Nhiều nơi hỗn loạn sau lệnh cấm nhập cư của Trump
Hỗn loạn, hoang mang và giận dữ – đó là những phản ứng trên thế giới sau lệnh cấm người tị nạn và nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn đến Mỹ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhiều nơi hỗn loạn sau lệnh cấm nhập cư của Trump
Hỗn loạn, hoang mang và giận dữ – đó là những phản ứng trên thế giới sau lệnh cấm người tị nạn và nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn đến Mỹ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hàng trăm người, bao gồm những người Mỹ da trắng, đã xuống đường biểu tình phản đối lệnh cấm của ông Trump bên ngoài sân bay quốc tế San Francisco ở California ngày 28-1. Ảnh: Reuters |
Nỗ lực thực hiện lời hứa trong suốt quá trình vận động tranh cử của ông Trump đã gây nên sự hỗn loạn ngày 28-1, không chỉ đối với những người tị nạn mà còn đối với những người sắp trở công dân Mỹ hợp pháp nhưng có gốc từ những quốc gia Hồi giáo nằm trong “danh sách đen” gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria.
Theo Reuters, rất nhiều trường hợp hành khách trên các chuyến bay tới Mỹ đã bị từ chối nhập cảnh khi hạ cánh xuống Mỹ, không ít bị đưa lên máy bay khác để về nước dù vẫn chưa đặt chân lên đất Mỹ sau khi lệnh cấm có hiệu lực.
Tại Mỹ, các luật sư chuyên về luật di trú và những người phản đối lệnh cấm đã làm việc suốt đêm để giúp đỡ những người bị mắc kẹt về nước. Trong khi đó, giới luật sư ở New York – quê nhà của ông Trump, tuyên bố sẽ kiện lên toà án, yêu cầu đình chỉ sắc lệnh và nhấn mạnh rất nhiều trường hợp đã bị phía Mỹ giam giữ bất hợp pháp, bao gồm cả một người Iraq làm việc cho quân đội Mỹ.
Cảm nhận rõ nhất vào lúc này tại các sân bay quốc tế của Mỹ là sự hỗn loạn và hoang mang. Trong khi các nhân viên của cục di trú và hải quan chật vật giải thích với các trường hợp bị từ chối nhập cảnh về quy định mới, các hành khách, đặc biệt là những người đang giữ thẻ xanh vẫn chưa tin rằng đến một lúc nào đó họ phải đối mặt với nguy cơ bị “đuổi cổ” khỏi đất nước này.
“Tưởng tượng tới chuyện bị đưa trở lại sau một chuyến bay dài tới 12 tiếng đồng hồ đi. Họ sắp trở thành công dân hợp pháp. Họ có công việc và xe cộ ở đây rồi”, Mana Yegani – một luật sư di trú bức xúc với Reuters.
Người giữ thẻ xanh cũng bị ảnh hưởng
Người phát ngôn Bộ An ninh nội địa Mỹ Gillian Christensen tối 28-1 xác nhận lệnh cấm sẽ được áp dụng với cả những trường hợp đang giữ thẻ xanh tại Mỹ – một hình thức cho phép các công dân nước ngoài sinh sống và làm việc thường xuyên tại nước này với tư cách “cư dân hợp pháp”.
Nhưng giờ họ đang tuyệt vọng trước viễn cảnh không có khả năng quay lại Mỹ, hoặc bị tách ra khỏi các thành viên trong gia đình hoặc thậm chí vĩnh viễn bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Mohammad Hossein Ziya, 33 tuổi, một người bất đồng chính kiến ở Iran và đến Mỹ từ năm 2011 vẫn chưa tin đó là sự thật: “Tôi chưa bao giờ nghĩ một cái gì đó như thế này sẽ xuất hiện ở nước Mỹ”.
Một phụ nữ với khăn choàng kiểu Hồi giáo giơ tấm biển phản đối có dòng chữa “Đừng cấm gia đình của tôi” sau khi có thông tin lệnh cấm sẽ áp dụng với cả người giữ thẻ xanh – Ảnh: Reuters |
Sự giận dữ đã lan ra nhiều nước sau lệnh cấm. Các du khách Ả rập tại Trung Đông và Bắc Phi nhấn mạnh sắc lệnh là một sự sỉ nhục và không còn từ gì khác để miêu tả ngoài “phân biệt đối xử”. Nhiều đồng minh của Mỹ tại châu Âu như Pháp và Đức đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm, nhóm người Mỹ gốc Ả rập và các tổ chức nhân quyền cũng vào cuộc.
Tại thủ đô Washington, các cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý vấn đề nhập cư và tị nạn đang vật lộn với việc nên giải thích lệnh cấm mới như thế nào cho hợp lý. Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ tiết lộ, họ thậm chí còn không được tham vấn từ trước và cho tới bây giờ những gì họ biết được cũng chính là những gì đã được công bố trên truyền thông.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ sẽ có một số trường hợp được “đặc cách” nếu việc từ chối nhập cảnh có thể ảnh hưởng tới “lợi ích quốc gia” của nước Mỹ cũng như các trường hợp theo Kitô giáo phải trốn chạy vì bị đàn áp. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận vẫn chưa có giới hạn cho tiêu chí này.
Mọi sự chú ý đang đổ dồn về một người: Donald Trump. Từ Nhà Trắng ngày 28-1, Tổng thống Trump đã lên tiếng trấn an rằng không nên hiểu đây là một lệnh cấm người Hồi giáo và nhấn mạnh “mọi thứ vẫn đang hoạt động rất trơn tru”.
Trong một diễn biến mới nhất, Nhà Trắng trong một tuyên bố được phát đi cuối ngày 28-1 đã lên tiếng trấn an các trường hợp nằm trong danh sách những nước bị cấm nhưng giữ thẻ xanh và đang ở ngoài nước Mỹ. Theo đó, nếu muốn quay trở lại Mỹ, những người này cần đến ngay đại sứ quán hay tổng lãnh sự quan của Mỹ ở nước họ đang ở và làm thêm một số thủ tục kiểm tra an ninh cần thiết trước khi lên máy bay.
Ngày 27-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm tạm thời người tị nạn và các du khách từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria đến Mỹ trong vòng 4 tháng. Ông Trump lý giải sắc lệnh này sẽ bảo vệ nước Mỹ khỏi các nguy cơ khủng bố mới. |