29/11/2024

Cưu mang tình nghĩa đồng bào

Cũng từ bốn tiếng “người Việt với nhau”, rất nhiều người gốc Việt sinh sống ở Campuchia đã kéo nhau về Việt Nam sau những năm cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

 

Cưu mang tình nghĩa đồng bào

 Cũng từ bốn tiếng “người Việt với nhau”, rất nhiều người gốc Việt sinh sống ở Campuchia đã kéo nhau về Việt Nam sau những năm cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

 

 

Cưu mang tình nghĩa đồng bào
Một hộ Việt kiều Campuchia ở ấp Tà Dơ (Tây Ninh) được phát phiếu nhận quà tặng của mạnh thường quân. Xóm vẫn thường nhận được trợ giúp như thế này – Ảnh: TIẾN TRÌNH

Trước và sau tết, bà con Việt kiều từ Campuchia rủ nhau về nước. Tất cả họ là những người nghèo sống ở khu vực Biển Hồ (thuộc huyện Krako, tỉnh Pursat). Mấy năm gần đây nguồn cá ít đi, đời sống khó khăn nên bà con quay về đất mẹ.

Ông Huỳnh Tấn Hiệp – phó chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh) – cho biết trong 2 năm qua, có trên 425 gia đình với 2.500 dân Việt kiều từ Campuchia kéo về sinh sống trên địa bàn, nhiều nhất là ở ấp Tà Dơ.

“Người Việt với nhau”

Ông Nguyễn Văn Tha, trưởng ấp Tà Dơ, nói trước đây ấp có 110 hộ với chưa đến 450 dân. Thế mà chỉ vài năm, người gốc Việt từ Campuchia về đây sinh sống lên đến 250 hộ với 1.500 dân, nghĩa là cùng một lúc, ấp Tà Dơ phải “chứa” số người đông gần gấp… ba lần dân địa phương cố cựu.

Ông Trần Văn Minh (43 tuổi) vừa đưa vợ con từ làng nổi trên Biển Hồ về Việt Nam. Vợ chồng ông hiện tá túc ở ấp Tà Dơ, ven hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), tiếp tục nghề câu lưới như hồi ở bên kia.

Ông Minh cho biết ông trở về Việt Nam là nhờ những người đi trước. Bà con nói ở đâu cũng khó khăn, nhưng “ở Việt Nam mình có khó khăn thì cũng được giúp đỡ. Người Việt với nhau không ai bỏ mình cả”.

Cũng từ bốn tiếng “người Việt với nhau”, rất nhiều người gốc Việt sinh sống ở Campuchia đã kéo nhau về Việt Nam sau những năm cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Những Việt kiều trở về đã được người địa phương dang tay chào đón. Một khu đất rộng được dành cho việc bà con cất nhà trong xóm. Người ta gọi là “xóm Việt kiều”.

Đó chỉ là dãy chòi được cất cao lên mặt đất, với những mái che xiêu vẹo, có gì đắp nấy, lam lũ y hệt những mảnh đời nổi trôi phiêu dạt ở xóm này.

Ông Tha nói dân số tăng lên “khủng khiếp” như thế nên vượt quá sức lo của địa phương, nhất là việc chăm lo đời sống dịp tết nhứt, lễ lạt.

May là dịp tết vừa qua những nhà hảo tâm từ khắp nơi đã tìm đến thăm hỏi, giúp đỡ nên địa phương cũng bớt lo, gia đình nào cũng có cái tết ấm cúng. Nhưng tiền giúp cho cũng tiêu vài bữa tết, ra giêng lại cứ phải đầu tắt mặt tối tự kiếm cái ăn.

Mong đời con cháu 
khá hơn

Từ Tây Ninh, xuôi theo dòng sông Vàm Cỏ là về Long An. Bên dòng kênh đào Bình Châu, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng có 33 hộ Việt kiều sống cặp theo con kênh này.

Anh Nguyễn Văn Nghi – một Việt kiều từ Campuchia – về đây từ hơn 2 năm trước. Căn nhà của anh rộng chừng 10m2 – thực ra là cái chòi, sàn gỗ, mái tôn, vách lá – nhưng vẫn là căn nhà bề thế nhất trong xóm này. Công việc kiếm cơm của anh Nghi là cắt lục bình bán cho người ta đan lát, làm đồ mỹ nghệ. Anh Nghi kể bữa trước tết có mấy đoàn tới hỏi thăm, giúp đỡ. Người cho mấy ký gạo, người cho vật dụng. UBND xã Tuyên Bình cũng có hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng để ăn tết.

