25/12/2024

Bắt đầu lại cuộc sống từ con số không

Những ngày này nước sông Cạn đã rút, nhưng phía sau bờ đê (đã vỡ trong trận mưa lớn đêm 15-12) sát thôn Lương Thái, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ (Bình Định) là cảnh tượng hoang tàn như vừa qua một trận bom.

 

Bắt đầu lại cuộc sống từ con số không

Những ngày này nước sông Cạn đã rút, nhưng phía sau bờ đê (đã vỡ trong trận mưa lớn đêm 15-12) sát thôn Lương Thái, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ (Bình Định) là cảnh tượng hoang tàn như vừa qua một trận bom.

 

 

 

Bắt đầu lại cuộc sống từ con số không
Bà con hàng xóm mang dầu ăn, gạo… tới giúp đỡ các gia đình bị lũ cuốn mất nhà tại thôn Lương Thái, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ (Bình Định) – Ảnh: T.B.D.

“Chúng tôi không còn gì nữa cả. Giấy tờ cũng không có, cơm gạo, xoong nồi cũng không. Giờ chỉ còn cái mạng sống và bộ quần áo dính trên người” – ông Dương Thành Điền, một trong ba hộ dân ở thôn Lương Thái bị nước sông Cạn cuốn trôi nhà cửa trong trận lũ đêm 15-12, nghẹn ngào nói.

Bốn ngày sau cơn lũ dữ, những túp lều dành cho người mất hẳn nhà cửa sau trận lũ kinh hoàng đêm 15-12 đã được chính quyền, người dân góp cọc tre dựng lên trên triền đê. Trong những túp lều ấy, số đồ dùng mỗi ngày lại nhiều thêm nhờ bà con chòm xóm mang qua cho, giúp các hộ gia đình vượt qua thời khắc khó khăn này.

Bà Trần Thị Loan, người dân bị lũ cuốn mất nhà cửa, kể mấy ngày nay vợ chồng bà không thể ngủ được vì không biết rồi đây cuộc sống những ngày sắp tới sẽ bắt đầu từ đâu. Đêm vỡ đê, ở nhà chỉ có vợ chồng bà, còn bốn đứa con đã lớn và đi làm tại TP.HCM.

Sau khi lũ quét qua, tất cả không còn gì. Thương bà, ngay sáng hôm sau rất đông bà con, người dân ở gần đó đã mang chăn ấm, mùng màn, mì gói và gạo muối tới để vợ chồng bà cầm cự. Trong ngày, khi đoàn cứu trợ của huyện đến thì bà được cho một tấm bạt để dựng lều, bắt đầu lại mọi thứ.

 

Sáng 20-12, tại túp lều dựng trên thân đê của vợ chồng bà Loan và mấy hộ dân khác, từng nhóm người làng tới, trên tay mang theo con gà, có người mang bộ quần áo cũ, người đem bao gạo tới ngồi bệt xuống đất nắm tay từng người an ủi.

“Có bộ quần áo con bé lớn nhà tao mới mặc được vài lần rồi bỏ, tao cho mày để mặc cho ấm. Rầu (rồi) vài bữa có thêm gì tao cho nấy nghe mày” – một người phụ nữ cầm bọc quần áo dúi vào tay bà Loan nói. Bà Loan nhận mà nước mắt rưng rưng: “Giờ ai cho chi nhận nấy chứ khổ quá, biết làm chi hơn nữa”.

Ở cạnh túp lều của bà Loan, nhiều người dân cũng mang xô nhựa, chậu rửa mặt, ghế ngồi, ấm đun nước… tặng các hộ bị mất nhà cửa.

Vợ chồng bà Loan kể buổi sáng sau đêm đê vỡ, nhiều người làng ở phía dưới nhặt được đồ đạc, chăn gối, bếp gas, xoong nồi nằm vương vãi trong vườn. Biết đó là đồ của các hộ bị trôi nên từng người một mang lên hỏi các gia đình để trả lại. “

Hôm xã vào cứu trợ, họ nói qua nhận hàng, chụp ảnh mà tui không có dép đi vì dép cũng trôi mất. Có cậu thanh niên chạy về nhà rồi đưa cho tui đôi dép này để đi từ bữa giờ. Không có bà con chắc tụi tui chết rầu (rồi) chứ không sống được như mấy hôm nay” – bà Loan sụt sùi.

Cấp đất, hỗ trợ tiền cho dân làm nhà

Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho biết huyện có ít nhất 15 hộ dân mất hết nhà cửa trong đợt vỡ đê sông Cạn những ngày mưa lũ vừa qua. Hiện huyện đã xin ý kiến lãnh đạo tỉnh về việc bố trí đất khẩn cấp mà không cần thông qua thủ tục cho các hộ dân bị trôi nhà cửa và hỗ trợ mỗi hộ gia đình thêm 100 triệu đồng để chính quyền địa phương bằng mọi giá giúp bà con có nhà, ổn định cuộc sống trước Tết Nguyên đán.

“Đề xuất này của chúng tôi đã được cấp trên đồng ý. Sau khi dân có chỗ ở ổn định, chúng tôi sẽ cử cán bộ đi làm lại giấy tờ tùy thân, giúp dân tái thiết, gầy dựng lại cuộc sống, vượt qua khó khăn sau lũ” – ông Dũng nói.

THÁI BÁ DŨNG