đến 13 triệu hecta này được cho là chứa nhiều tài nguyên khoáng sản và khí đốt.

 

Có mùi khí đốt ở Benham

 Không phải vô cớ mà tàu Trung Quốc kéo đến bờ lục địa Benham khảo sát địa chất. Khu vực bờ lục địa rộng đến 13 triệu hecta này được cho là chứa nhiều tài nguyên khoáng sản và khí đốt.

 

 

 

Có mùi khí đốt ở Benham
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ra lệnh cho hải quân xua đuổi tàu khảo sát của Trung Quốc – Ảnh: Reuters

Chúng tôi xem trọng mối quan hệ láng giềng tốt và mối quan hệ đối tác anh em với Philippines.”

Hoa Xuân Oánh (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Cuối cùng (tuy chưa hẳn là chấm hết), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng tuyên bố: “Tôi muốn lặp lại rằng Trung Quốc hoàn toàn tôn trọng các quyền của Philippines đối với thềm lục địa ở khu vực bờ lục địa Benham và cũng chẳng có việc Trung Quốc muốn thách thức gì các quyền đó…

Song, nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế lại phán rằng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không đồng nghĩa với lãnh thổ và rằng một quốc gia ven bờ, khi hành xử quyền của mình trên thềm lục địa, không được cản trở các quyền như quyền tự do đi lại của các quốc gia khác theo luật quốc tế”.

Đúng là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trích dẫn chính xác Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 để biện minh việc tàu khảo sát của Trung Quốc đang lảng vảng ở khu vực bờ lục địa Benham, khiến Philippines phải lên tiếng.

Trong thực tế, phía Philippines đã lên tiếng rất đa chiều, từ Tổng thống Duterte đến các chính khách và báo chí. Như các lần trước, mỗi khi ông Duterte “nói ra” thì ông Yasay khi còn là bộ trưởng ngoại giao hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana lại “nói vào”…

Riết rồi tạo cảm giác các bộ trưởng “nói nghịch” là để đính chính những gì tổng thống đã nói, song chung cuộc cũng đạt yêu cầu là phát đi thông điệp muốn nói, điều cần phải nói mà đối tượng không khó chịu, song cũng không thể coi thường mình.

Lần này cũng thế, yêu cầu đặt ra là đối tượng phải lên tiếng và giở đúng luật mà lên tiếng, càng không nói mạnh bạo một khi ông Duterte đã nói: “Đừng có đánh nhau vì chuyện quyền sở hữu hay chủ quyền gì hết khi mà mọi chuyện đang ngon lành”! Thế nhưng cuối cùng ông Duterte cũng đã ra lệnh cho quân đội dựng thêm một số “cấu trúc” (phòng thủ) ở khu vực bờ lục địa Benham, một cách cương nhu đủ kiểu.

Việc tàu Trung Quốc lấp ló để khảo sát không phải là chuyện nay mới thấy. Trong những năm qua, Bộ Môi trường và tài nguyên thiên nhiên Philippines đã mấy lần tổ chức khảo sát và kết quả cho thấy có những tích tụ to tát khí mêtan dạng cứng.

Tháng 2 năm ngoái, Cơ quan Khoa học – kỹ thuật hải dương và địa chất Nhật Bản (JAMSTEC) và Viện Kỹ thuật và công nghệ Hàn Quốc đã cử chuyên gia đến cùng cộng tác thăm dò tìm kiếm.

Thậm chí phía Nhật, qua JAMSTEC, đã ngỏ ý sẽ đưa một tàu lặn cực sâu trị giá 6 tỉ yen đến khảo sát và đề nghị Bộ Khoa học và công nghệ Philippines cùng cộng tác với phía Nhật, hay nếu không muốn cộng tác thì tàu lặn chuyên dụng đấy, cứ việc thuê đi.

Chẳng lạ lùng gì cả chuyện khảo sát. Có chăng là Nhật và Hàn là chính thức, công khai cùng phối hợp với chủ nhà, chứ không lấp ló trong bóng tối.

Phản ứng trái chiều

Tổng thống Duterte vẫn “mềm” như mọi lần khi giải thích giùm cho Trung Quốc tại sao tàu nước này lại lảng vảng ở đó: “Chúng ta trước đó đã đồng ý rồi. Đó là một tàu khảo sát. Chúng ta đã được báo trước…”. Ngược lại, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nước này đã phản ứng khác: Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana ra lệnh cho hải quân xua đuổi, còn Bộ Ngoại giao gửi công hàm phản đối.

DANH ĐỨC