23/12/2024

‘Rẽ trái’ sang làm nông: Bỏ nghề cơ điện tử về làm cây giống

Tốt nghiệp ngành cơ điện tử Trường ĐH Cần Thơ nhưng anh Hồ Hoài Giữ (29 tuổi, ngụ ấp Tân Hưng, TT.Ngã Sáu, H.Châu Thành, Hậu Giang) chỉ theo nghề 2 năm rồi rẽ sang làm giàu từ cây giống.

 

‘Rẽ trái’ sang làm nông: Bỏ nghề cơ điện tử về làm cây giống

Tốt nghiệp ngành cơ điện tử Trường ĐH Cần Thơ nhưng anh Hồ Hoài Giữ (29 tuổi, ngụ ấp Tân Hưng, TT.Ngã Sáu, H.Châu Thành, Hậu Giang) chỉ theo nghề 2 năm rồi rẽ sang làm giàu từ cây giống.




Anh Hồ Hoài Giữ /// Ảnh: Nguyên Đạt

Anh Hồ Hoài GiữẢNH: NGUYÊN ĐẠT

Thời gian qua, HTX cây giống Cửu Long (ấp Tân Hưng) khá nổi tiếng ở miền Tây bởi cây giống chất lượng, có nhiều giống mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để HTX thành công như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, tính toán và quyết tâm của Giám đốc Hồ Hoài Giữ.
Anh Giữ kể: Năm 2010, sau khi tốt nghiệp ngành cơ điện tử, đi làm cho một công ty điện chiếu sáng tại Cần Thơ, mới ra trường lương thấp, lúc này để bảo đảm cuộc sống, anh tranh thủ thời gian về quê mua vườn cam lá của bà con (một hình thức mua quyền khai thác có thời hạn) để xử lý ra trái bán lại kiếm thêm thu nhập. “Những lần về quê, tôi thấy người dân trên địa bàn huyện đang tích cực chuyển đổi cây trồng, nhất là chuyển sang trồng cây có múi nên nhu cầu giống rất lớn. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi thấy đây là cơ hội tốt để chọn hướng lập nghiệp cho bản thân, nên quyết định nghỉ việc về quê làm cây giống”, anh Giữ nói.
Khi về quê, anh gom góp tiền dành dụm qua Bến Tre mua cây giống về bán lại. Do không có đất mặt tiền, anh thuê một công đất ngay chợ Ngã Sáu để làm nơi giao dịch, đồng thời nghiên cứu tự sản xuất cây giống. “Lúc này gian nan lắm vì tôi chưa rành kỹ thuật lại không am hiểu thị trường nên rất vất vả để làm ra được sản phẩm và tìm nguồn tiêu thụ”, anh Giữ tâm sự. Để nâng cao trình độ sản xuất cây giống, nhiều lần anh khăn gói qua Bến Tre, tìm đến những chủ vườn cây có uy tín để học kinh nghiệm, rồi tham gia các lớp tập huấn do ngành chức năng huyện tổ chức. Đặc biệt, anh kết nối với các nhà khoa học tại Trường ĐH Cần Thơ, ngoài việc học kỹ thuật sản xuất cây giống còn có thêm kinh nghiệm xử lý bệnh cây để khi bán tư vấn cho khách hàng. Quen dần, anh Giữ tập hợp 9 hộ làm cây giống tại địa phương thành tổ hợp tác để cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất và bảo đảm chủ động nguồn giống cung cấp cho khách hàng.
Tháng 7.2015, anh Giữ thành lập HTX cây giống Cửu Long, do anh làm giám đốc với 20 xã viên. Đến nay, HTX phát triển lên 78 xã viên, diện tích sản xuất giống khoảng 5 ha, cung cấp hơn 20 loại giống cây ăn trái cho khách hàng các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, Khánh Hoà, Phú Yên… Ngoài ra, HTX còn làm thêm dịch vụ vận chuyển, bán phân bón nên các hộ xã viên có thu nhập bình quân mỗi năm gần 100 triệu đồng. Riêng anh, ngoài làm cây giống, diện tích đất vườn của gia đình rộng khoảng 2 ha được anh trồng xoài, cam, sầu riêng… nên mỗi năm có tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Theo anh Giữ, hiện nay làm nông nghiệp không chỉ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mà phải linh hoạt với thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm. Do việc ổn định thị trường có tính sống còn nên anh thường xuyên liên hệ khắp nơi để tìm khách hàng cho HTX, còn các thành viên HTX thì tương trợ giúp đỡ. Cũng chính nhờ mở rộng quan hệ mà anh đã kết nối được với một HTX xuất khẩu xoài ở Đồng Tháp, giúp nâng cao giá trị của trái xoài cát chu cho xã viên và người dân địa phương. Đầu năm 2016, HTX cây giống Cửu Long đã xuất được 20 tấn xoài cát chu với giá cao gấp đôi so với thị trường và dự định xuất 50 tấn vào năm 2017.
“Khoảng 70% nông dân ở huyện đang trồng xoài Đài Loan nhưng tôi thấy hiệu quả không cao vì phụ thuộc vào thương lái. Do đó, tôi đang hợp tác với bạn trồng khoảng 1.000 cây xoài Úc để xuất khẩu, đồng thời tạo động lực cho bà con chuyển sang trồng loại xoài này. Ngoài ra, năm nay, tôi sẽ hợp tác với ngành nông nghiệp huyện cung ứng 30.000 cây giống xoài keo (có nguồn gốc từ Campuchia), sau đó ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm chuyển sang trồng giống xoài mới này. Tôi nghĩ trồng các loại xoài xuất khẩu được, an toàn, sẽ tạo nên thương hiệu và tăng thu nhập cho người dân”, anh Giữ nói.

 

Nguyên Đạt