Trận lũ bất thường vừa qua không chỉ khiến người nông dân miền Trung điêu đứng mà còn gây lo ngại thị trường rau màu sẽ trở nên khan hiếm vào dịp tết.
Nông dân khóc trên ruộng rau sau lũ
Trận lũ bất thường vừa qua không chỉ khiến người nông dân miền Trung điêu đứng mà còn gây lo ngại thị trường rau màu sẽ trở nên khan hiếm vào dịp tết.
Nước lũ bắt đầu rút từ ngày 18.12 cũng là lúc trên những cánh đồng dọc sông Vu Gia qua H.Đại Lộc (Quảng Nam) xuất hiện bóng dáng người nông dân đi nhặt nhạnh từng cọng rau, từng quả đu đủ… bị vùi trong lũ.
Lũ dâng cao khiến hầu hết các vựa hoa lớn của tỉnh Thừa Thiên-Huế đều ngập úng, gây thiệt hại tiền tỉ.
Khắp ruộng đồng, rau màu bị phủ bởi một lớp bùn non nhão nhoét. Nhiều loại cây ăn quả bắt đầu héo dần sau nhiều ngày ngâm mình trong nước. Nhiều nông dân cho biết, chưa khi nào họ phải gánh chịu trận lũ bất thường mà lại lớn như đợt lũ vừa qua. “Mọi năm, muộn lắm là đến ngày 23.10 âm lịch sẽ xuất hiện trận lũ cuối cùng. Thế mà năm nay có ai ngờ lũ dồn dập đến tận tháng 11 âm lịch”, ông Lê Duy Minh (trú tại vựa rau Bàu Tròn nổi tiếng của xã Đại An, H.Đại Lộc) nói.
Trắng tay sau lũ
Ông Minh cho biết, sau trận lũ đầu tháng qua đi, ông cùng nhiều người trong làng đã xuống giống chuẩn bị hoa màu cung cấp cho thị trường. “Bỏ tiền đầu tư 6 sào rau xong thì trận lũ đầu tháng cuốn sạch. Nghĩ vậy là hết lũ, tôi mượn tiền trồng lại 4 sào đậu phụng ven sông thì lũ lại tràn về. Cứ thế này thì nhà tôi chết đói mất”, ông Minh rưng rưng.
Theo ông Đỗ Văn Hoà, Chủ tịch UBND xã Đại An, trận lũ vừa qua vùng chuyên canh rau sạch Bàu Tròn bị thiệt hại khoảng 164 ha, đồng nghĩa với 300 hộ tham gia sản xuất trắng tay. Tại Đại Lộc, không riêng gì vựa rau Đại An bị mất trắng mà vùng chuyên canh rau màu các xã: Đại Nghĩa, Đại Hồng, Đại Lãnh… ven sông Vu Gia, Thu Bồn cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, xã Đại Hồng bị thiệt hại hơn 200 ha gồm cây trồng, rau màu, trong đó chủ yếu là đậu phụng canh tác ven sông. Theo thống kê, toàn H.Đại Lộc có hơn 2.600 ha rau màu bị hư hại do lũ. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Đại Lộc, ngao ngán: “Thiệt hại quá lớn. Bây giờ đất đai bồi lấp, sạt lở không thể sản xuất được. Riêng ngành nông nghiệp đã bị thiệt hại khoảng 60 tỉ đồng”.
Tại Quảng Nam, nhiều diện tích canh tác rau màu các địa phương thuộc vùng hạ du như: Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên… cũng bị thiệt hại nặng nề. Bà Huỳnh Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Duy Phước (H.Duy Xuyên), cho biết tại địa phương có đến 600 – 700 hộ dân phụ thuộc vào nghề trồng rau màu trên tổng diện tích 60 ha. “Tất cả diện tích đều đã mất trắng do nước lũ ngập quá lâu. Các loại rau như: mồng tơi, rau lang, khổ qua… chết hết. Trong đó, có nhiều loại rau màu như bầu, bí… chỉ còn 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch cũng bị thối gốc”, bà Hường chua xót.
