Có tuổi thơ nào mà không trông mong áo mới mặc tết
Mơ ước về món quà tết của những em học sinh vùng cao, vùng lũ chỉ giản dị là chiếc áo ấm “2 trong 1”, vừa chống rét vừa… mặc tết.
Có tuổi thơ nào mà không trông mong áo mới mặc tết
Mơ ước về món quà tết của những em học sinh vùng cao, vùng lũ chỉ giản dị là chiếc áo ấm “2 trong 1”, vừa chống rét vừa… mặc tết.
Các em học sinh nghèo ở xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh vui mừng nhận quà tết – Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Với nhiều gia đình ở miền quê nghèo tại Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ, một chiếc áo cho con mặc để đón tết, vừa chống những ngày đông rét đã là một niềm mơ ước.
Sáu tháng vật lộn trong “cơn bão” ô nhiễm môi trường biển, rồi một tháng bơ phờ với ba đợt lũ liên tiếp đã khiến những vùng quê nghèo hai tỉnh này xơ xác. Cũng chưa bao giờ dải đất này đối mặt với một mùa đông mưa dầm lê thê như hai tháng qua.
Rét buốt miền rẻo cao…
Trường tiểu học Thiết Sơn, xã Thạch Hoá, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) nằm cách sông Gianh hơn trăm mét. Đã hai tháng trôi qua kể từ đợt lũ cuối cùng rút đi nhưng những dấu vết của lũ vẫn in đậm trên những cánh cửa và vách tường.
Giờ tan trường, cô hiệu trưởng Lê Thị Hồng Hoan vẫn đứng tần ngần nơi bậc cửa nhìn theo đám học trò xuôi về hướng những ngôi nhà bên dưới ngọn núi đá vôi dựng đứng. “Tết sắp tới rồi mà trời đang trở rét. Nhiều em chỉ mặc mỗi chiếc áo khoác mỏng tang. Mỗi lần gió rít lên là môi như tím lại, thương lắm” – cô Hoan nói.
Vì ở dưới những dãy núi đá vôi nên cái lạnh ở vùng này luôn lạnh hơn những nơi khác. Cái nghèo ở vùng này dường như cũng nghèo hơn những nơi khác mấy bậc.
Theo cô Hoan, toàn trường có 217 học sinh thì có đến 170 em là con hộ nghèo, gần 20 em khác thuộc diện hộ cận nghèo. Dân đã nghèo lại còn nghèo hơn bởi những đợt lũ liên tiếp vừa qua.
Cô Hoan bảo “ám ảnh” nhất là hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Hồng Kiều, học sinh lớp 4A và em Lê Thị Ánh Tuyết, học lớp 2A. Cả hai em đều mồ côi cha. Mẹ bỏ đi, Kiều được ông ngoại cưu mang nhiều năm qua.
Ông ngoại Kiều nay đã già không lao động được, chỉ nuôi Kiều nhờ mấy trăm ngàn đồng trợ cấp người già mỗi tháng. Hai ông cháu ở trong một căn nhà che tạm bằng mấy miếng bạt. Ông chỉ đủ tiền sắm cho Kiều một bộ đồ đi học đầu năm, áo ấm thì xin đồ cũ của bà con.
Đợt lũ vừa rồi, áo ấm của Kiều bị cuốn trôi, may sao có một nhà hảo tâm về trường cho Kiều một chiếc áo khoác. Nhưng tấm áo khoác này cũng không đủ che ấm cho em trước cái rét của vùng núi. Còn em Tuyết mất bố từ sớm, mẹ bị bệnh thần kinh không nuôi được con.
“Ở trường này có ít nhất 30 em có hoàn cảnh đáng thương như thế, giờ nghĩ đến chuyện các em sẽ đón tết như thế nào thì chúng tôi cũng chỉ biết trông chờ vào những tấm lòng nhân ái của mọi người. Nhiều em chỉ được một chiếc áo ấm cũ thôi cũng bị lũ cuốn trôi mất. Quà tết cho các em thiết thực nhất bây giờ có lẽ là những chiếc áo ấm” – cô Hoan nói.
Những chiếc áo ấm “2 trong 1” mặc chống rét và mặc tết
Cũng như những ngôi trường vùng cao Quảng Bình, hôm chúng tôi đến Trường phổ thông trung học cơ sở bán trú Pa Nang (huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị), những cơn gió lạnh buốt thốc qua những phòng học đơn sơ.
