Góp thêm tết cho người bán báo
Chiều 13-1, hàng trăm người bán báo dạo ở TP.HCM đã có buổi gặp gỡ và nhận quà tết sớm từ báo Tuổi Trẻ. Niềm vui, nụ cười bừng sáng trên những khuôn mặt dầm mưa dãi nắng suốt một năm qua…
Góp thêm tết cho người bán báo
Chiều 13-1, hàng trăm người bán báo dạo ở TP.HCM đã có buổi gặp gỡ và nhận quà tết sớm từ báo Tuổi Trẻ. Niềm vui, nụ cười bừng sáng trên những khuôn mặt dầm mưa dãi nắng suốt một năm qua…
Những người bán báo với món quà xuân trên tay tại toà soạn báo Tuổi Trẻ – Ảnh: DUYÊN PHAN |
“Mấy bữa trước, nhận được thư mời của báo Tuổi Trẻ đến nhận quà tết, tui phấn khởi lắm” – bà Nguyễn Thị Đào (63 tuổi, quê Quảng Ngãi) chia sẻ.
Có thêm quà cho ngày về quê
Bà Đào nói ai đi làm cũng mong tết có chút quà. Người đi làm nhà nước hay ở khu công nghiệp đều được thưởng, được cho quà.
Chỉ những người buôn bán dạo, làm tự do như bà là mỗi dịp tết về cứ thắc thỏm, chẳng biết tết này có được một món quà mang về cho con cháu hay không…
Nhận quà xong, cất chiếc bao thư thật kỹ, bà mới mở bịch quà ra xem. Nhìn thấy trong đó có bịch xà bông, nước xả, gói hạt nêm…, bà cười bảo vậy là tết này ngoài chồng báo cũ, hành lý về quê của bà có thêm mấy món này.
Trong số những người bán báo được nhận quà từ báo Tuổi Trẻ và nhãn hàng Unilever lần này, có rất nhiều người quê ở Quảng Ngãi.
Bà Nguyễn Thị Hường (63 tuổi, quê huyện Sơn Tịnh) lý giải tại ở quê cực khổ quá, ai còn sức khỏe thì theo nhau vào Sài Gòn kiếm tiền nuôi con. Ngày ấy, bà dắt theo cô con gái lớn mới 13 tuổi vào đây bán báo.
Nay cháu ngoại bà đã lên 9, bà và con gái vẫn ngày ngày đi khắp khu vực Q.5, Q.11 để bán báo, bán vé số trang trải cuộc sống.
Hôm nay, cả hai mẹ con cùng lên nhận quà, bà ôm gói quà cười nói: “Không phải con nít mới thích quà đâu, già rồi cũng mong tết có quà đấy!”.
Mặc dù không ở quê xa, cuộc sống cũng đã bớt đi nhiều phần khó nhọc, ông Phan Thế Cường (53 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cũng chia sẻ rằng ông rất vui vì được trân trọng, được tặng quà như thế này.
Ông bán báo từ năm 1977, khi Tuổi Trẻ mới chỉ ra được mỗi tuần một số, rồi đến một tuần ba số báo, rồi đến khi thành nhật báo như bây giờ. Bán báo nhiều năm, cả khu vực ngã tư Bảy Hiền bây giờ đều là mối quen của ông.
Gần tết, có người lì xì thêm đôi ba chục ngàn, có người cho vài món đồ nho nhỏ ăn tết, ông vui lắm. “Nghề nào cũng có cái vui riêng. Năm nay, lần đầu tiên nhận được quà Tuổi Trẻ, rất là vui”.
Niềm vui trong buổi lễ trao quà không chỉ là của người bán báo có mặt ở hội trường. “Biết mẹ đi nhận quà, hai đứa nhỏ ở nhà thích lắm, còn đòi đi theo nữa.
Công việc mấy chục năm chẳng ngày nào được ở nhà trọn vẹn với con trừ mấy ngày tết, báo nghỉ mình cũng được nghỉ.