Tại TP.Đà Nẵng, diện tích rau màu vốn đã ít ỏi, chủ yếu tập trung tại H.Hoà Vang cũng bị hư hại phần lớn. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện này, đợt lũ đã gây ngập vùng rau chuyên canh 6,5 ha tại Tuý Loan, vùng ớt Bồ Bản ngập 2,5 ha. Vùng rau Phú Sơn Nam bị hư hỏng hoàn toàn 5 ha, hỏng 8.000 phôi nấm rơm. Vùng hoa Dương Sơn bị hỏng 20.000 chậu cúc, 900 cây hướng dương, 700 cây ly ly, 2.000 cây đồng tiền… Ước thiệt hại hàng tỉ đồng.
Trong tết khan hàng rau củ…
Những ngày này, giá rau tại TP.Đà Nẵng đã tăng lên gấp rưỡi đến gấp đôi so với bình thường. Theo khảo sát của PV, một bó rau tần ô tại chợ Hàn tăng gấp đôi, lên 20.000 đồng; mồng tơi, ớt, khổ qua… cũng tăng tương tự. Nhiều tiểu thương cho biết, do chủ yếu nhập hàng từ vùng rau Hoà Vang và Quảng Nam nên sau lũ không có hàng để bán khiến giá cả tăng vọt. Nhiều người lo ngại, các tỉnh miền Trung đều bị ảnh hưởng lũ lụt nên từ nay đến tết, giá rau sẽ còn tăng cao do nông dân không thể sản xuất được.
Trong khi đó, những người sống bằng nghề trồng rau cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi tết đã cận kề. Bà Ngô Thị Sâm (52 tuổi, trú thôn Phú Xuân 3, xã Hoà Khương, H.Hoà Vang) cho biết cách đây 1 tháng, gia đình bà đã bỏ ra 30 triệu đồng để trồng rau màu trên 7 sào đất. “Định đến tết bán số rau này để sắm sửa cho cả nhà. Thế mà lũ về, cả ruộng rau dầm trong nước mấy ngày liền. Mất hết rồi…”, bà Sâm nghẹn ngào. Cùng cảnh ngộ, ông Huỳnh Văn Bông (45 tuổi, thôn Bàu Tròn, xã Đại An, H.Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết sau đợt lũ đầu tháng 12, nhà ông đầu tư gần 30 triệu đồng trồng đu đủ, ớt, dưa leo… nhưng lũ về cuốn mất sạch.
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, rau màu cho dịp tết hoàn toàn không thể trồng kịp vì thời gian còn lại quá ngắn, nên dự báo nguồn rau cho thị trường tết sẽ khan hiếm. “Huyện đã khuyến cáo người dân chủ động lựa chọn giống cây hợp lý khi đất đã bị thay đổi do bồi lấp. Huyện cũng sẽ hỗ trợ kinh phí và cây giống cho nông dân, chứ không đưa giống về vì lo ngại sẽ không phù hợp”, ông Mẫn nói. Còn ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết ngoài việc UBND tỉnh đang làm đề nghị T.Ư hỗ trợ giống thì phía Sở đang bàn bạc kiến nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương hỗ trợ nông dân bằng tiền mặt để mua giống. “Đây là cách tốt nhất, để nhà nào đã có giống thì họ mua phân chăm bón”, ông Muộn nói.
Theo ông Muộn, các thủ tục tiến hành hỗ trợ nông dân bị thiệt hại sau lũ thường chậm trễ và mức hỗ trợ thấp, do vậy Sở sẽ trình UBND tỉnh hỗ trợ cao hơn mức quy định để giúp người nông dân sớm ổn định sản xuất. “Riêng vụ rau màu bán tết thì đã trễ mất rồi. Đây là điều rất đáng lo. Chúng tôi lo lắng trong tết không có rau để bán nhưng ra tết thì rau lại nhiều, giá rẻ, sẽ gây thiệt hại rất lớn”, ông Muộn nói thêm.
Đà Nẵng sẽ hỗ trợ giống cây cho người dân
UBND H.Hòa Vang cho biết để sản xuất kịp thời vụ, huyện đã đề nghị UBND TP.Đà Nẵng bổ sung kinh phí mua giống lúa HT1, rau hỗ trợ cho nhân dân. Huyện cũng đề nghị TP hỗ trợ kinh phí để khắc phục đồng ruộng, kênh mương, đập bị bồi lấp, sạt lở do lũ lụt nhằm đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông xuân 2016 – 2017. Trước đó, khi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão vào chiều 15.12, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh khẳng định TP sẽ hỗ trợ giống cho người dân gieo sạ.