10/01/2025

Đèn đỏ, có nên cho rẽ phải?

Từ nỗi khổ của người đi bộ qua đường ở các giao lộ, đã có ý kiến tham gia diễn đàn cho rằng cần phải xem xét lại việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ cũng như xử nghiêm người rẽ phải trái luật.

 DIỄN ĐÀN XÂY DỰNG VĂN HOÁ GIAO THÔNG

Đèn đỏ, có nên cho rẽ phải?

Từ nỗi khổ của người đi bộ qua đường ở các giao lộ, đã có ý kiến tham gia diễn đàn cho rằng cần phải xem xét lại việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ cũng như xử nghiêm người rẽ phải trái luật.

 

 

 

Đèn đỏ, có nên cho rẽ phải?
Xe máy trên đường Điện Biên Phủ đến giao lộ Đinh Tiên Hoàng (quận 1) rẽ phải khi đèn đỏ cắt ngang vạch ưu tiên dành cho người đi bộ – Ảnh: SƠN BÌNH

Hiện nay TP.HCM đang tích cực lập lại trật tự lòng lề đường, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, tôi thấy việc đi bộ qua đường ở TP này cho đến nay vẫn chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi qua đường ở các ngã tư lớn.

Theo quy định, tất cả phương tiện và người đi bộ đều phải dừng lại khi gặp đèn đỏ. Tuy nhiên, tại TP.HCM, một số giao lộ có mật độ giao thông cao được lắp đèn tín hiệu giao thông kèm theo một đèn phụ màu xanh (hình chiếc xe máy và mũi tên chỉ) cho phép xe máy được đi thẳng hoặc rẽ phải khi đèn đỏ. Ở những giao lộ này, dòng xe máy rẽ phải gần như liên tục và cắt ngang lối ưu tiên của người đi bộ.

Giao lộ đường Điện Biên Phủ – Đinh Tiên Hoàng (quận 1) là một ví dụ. Xe máy trên đường Điện Biên Phủ từ ngã tư Hàng Xanh về giao lộ này được phép rẽ phải xuôi theo chiều đường Đinh Tiên Hoàng hướng về đường Võ Thị Sáu. Dòng xe rẽ phải này cắt ngang vạch ưu tiên dành cho người đi bộ qua lại đường Đinh Tiên Hoàng.

Chưa kể, dòng xe trên đường Điện Biên Phủ từ đường Hai Bà Trưng hướng ra ngã tư Hàng Xanh đến giao lộ này lẽ ra gặp đèn đỏ thì tất cả phải dừng lại nhưng phía trước là đường một chiều nên nhiều xe máy vẫn “xé rào” rẽ trái vào đường Đinh Tiên Hoàng.

Một buổi sáng quan sát ở đây, tôi thấy rất ít trường hợp người đi bộ dám qua lại đường Đinh Tiên Hoàng. Thi thoảng có một vài người dân đi bộ hoặc dẫn xe đạp qua đường theo kiểu “né nhau mà đi”.

Có hai người nước ngoài đứng trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng đợi đèn đỏ bật lên để đi bộ qua đường nhưng dòng xe cứ cuồn cuộn không ngớt. Hai người này đứng ngẩn ngơ một lúc rồi lắc đầu, tiếp tục đi bộ trên vỉa hè để tìm chỗ khác đi qua đường.

Không chỉ gặp khó ở những ngã tư được cho phép rẽ phải, người đi bộ còn khó qua đường ở hầu hết các giao lộ khác tại TP.HCM vì tình trạng xe máy rẽ phải ở các giao lộ diễn ra phổ biến dù ở đó không có biển cho phép rẽ phải khi đèn đỏ.

Không hiểu từ lúc nào, ở TP.HCM chuyện “vô tư rẽ phải” tại các ngã tư đã thành thói quen của nhiều người. Nhiều người đi xe máy khi đến ngã tư, dù thấy có đèn đỏ và không có tín hiệu cho rẽ phải vẫn cứ cho xe rẽ, thậm chí từ phía sau cũng bấm còi giành đường để rẽ cho bằng được.

Có lần, một người bạn chở tôi bằng xe máy đã định rẽ phải khi đèn đỏ, tôi nói dừng lại thì bạn cũng dừng nhưng lại thắc mắc: “Trước giờ tôi vẫn rẽ phải vậy mà, có sao đâu?”.

Tôi kiến nghị ngành giao thông TP xem xét lại việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở một số giao lộ, hoặc có phương án bố trí lại đèn tín hiệu giao thông hợp lý hơn để bảo đảm an toàn cho người đi bộ.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm đối với những người rẽ phải không đúng quy định, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người đi đường tuân thủ đèn tín hiệu giao thông.

Ông Ngô Hải Đường (trưởng phòng quản lý hạ tầng Sở GTVT TP.HCM):

Cho rẽ phải để giảm ùn tắc

Đúng là hiện nay ở một số giao lộ có tín hiệu cho phép xe hai bánh rẽ phải khi đèn đỏ. Việc rẽ phải liên tục này làm giảm lượng xe dừng chờ đèn tín hiệu, giúp giải phóng dòng xe nhanh hơn, giảm bớt lượng xe ùn tắc tại các giao lộ.

Tuy nhiên, mặt trái của việc rẽ phải liên tục này là làm ảnh hưởng đến người đi bộ, gây mất an toàn giao thông. Đây là lỗi của người chạy xe máy rẽ phải không nhường đường cho người đi bộ trên vạch ưu tiên.

Việc bố trí đèn tín hiệu giao thông nhiều pha, có pha dành riêng cho người đi bộ, chắc chắn sẽ đảm bảo an toàn cho người bộ hành. Tuy nhiên, phương án này cũng sẽ gây ùn tắc giao thông do giảm khả năng thoát xe qua giao lộ vì thời gian chờ đèn kéo dài trên từng hướng đường.

Để hạn chế giao cắt của từng luồng xe, Sở GTVT đã bố trí làn xe rẽ trái, rẽ phải, đi thẳng riêng biệt trên từng pha đèn. Tuy nhiên, việc bố trí trên chỉ áp dụng được tại những tuyến đường có mặt cắt ngang lớn, từ 3 làn đường trở lên.

N.TRIỀU ghi

Đại úy Trần Thị Hồng Nhung (đội phó Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM):

Rẽ phải không đúng có thể bị tước bằng lái

Luật giao thông đường bộ quy định khi thấy đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển xe phải dừng lại, trừ khi có các tín hiệu chỉ dẫn cho phép rẽ phải lắp đặt kèm theo.

Không có chuyện CSGT không xử phạt người đi xe máy rẽ phải không đúng tín hiệu đèn mà có thể lúc đó CSGT đang làm nhiệm vụ khác như phân luồng điều hòa giao thông, nếu dừng lại xử phạt sẽ ảnh hưởng đến công việc.

Theo số liệu thống kê, trong tháng 1-2017, phòng đã lập biên bản xử phạt 4.322 trường hợp vi phạm lưu thông ngược chiều và không chấp hành đèn tín hiệu giao thông.

Theo nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển môtô, xe máy vi phạm rẽ phải khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ sẽ bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng; với người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô, khi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1,2 – 2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.

S.BÌNH ghi

NGUYỄN THÁI BÌNH (TP.HCM)