Tui nói thiệt, quà lớn quà nhỏ không quan trọng, mà tui thấy quà tết này động viên tinh thần tụi tui nhiều lắm” – chị Lê Thị Nhung (37 tuổi, bán báo ở H.Hóc Môn) bày tỏ.
Cũng lắm ân tình
Một trong những người được nhận quà chiều 13-1 là ông Tôn Văn Ôn (39 tuổi, quê Quảng Ngãi).
Buổi trưa hôm đó, trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3), căn nhà trọ của “đại gia đình” những người bán báo rôm rả tiếng nói cười. Quây quần quanh mâm cơm tất niên sớm, những người bán báo ôn lại kỷ niệm mười mấy năm rong ruổi đất Sài Gòn.
Đó là những đợt báo đăng tin khủng bố ngày 11-9 tại Mỹ, vụ trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt… “đi một lúc là bán 100-200 tờ”.
Bữa cơm tất niên có món chả ram bắp vị xứ Quảng, thêm thùng nước ngọt và mấy chai bia của chủ nhà trọ càng thêm ấm áp.
“Tui với vợ bán báo 20 năm rồi, hồi báo còn 500 đồng một tờ. Mấy năm trước được báo Tuổi Trẻ cho vé xe về quê ăn tết cũng đỡ lắm” – ông Ôn vui vẻ kể.
15 tuổi vô Sài Gòn bán báo từ lúc “báo còn đắt như tôm tươi”, ông Ôn về quê rủ thêm các anh chị em vào Sài Gòn cùng bán báo.
“Bán báo cũng kiếm đủ tiền nuôi thân, gửi về quê phụ giúp mẹ già. Lấy vợ, hai vợ chồng lại cùng bán báo nuôi con ăn học” – ông kể. Niềm vui lớn nhất của vợ chồng ông Ôn tới giờ là cô con gái học lớp 8 “học giỏi, ngoan ngoãn”.
Ông khoe con gái học giỏi nên 5 năm nay đều nhận được học bổng của báo Tuổi Trẻ dành cho con em người bán báo, gia đình cũng bớt đi một khoản phải lo toan.
Cùng ngồi ăn cơm, em Tô Thị Phước (sinh viên năm cuối ĐH Luật), cháu gái ông Ôn, cũng góp thêm câu chuyện: “Bố mẹ em cũng bán báo như vợ chồng chú Ôn mà nuôi em học tới giờ. Em cũng nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ để đi học”.
Trong mâm cơm ngày cuối năm, câu chuyện của những người bán báo cũng nhuốm âu lo vì “giờ người ta đọc báo mạng nhiều, bán báo không sướng như lúc trước”, người nào cũng phải làm thêm nghề phụ, bán vé số, phụ hồ, chạy xe ôm, bán trứng cút luộc…
Nhưng khi hỏi còn bán báo đến khi nào thì ông Ôn chắc nịch nói: “Nhờ bán báo mà gia đình tui lo toan được cuộc sống. Có nhiều người đọc báo tui giao từ hồi bắt đầu bán tới giờ cũng ân tình dữ lắm. Chừng nào hết người mua tui mới hết bán báo”.
1.000 phần quà sẻ chia 1.000 phần quà tặng cho người bán báo dịp này do nhãn hàng Unilever tài trợ. Mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, gồm 400.000 đồng tiền mặt và quà tặng là các sản phẩm của nhãn hàng này. Thay mặt ban biên tập báo Tuổi Trẻ, ông Trần Xuân Toàn, uỷ viên ban biên tập, gửi lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ những người bán báo – cánh tay nối dài của tờ báo, những người thức khuya dậy sớm, nâng niu từng tờ báo, gửi đến tận tay từng bạn đọc. Ông Xuân Toàn cho biết hằng năm báo Tuổi Trẻ luôn cố gắng có những hoạt động tri ân người bán báo bằng nhiều hình thức. Với những món quà này, báo Tuổi Trẻ mong góp thêm cho gia đình những người bán báo một cái tết tươm tất và đủ đầy hơn. |