24/12/2024

Viễn cảnh chạy đua hạt nhân Mỹ – Nga

Thế giới chuẩn bị bước vào năm 2017 với dấu hiệu về một cuộc chạy đua hạt nhân mới giữa Mỹ và Nga, sau những phát biểu mới của lãnh đạo 2 nước.

 

Viễn cảnh chạy đua hạt nhân Mỹ – Nga

Thế giới chuẩn bị bước vào năm 2017 với dấu hiệu về một cuộc chạy đua hạt nhân mới giữa Mỹ và Nga, sau những phát biểu mới của lãnh đạo 2 nước.



Một vụ thử tên lửa hạt nhân Minuteman III của Mỹ /// War Is Boring

 

Một vụ thử tên lửa hạt nhân Minuteman III của MỹWAR IS BORING

Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.12 (giờ Mỹ) bất ngờ tuyên bố Mỹ cần “tăng cường khả năng hạt nhân”. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow đã và đang nỗ lực củng cố lực lượng hạt nhân để ứng phó các mối đe dọa. Những phát biểu này khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua mới giữa 2 siêu cường.
Kế hoạch 1.000 tỉ USD
“Nước Mỹ cần tăng cường đáng kể năng lực hạt nhân cho đến khi thế giới có suy nghĩ hợp lý hơn về hạt nhân”, Tổng thống đắc cử Trump viết trên Twitter và không bình luận gì thêm. Tuy nhiên tờ The Washington Post dẫn lời các nhà phân tích nhận định phát biểu mới của ông Trump phù hợp với quan điểm đã thể hiện trước đó.
Hồi tháng 10, ông Trump đã chỉ trích chính quyền sắp mãn nhiệm để Mỹ “tụt lại đằng sau Nga về chương trình hạt nhân”. “Chúng ta đã già, chúng ta đã mỏi mệt, chúng ta đã kiệt sức về khía cạnh hạt nhân. Một điều rất tồi tệ”, ông tuyên bố. Đến tối 23.12, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Đài MSNBC về dòng tweet nói trên, Tổng thống đắc cử nói: “Hãy chạy đua vũ trang nào!”.
 
 
Nga thử nghiệm 162 vũ khí hiện đại ở Syria
Đài RT đưa tin trong cuộc họp với Tổng thống Putin hôm 22.12 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết nước này đã thử nghiệm 162 vũ khí mới trong chiến dịch quân sự “chống khủng bố” ở Syria. Trong đó bao gồm chiến đấu cơ Su-30SM và Su-34, máy bay trực thăng Mi-28N và Ka-52, cũng như tên lửa hành trình Kalibr cùng các vũ khí khác. Theo ông Shoigu, 10 trong số 162 vũ khí được thử nghiệm đã bộc lộ những khuyết điểm vốn không được phát hiện ở các bãi thử. Bộ Quốc phòng Nga hiện đã ngừng mua các vũ khí này để yêu cầu nhà sản xuất khắc phục.

 

Cùng ngày, hãng thông tấn Nga Sputnik chỉ ra rằng kho vũ khí hạt nhân Mỹ trên thực tế không hề bị “để cho bám bụi”. Theo Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nước này hiện có khoảng 7.000 vũ khí hạt nhân, bao gồm khoảng 1.750 đầu đạn chiến lược được triển khai trong các hầm chứa, máy bay và tàu ngầm. Dù giảm về số lượng so với mức hơn 30.000 vũ khí vào thời điểm cao trào của Chiến tranh lạnh nhưng kho vũ khí hạt nhân Mỹ lại được cấp tập hiện đại hoá theo hướng tăng cường độ chính xác và sức huỷ diệt cũng như những phương thức khai hoả mới.

Dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, Mỹ ra sức tinh chỉnh kho vũ khí hạt nhân theo hướng thu nhỏ quy mô nhưng đẩy mạnh chất lượng, nâng cấp đầu đạn hạt nhân, xây dựng các hệ thống tiếp đạn chiến lược mới và tài trợ những cơ sở sản xuất mới. Lầu Năm Góc còn đang theo đuổi chương trình nâng cấp có chi phí lên đến 1.000 tỉ USD trong 30 năm tới nhằm hiện đại hóa bộ ba hạt nhân gồm tên lửa liên lục địa (ICBM), tàu ngầm và máy bay ném bom tàng hình. Chưa hết, theo Sputnik, Mỹ đã phát triển những loại vũ khí hạt nhân chiến thuật chính xác với bán kính nổ có thể tăng hay giảm theo yêu cầu của chiến dịch.
Điều này khiến các chuyên gia rất lo ngại. Lâu nay, vũ khí hạt nhân chủ yếu mang tính răn đe và phòng ngừa lẫn nhau vì các bên đều hiểu sức mạnh của chúng sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và cuối cùng dẫn đến kết cục tất cả đều thua. Nay nếu tầm huỷ diệt của vũ khí hạt nhân có thể được khống chế thì người ta dễ có xu hướng sử dụng loại vũ khí này hơn.
 
Nga không kém cạnh
Trong buổi họp báo cuối năm được trực tiếp trên truyền hình ngày 23.12, khi được hỏi về những phát biểu của ông Trump, Tổng thống Nga Putin nhận định điều này “không có gì mới”, đồng thời bày tỏ mong muốn có mối quan hệ mang tính xây dựng với chủ nhân mới của Nhà Trắng.
Tuy nhiên ông Putin cáo buộc các đời chính quyền trước của Mỹ “khởi động cuộc đua vũ trang mới” khi rút khỏi Hiệp định Về phòng thủ tên lửa năm 2001. Tổng thống Nga cũng cho biết chi tiêu quốc phòng năm 2017 sẽ ở mức 4,3% GDP, giảm so với mức 4,7% năm 2016, và Moscow sẽ “không phung phí tiền bạc vào chạy đua vũ trang”. Nhưng ông Putin khẳng định Nga mạnh hơn bất kỳ kẻ thù tiềm tàng nào và đã nỗ lực rất nhiều để hiện đại hoá lực lượng tên lửa hạt nhân “phù hợp với tất cả các thỏa thuận quốc tế”.
Theo chủ nhân Điện Kremlin, củng cố năng lực hạt nhân phải là mục tiêu chính trong chương trình quốc phòng 2017, nhất là phải phát triển những loại tên lửa có thể chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ.
Theo Quỹ Ploughshares, một tổ chức chống sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân ở Mỹ, Nga hiện sở hữu khoảng 7.300 vũ khí hạt nhân. Trong đó, Lực lượng tên lửa chiến lược (SMF) đang vận hành khoảng 400 ICBM với các đầu đạn hạt nhân có sức công phá khác nhau. Dự kiến trong năm 2017, SMF sẽ thực hiện 10 cuộc phóng thử ICBM và sẽ đưa vào biên chế hệ thống tên lửa chiến lược Sarmat trong giai đoạn 2019 – 2020 để thay thế tên lửa Voyevoda vốn được đưa vào sử dụng từ năm 1988. Ngoài ra, kho tên lửa chiến lược của Nga còn bao gồm Yars, ICBM được cho là có khả năng tránh được tên lửa đánh chặn trong không gian và sẽ thay thế tên lửa đời cũ Topol.

 

Trùng Quang