Cũng y như phần đông bà con trở về, cuộc sống cũng còn khó khăn y hệt hồi bên kia nhưng anh Nghi nói ở đây ấm áp quê nhà, vẫn yên tâm hơn cái hồi phiêu dạt. Cả gia đình 9 người nhà anh Nghi không ai có bất cứ thứ giấy tờ gì để lận lưng, cũng như 33 hộ dân ở đây. Dù không giấy tờ tùy thân, không đất đai, không biết chữ… nhưng anh Nghi đã có mối mang cắt lục bình phơi khô đem bán. “Giá lục bình có lên, có xuống thì cũng có việc mà làm”, anh Nghi cười. Vợ con anh thì tứ tán đi bán vé số. Cứ vậy mà kiếm ăn.

Khác với anh Nghi về đã lâu, vợ chồng ông Nguyễn Văn Danh và bà Lý Thị Chiến thì mới về. Đã tính toán về Việt Nam từ lâu, nhưng phải đến tháng 4-2016, ông Danh mới cùng đại gia đình 9 người lênh đênh về được nơi đây với vốn liếng hơn chục triệu đồng.

Ở nhà ông Danh, trẻ đi bán vé số, già thì cắt lục bình. Cố gắng cách mấy thì bữa ăn cho 9 người mỗi ngày cũng là một vấn đề. Hôm rồi giáp tết, có một người trong xã cho cái tivi cũ, thế là tự nhiên có cái tết rộn ràng, mở suốt mấy ngày tết. “Hồi trước bên Campuchia đâu có được vầy. Về đây được coi phim Việt suốt ngày, coi Bảo Quốc, Hoài Linh mấy cũng không chán”, bà Chiến cười sảng khoái.

Đợt tết vừa rồi nhiều mạnh thường quân tới tặng quà cho bà Chiến và các hộ xung quanh. Trên bàn thờ nhà nào cũng còn những chai nước ngọt còn nguyên chữ chúc mừng năm mới. Vừa rồi còn có cả tiền từ ủy ban xã hỗ trợ, lại có cả gạo, nếp, nước mắm. Tiền thì bà Chiến trích ra một ít, mua cho mấy đứa cháu mỗi đứa một bộ đồ mới. Còn thì cất, quyết không tiêu phí. “Phải tiết kiệm, vì những thứ đó quý lắm” – bà Chiến giãi bày niềm vui.

Hết tết rồi. Những người dân xóm Việt kiều dọc các tỉnh biên giới từ Tây Ninh xuống Long An, về Đồng Tháp… lại bước vào cuộc mưu sinh mới. Vẫn cơ cực, vẫn đầu tắt mặt tối nhưng như ông Danh, bà Chiến nói: qua một cái tết, lại thấy ấm lòng quê hương vì cảm nhận được tình nghĩa đồng bào, không như hồi bên kia, tết nhứt gì cũng giăng câu thả lưới.

Ngồi ở một góc chòi, ông Danh cứ nhìn hoài ra lá cờ Việt Nam treo trước nhà đang bay phấp phới. Ông Danh vẫn chưa có thói quen coi tivi, nhưng thỉnh thoảng ông cũng cười theo khi thấy vợ con và mấy đứa cháu cười ngặt nghẽo khi coi tấu hài. Cuộc sống vẫn còn rất khó khăn, tất cả chỉ mới tạm ổn định cho một quãng đời đã 60 năm lênh đênh nơi xứ người. Nhưng với những gì nhận được từ mùa tết đầu tiên nơi quê nhà, ông Danh biết rằng tương lai con cháu mình sẽ khác…

Không ai có giấy tờ tuỳ thân

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay có khoảng 300 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu Việt kiều trở về từ Campuchia từ năm 2010 đến nay.

Họ sinh sống chủ yếu dọc các con kênh ở những xã biên giới thuộc các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng. Riêng tại địa bàn xã Tuyên Bình, Vĩnh Hưng đang có 33 hộ với 175 nhân khẩu sinh sống tập trung ở ấp Bình Châu và Cả Bản. Tất cả đều không có giấy tờ tuỳ thân, sống chủ yếu làm thuê, cắt lục bình và bán vé số. Tất cả trẻ em đều được theo học chữ tại lớp học tình thương do Đồn biên phòng Tuyên Bình tổ chức hơn 4 năm nay.

SƠN LÂM – TIẾN TRÌNH