08/01/2025

‘Tôi muốn ngăn hành vi gian lận…’

Gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ báo tin về tình trạng gian lận khi thối tiền của nhân viên cây xăng, sinh viên Đ.T.T.H. nói rằng mình không thể chấp nhận hành vi gian dối này, đồng thời muốn cảnh báo cho nhiều người biết để cảnh giác.

 

‘Tôi muốn ngăn hành vi gian lận…’

Gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ báo tin về tình trạng gian lận khi thối tiền của nhân viên cây xăng, sinh viên Đ.T.T.H. nói rằng mình không thể chấp nhận hành vi gian dối này, đồng thời muốn cảnh báo cho nhiều người biết để cảnh giác.

 

 

 

'Tôi muốn ngăn hành vi gian lận...'
Nhân viên cửa hàng xăng dầu số 1 (220 quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tên Trần Phước thối lại cho khách 450.000 đồng nhưng rút lại 1 tờ 100.000 đồng. Khách hàng thực tế chỉ nhận được 350.000 đồng – Ảnh cắt từ clip điều tra

Sinh viên Đ.T.T.H. kể rằng sau khi đi đổ xăng ở một cây xăng quận Thủ Đức (TP.HCM), về nhà phát hiện bị mất 100.000 đồng, H. cứ ngỡ là mình làm rơi đâu đó. Nhưng đến lần thứ hai cũng bị tương tự thì H. biết có vấn đề ở cây xăng này.

Mang nỗi ấm ức đó đến với Tuổi Trẻ, H. đã không những cung cấp thông tin mà còn tình nguyện giúp phóng viên trong quá trình tác nghiệp điều tra về tình trạng tráo tiền ở các cây xăng. Nhờ sự nhiệt tình của H., bài điều tra “Lật tẩy trò tráo tiền ở cây xăng” đã ra mắt bạn 
đọc ngày 2-1-2017.

H. tâm sự: “Những nhân viên đổ xăng ấy toàn lựa những khoảng thời gian cao điểm, ai cũng vội vàng để thối tiền gian. Như vậy là không tốt, không thể chấp nhận được. Vì vậy tôi mới báo tin cho Tuổi Trẻ, cũng như không ngại nguy hiểm khi giúp phóng viên thu thập chứng cứ nhằm ngăn hành vi gian lận này”.

Nhận giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 1-2017, sinh viên H. cho biết mình rất vui khi có rất nhiều bạn đọc quan tâm bình luận về bài viết lật tẩy trò lừa đảo này trên Tuổi Trẻ. H. cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn hành vi này và không để những người tráo tiền có cơ hội hoạt động ở những cây xăng khác.

Cũng báo tin nóng đến Tuổi Trẻ, nhưng thầy giáo V.H.S. (TP.HCM) – người cung cấp tin “Phát hiện thi thể trong thùng xốp” (Tuổi Trẻ Online ngày 13-1) nói về nghi án giết bạn học xảy ra tại một chung cư ở quận Gò Vấp, TP.HCM – lại mang một trăn trở khác về trách nhiệm của gia đình đối với con cái.

Thầy S. kể lại: “Hôm đó là chiều 13-1, khi đang đi dạy ngang qua chung cư này, tôi thấy nhiều người đang bàn tán xôn xao về việc phát hiện một xác chết. Là bạn đọc lâu năm của Tuổi Trẻ, nên tôi gọi ngay để báo tin”.

Thầy S. cũng bày tỏ việc hai em học sinh trong vụ án này mới chỉ học lớp 9 làm mình cứ băn khoăn hoài về việc vì sao em H. (nạn nhân) đi từ hôm 12-1 không về nhà mà gia đình em không tìm kiếm? Còn em B. là nghi can vụ án này liệu có thể thực hiện hành vi như vậy ở độ tuổi mới học lớp 9?

Thầy chia sẻ qua vụ việc này, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con cái của mình nhiều hơn, phối hợp với nhà trường trong việc đào tạo nhân cách, đạo đức cho học sinh ngay từ nhỏ để trở thành những công dân tốt sau này.

Giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 1-2017 cũng được trao đến một bạn đọc ở huyện Thoại Sơn, An Giang đã cung cấp tin “Công an vô cớ vây bắt và đánh 5 người, 2 người nhập viện”.

Nhờ tin báo này, Tuổi Trẻ Online ngày 7-1 đã thông tin sớm về vụ việc và kết quả là toàn bộ vụ việc đang được Thanh tra Công an tỉnh An Giang thụ lý để làm rõ các sai phạm của nhóm Công an xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn.

Tuổi Trẻ giúp tôi giãi bày tâm tư

Giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 1-2017 cũng đã được trao đến tác giả Hải Vân (Đồng Tháp) với bài viết “Tết ăn nhậu có còn lễ nghĩa không?” (Tuổi Trẻ Online ngày 20-1).

Tác giả Hải Vân nói rằng khi viết bài gửi Tuổi Trẻ, chị được giãi bày nhiều tâm tư. Bài viết đầu tiên đăng trên Tuổi Trẻ được chị rút ra từ thực tế mắt thấy tai nghe. Đó là chuyện dạy con từ góc nhìn của người xưa và cách dạy con của giới trẻ ngày nay. Sau bài viết này, chị tiếp tục có góc nhìn mang chiều sâu về chuyện làm sao để giữ nét đẹp của tết xưa trong bối cảnh tết Việt nay có quá nhiều hình ảnh xấu xí…

Chị tâm sự: “Xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc cần phải bàn luận nhiều, nhưng trước đó tôi không biết phải chia sẻ những suy nghĩ này ở đâu. Từ hồi cộng tác cho Tuổi Trẻ, tôi cảm thấy hứng khởi và càng muốn đưa ra bàn luận nhiều vấn đề hơn nữa”.

Dự định sắp tới, chị sẽ viết nhiều chủ đề đã ấp ủ như vấn nạn sử dụng thuốc tây bừa bãi, làm sao để giới trẻ hiểu về Luật giao thông, giải pháp thực chất để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên…

“Được Tuổi Trẻ chọn đăng bài, tôi thấy đó là trách nhiệm phải có nhiều bài viết hay hơn để đóng góp được nhiều hơn” – chị tâm tình.

NGỌC TÀI

ĐỖ QUYÊN