Trời giá rét, ở rừng núi càng rét hơn, và ngôi trường chơ vơ trên ngọn đồi càng khiến rét gấp bội. Thầy Nguyễn Huy Hoàng, phó hiệu trưởng, cho chúng tôi hay:
“Pa Nang giáp biên với nước bạn Lào, ở điểm trường chính còn đỡ, các bản Trầm, Cóc, Tà Mên, Bù, Ngược… nằm cách xa trung tâm đến 15 cây số đường rừng. Mùa nắng vận động các em đến trường còn khả dĩ.
Mùa mưa rét, đường lầy lội, nghĩ đến cảnh các em mặc chiếc áo phong phanh lội rừng ngược rét đi học càng thương, chỉ lo các em rét quá lại không đến trường!”.
Có rất nhiều cái khó không thể đếm hết trên đầu ngón tay đối với nhiều trường học vùng dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị, khi mà cuộc sống của gia đình các em chỉ nhờ vào gùi lúa của mẹ cõng trên nương mang về còn chưa đủ ăn, con cá dưới suối bố kiếm về không đủ để mua cho các em chiếc áo mặc.
Em Hồ Văn Bắc, lớp 7B, nhà ở thôn Cóc (cách trường khoảng 15km), nói với chúng tôi thật mộc mạc: “Ở rừng rét lắm, nhiều năm như thế. Trường em nhiều người gia đình nghèo, không có tiền mua áo ấm, mua chăn đắp. Tết này mà cứ rét như thế này chắc chúng em ở nhà đốt lửa sưởi chứ không đi chơi được đâu”.
Em Hồ Thị Khuyên, lớp 7B, ở thôn Trầm, nhà xa trường nên em học bán trú tại trường, đến cuối tuần mới về nhà. Cung đường dài hơn 15 cây số từ nhà đến trường mùa này với em là một thách thức với bùn đất lầy lội và mưa rét buốt tim.
“Nhiều lần em cũng muốn nghỉ học nhưng được các thầy cô động viên nên em lại đến trường. Có áo ấm và áo mưa thì em không sợ mưa, không sợ rét, không sợ đường rừng tới trường” – Khuyên nói.
Em Hồ Văn Bình, lớp 8B, sống ở thôn Ngược (Pa Nang). Khi chúng tôi hỏi em có mong được chiếc áo ấm trong mùa này, Bình nói một câu khiến chúng tôi thấm thía:
“Chừ em mơ mình có được áo tết thì hàng ngàn bạn em ở trên núi rừng biên giới này có áo ấm như em không? Nên chi em ước không có mùa đông, vì mùa đông là chúng em thiếu cả áo ấm lẫn áo mưa. Nếu có áo ấm thì chiếc áo này sẽ vừa chống rét vừa… là đồ mặc tết luôn!”.
Từ Pa Nang, chúng tôi vào Húc Nghi (huyện Đakrông), lên A Túc (huyện Hướng Hoá)…, mơ ước về món quà tết của những em học sinh vùng cao chỉ giản dị là chiếc áo ấm.
Những chiếc áo ấm đến với các em bây giờ sẽ là những chiếc áo “2 trong 1”, vừa chống rét vừa… mặc tết.
Có tuổi thơ nào mà không trông mong, mơ ước một chiếc áo mới trong ngày tết cận kề!
Lo cho trẻ em trước Xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), nơi đã bị trận lũ hôm 1-11 “thần tốc” cuốn đi hầu hết tài sản của bà con, đã hai tháng trôi qua nhưng hậu quả trận lũ để lại vẫn chưa dễ gì khắc phục. Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn nói với chúng tôi: “Huyện cũng hết sức tập trung lo cho bà con đón tết, nhưng nếu được hỗ trợ thêm thì quý hoá quá”. Nói rồi ông Tuấn lấy ra bản danh sách học sinh bảo: “Đây là 70 em học sinh ở Bản Chùa – bản người dân tộc Vân Kiều duy nhất của huyện. Nếu lo tết thì lo cho trẻ em trước, mà lo cho trẻ em thì lo cho trẻ dân tộc thiểu số trước, các anh báo chí có kêu gọi giúp cho các em đón tết được cái gì thì quý cái đó”. |