Chạnh lòng với cảnh mưu sinh…
“Đôi khi ta bắt gặp đâu đó cảnh mưu sinh dễ làm ta chạnh lòng” – một tác giả đã thổ lộ như thế khi gửi ảnh tham gia hội thi “Dấu ấn thời gian” do Sở GD-ĐT TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phối hợp tổ chức.
Chạnh lòng với cảnh mưu sinh…
“Đôi khi ta bắt gặp đâu đó cảnh mưu sinh dễ làm ta chạnh lòng” – một tác giả đã thổ lộ như thế khi gửi ảnh tham gia hội thi “Dấu ấn thời gian” do Sở GD-ĐT TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phối hợp tổ chức.
Cuộc mưu sinh 45 năm – tác giả: Tất Hùng |
Tác giả Tất Hùng gửi đến hội thi tấm ảnh Cuộc mưu sinh 45 năm cùng lời chú thích: “Cuộc mưu sinh nào cũng vất vả. Đến TP Đà Lạt, xứ sở ngàn hoa, tôi gặp người phụ nữ bán sữa đậu nành. Đêm về bà bắt đầu cho cuộc mưu sinh của mình. Với bà, đêm là ngày bất kể nắng mưa, gió bụi. Cuộc mưu sinh thấm thoát đã 45 năm”.
Còn tác giả Thái Hoàng lại chọn những bác xích lô trên đường phố TP.HCM cho tấm ảnh của mình. Thầy Thái Hoàng kể: “Một buổi chiều đi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, tôi nhìn thấy hình ảnh đẹp của những bác đạp xích lô. Các bác đang chở những vị khách Tây ngắm cảnh phố phường Sài Gòn. Những chiếc xe nối đuôi nhau chạy thành một hàng, thể hiện nét đẹp văn hoá giao thông…”.
Niềm vui bên chuyến hàng đầy – tác giả: Nguyễn Minh Thành |
Trong khi đó, Niềm vui bên chuyến hàng đầy là chủ đề tấm ảnh mà tác giả Nguyễn Minh Thành gửi đến hội thi.
Tác giả kể: “Những người lao động tự do từ Nghệ An vào Q.9, TP.HCM, tụ họp nhau lại để cùng mua bán phế liệu. Mặc dù công việc vất vả và độc hại, song họ không nề hà gì. Ngày ngày họ vẫn dùng xe lôi đi mua phế liệu như bao cát, bao ximăng về phân loại để bán cho các nhà máy tái chế. Mỗi chiều về mà thấy xe hàng đầy là họ quên hết mọi mệt mỏi. Trong ảnh là anh Mạnh (Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An) với nụ cười rất tươi sau một ngày lao động vất vả”.
Cô Thanh tò he – tác giả: Huỳnh Lê Thanh Hải |
Sáng mùng 1 tết năm nay khi du xuân ở đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM), tác giả Huỳnh Lê Thanh Hải đã ghi lại bức ảnh Cô Thanh tò he.
Đó là cái tên mà nhiều người quen gọi cô Nguyễn Thị Thanh, bởi cô nặn và bán tò he ở TP.HCM đã là năm thứ 14. Quê ở Q.Hà Đông (Hà Nội), người phụ nữ 53 tuổi này cùng gia đình vào miền Nam sinh sống và mang theo nghề nặn tò he truyền thống của gia đình.
Thuê nhà ở Q.12, mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau, nhưng cứ mỗi dịp tết cô Thanh lại đến đường hoa Nguyễn Huệ nặn tò he bán cho khách tham quan. Trong dòng người tấp nập thưởng lãm đường hoa Nguyễn Huệ sáng mùng 1 Tết Đinh Dậu, cô Thanh lặng lẽ kê chiếc bàn bày biện hàng trăm chú tò he xinh xắn. “Thượng đế” của cô hầu hết là những khách hàng tí hon được cha mẹ dẫn đến.
Cô Thanh cho biết ban tổ chức đường hoa đã tạo điều kiện để cô được bán tò he tại đây mà không phải đóng phí. Một phần vì biết hoàn cảnh của cô, một phần cho cô cơ hội thể hiện tay nghề làm tò he, duy trì một nét đẹp văn hoá ngày tết. Sản phẩm của cô Thanh được bán đồng giá 20.000 đồng/cái. Mỗi lần giao tò he cho khách, cô đều không quên chúc cả gia đình khách hàng năm mới gặp nhiều may mắn….