Hành trình vì những trái tim
Không vì lợi nhuận, tự cân đối thu chi, giúp đỡ chi phí mổ cho người bệnh nghèo với tỉ lệ 30% trên tổng số ca mổ hằng năm suốt 25 năm qua là điều không dễ đối với Viện Tim TP.HCM.
KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VN 27-2:
Hành trình vì những trái tim
Không vì lợi nhuận, tự cân đối thu chi, giúp đỡ chi phí mổ cho người bệnh nghèo với tỉ lệ 30% trên tổng số ca mổ hằng năm suốt 25 năm qua là điều không dễ đối với Viện Tim TP.HCM.
Chăm sóc bé sau mổ tại Viện Tim sáng 25-2-2017 – Ảnh: Bình Minh |
Trải lòng với Tuổi Trẻ, TS.BS Đỗ Quang Huân – giám đốc Viện Tim – cho rằng triển khai kỹ thuật cao cũng là hành trình xuyên suốt 25 năm qua của Viện Tim để cứu sống rất nhiều người, trong đó có hàng ngàn bệnh nhân nghèo.
Ông nói:
– Người bệnh chờ mổ có lúc quá tải trầm trọng, nhưng chưa bao giờ người bệnh phải nằm đôi, nằm ba. Từ năm 1992, số người bệnh chờ mổ rất đông, có lúc lên đến khoảng 10.000 người, người bệnh từ Bắc chí Nam, từ Lạng Sơn, Hà Nội cho tới Cà Mau…
Giải quyết bằng cách nào? Chúng tôi rất trăn trở. Thay vì xây thêm 2-3 cơ sở mới, ban lãnh đạo lúc ấy có BS Nguyễn Ngọc Chiếu, BS Phan Kim Phương, GS Alain Carpentier, viện sĩ – BS Dương Quang Trung quyết định giảm tải bằng cách chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện (BV) khác.
Đầu tiên là BV Trung ương Huế, đến BV Tim Hà Nội, BV ĐH Y dược TP.HCM, Nhân dân Gia Định, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2…
Theo công thức Pháp đã đào tạo cho mình: BS đến Viện Tim TP.HCM học trong 2 năm, tiếp theo Viện Tim cử BS đến hỗ trợ cho đến khi nơi đó có thể mổ được, thường là trong 1 năm.
Một trong những đơn vị rất thành công là Viện Tim Hà Nội, số ca mổ rất nhiều và cũng áp dụng được mô hình tự cân đối thu chi như Viện Tim TP.HCM.
Năm 2000, Viện Tim bắt đầu phát triển kỹ thuật tim mạch can thiệp, đồng thời cũng chuyển giao kỹ thuật ngay cho các BV khác.
Nhớ lại khi Viện Tim mới bắt đầu mổ, có nhiều người bệnh từ Bắc vô phải đi xe đò hay xe lửa 2-3 ngày, tới đây khám bệnh xong quay ra. Thường khám 2-3 lần mới mổ. Người bệnh đi lại rất tốn kém và vất vả.
Bây giờ mình chuyển giao kỹ thuật rồi thì không còn thấy cảnh đó nữa.
* Với người bệnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì sao, thưa bác sĩ?
– Hiện tại An Giang có Trung tâm Tim mạch An Giang đã làm được tim mạch can thiệp. Ở Cần Thơ thì Viện Tim đang chuyển giao kỹ thuật.
Qua chuyển giao kỹ thuật của Viện Tim, đến nay đã có 10 trung tâm phẫu thuật tim ở VN và chuyển giao kỹ thuật về tim mạch can thiệp cho 17 BV trên cả nước.
Viện Tim cũng đã đào tạo hơn 3.129 BS của hơn 50 BV tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác về siêu âm tim và bệnh lý tim mạch, 1.256 học viên thông qua chương trình đào tạo liên tục cho cán bộ y tế.
Nhờ vậy, số người bệnh chờ mổ tại Viện Tim đã giảm rất nhiều. Hiện nay, số đã hội chẩn chờ mổ là 1.378 ca.
* Ban đầu, Viện Tim có chỉ tiêu miễn giảm chi phí mổ cho 30-40% người bệnh nghèo/tổng số ca mổ hằng năm. Hiện con số này là bao nhiêu?
– Đảm bảo tỉ lệ miễn giảm lên đến 40% chỉ được 2 năm đầu. Do giá thu ban đầu cũng không đủ chi phí một ca mổ nên viện có xin cơ chế tự chủ tài chính, nghĩa là thu đủ để trả lương và trang thiết bị cho ca mổ.
Đối với người bệnh nghèo có Hiệp hội Alain Carpentier giúp, giai đoạn đầu khoảng 500.000 USD/năm, về sau giảm dần. Từ năm 2007-2008 có thêm Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, các báo đài và nhiều tổ chức, cá nhân tham gia giúp chi phí mổ.
Trung tâm khám cho người nước ngoài (CMI) được thành lập nhằm chuyển toàn bộ lợi nhuận để mổ tim miễn phí cho trẻ em, đến nay đã trên 4.000 ca. Tỉ lệ miễn giảm bình quân chung hiện nay là 25,2%.
Riêng năm 2016 có 575 người nghèo được giúp với gần 11 tỉ đồng.
* Đảm bảo tỉ lệ miễn giảm cho người bệnh nghèo liệu có ảnh hưởng thu nhập của CBNV?
– Thu nhập nhân viên Viện Tim trước đây cao, nhưng hiện tại không như một số BV công khác do các BV này có hoạt động dịch vụ. Viện Tim hoạt động phi lợi nhuận, không tổ chức khám dịch vụ, phòng dịch vụ hay mổ dịch vụ.
Tất cả từ công khám, chi phí phẫu thuật trọn gói, tiền giường, phòng đều như nhau. Người bệnh mổ ngày thứ bảy giá cũng như thứ hai, thứ ba trong tuần.
Quan trọng là môi trường tốt để giữ chân BS, được gửi đi đào tạo ở Pháp, Úc, học tim mạch can thiệp ở Đức. Viện Tim hiện có trên 600 nhân viên, trong đó có 104 BS, số đào tạo tại nước ngoài là 42 người (chiếm đến 40,38%).
Trẻ em Việt Nam được giúp đỡ nhiều để mổ tim Giáo sư Alain Carpentier – chuyên gia tim mạch có tiếng của Pháp, người đồng sáng lập Viện Tim, đã tận tình giúp đỡ trang thiết bị, đào tạo êkip phẫu thuật tim tại Pháp và đồng hành cùng Viện Tim suốt 25 năm qua – nhận xét: “Viện Tim TP.HCM đã trưởng thành, phẫu thuật thành công nhiều trường hợp và quản lý rất ổn định, chuyên môn phát triển rất tốt so với các nước. Hiệp hội Alain Carpentier cũng đã giúp các nước như Algeria, Morocco, Lebanon, nhưng ở VN là thành công nhất. Không phải nhờ tôi, mà nhờ những người VN. Các kỹ thuật chuyên môn đào tạo cho VN cũng được triển khai tốt hơn nhiều so với các nước khác. Một vài bệnh lý được điều trị ở VN hiện tại còn tốt hơn ở các nước khác. Về mặt xã hội, trẻ em VN cũng đã được giúp rất nhiều để mổ tim nên tôi hi vọng sự giúp đỡ này sẽ tiếp tục”. |