25/12/2024

Bác sĩ Pháp dạy… dạo chơi dưới đáy Hoàng Sa

Ở thôn Gành Cả, xã Bình Châu, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trai tráng vùng đất này sinh ra là để lặn biển. Hàng trăm năm nay, họ dọc ngang tung hoành như dạo chơi dưới đáy biển Hoàng Sa. Nhưng có một ngày, những “rái cá” lại đi… học lặn.

 

Bác sĩ Pháp dạy… dạo chơi dưới đáy Hoàng Sa

 Ở thôn Gành Cả, xã Bình Châu, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trai tráng vùng đất này sinh ra là để lặn biển. Hàng trăm năm nay, họ dọc ngang tung hoành như dạo chơi dưới đáy biển Hoàng Sa. Nhưng có một ngày, những “rái cá” lại đi… học lặn.

 

 

 

Bác sĩ Pháp dạy... dạo chơi dưới đáy Hoàng Sa
Các bác sĩ giúp thanh niên thôn Gành Cả cách lặn an toàn và xử lý sơ cấp cứu

“Thầy” của họ là những ông Tây – các điều phối viên dự án Trợ giúp ngư dân lặn biển Việt Nam, được Hội Pháp ngữ tương trợ và phát triển khoa học đời sống (AFEPS) cử đến.

Đó là những bác sĩ chuyên ngành y học dưới nước và áp suất cao đến từ Pháp. Việc của các bác sĩ là dạy những “rái cá” Hoàng Sa cách lặn an toàn và xử lý sơ cấp cứu khi gặp sự cố lúc lặn như chảy máu, bỏng, ngạt khí, ngộ độc khí…

Bài học vỡ lòng 
cho “rái cá”

Ở xóm Gành Cả, trai tráng chỉ làm nghề duy nhất: lặn biển. Đáy đại dương đã cho người dân cơm no áo ấm. Nhưng biển đâu chỉ hiền hòa, nghề lặn cũng mang đến bao tai ương.

 

Lâu lâu, người dân xóm Gành Cả lại phải đón nhận thông tin ngư dân gặp tai nạn trong lúc lặn, đang cấp tốc trở về đất liền trong cơn thập tử nhất sinh. Và ở xóm Gành Cả, không ít trai tráng suốt cuộc đời về sau sống đời tàn phế.

Bác sĩ Jean Ruffez đã tham gia những khóa đào tạo thợ lặn ở Bình Châu, Lý Sơn từ năm 2008. Ông cho biết AFEPS đã nghiên cứu những vấn đề xảy ra với ngư dân Bình Châu, Lý Sơn khi lặn ở Hoàng Sa từ năm 1998 do Viện Pasteur Nha Trang đề xuất và đã tập huấn cho các bác sĩ chuyên ngành ở Việt Nam, để cấp cứu cho thợ lặn khi xảy ra các tình huống tai nạn trong lúc lặn biển.

Lần trở lại xứ sở thợ lặn này, các chuyên gia AFEPS đưa ra nhiều nguyên nhân của tai nạn lặn biển khiến những “rái cá” gật gù.

Ví như việc dùng máy nén khí áp lực đặt trên tàu cá, chạy máy nổ nén khí nhưng không khí này không được sạch tuyệt đối. Hay thợ chỉ lặn trần chứ không được trang bị quần áo đồng bộ chuyên dụng và chân nhái. Hoặc khi lặn chỉ mang theo 10-15kg chì hoặc sắt nhưng không dừng lại ở tầng áp suất nào… Do đó tai nạn có thể xảy ra.

Với phương pháp lặn như trên, ở mức nước càng sâu, thời gian kéo dài và thực hiện nhiều đợt lặn trong ngày, tỉ lệ tai nạn do lặn là rất cao.

“Ngư dân không nên lặn ở độ sâu quá 70m, khi xuống đáy biển và trồi lên mặt nước cách 10m phải dừng lại ít nhất 15 phút để quen với áp suất nước. Không nên lặn quá hai lần/ngày…” – chuyên gia Carmes Christian khuyến cáo.

Đồng thời một bản phác đồ lặn cũng được các chuyên gia gửi đến ngư dân. Tùy vào mỗi độ sâu khác nhau mà có những giải pháp đảm bảo an toàn. Phác đồ ấy như bí kíp cho thợ lặn.

Những điều đó không phải ngư dân không biết. Như ông Bùi Văn Tẩn, 53 tuổi, có 30 năm “đi bộ dưới biển” thì còn lạ gì, nhưng để đúc kết thành nguyên lý thì ông chưa làm được. Cho nên ông nói đây là “bài học vỡ lòng”.

Ông Tẩn có hai tàu lặn biển ở Hoàng Sa hơn 20 năm nay. “Tôi cứ nghĩ lặn đơn giản chỉ là quen với áp lực của nước. Ai dè phải tuân thủ nhiều phương pháp đến vậy. Chuyến này về phải truyền đạt lại cho anh em ngư dân” – ông Tẩn nói.

Bảng thống kê của chính quyền huyện Lý Sơn từ năm 2005-2014 cho thấy có 66 người bị tai biến trong lúc lặn biển. Con số này khiến các chuyên gia AFEPS giật mình.

Họ càng hãi hùng hơn khi biết rằng thông thường người lặn bị tai nạn phải được đưa đi cấp cứu, điều trị sớm trong vòng hai giờ đầu (tối đa là sáu giờ) để giải bọt khí gây tắc mạch máu ở khắp cơ thể thoát ra ngoài, còn ở đây việc đưa thợ lặn gặp nạn được cấp cứu theo quy tắc như trên là rất khó. Do vậy, đoàn bác sĩ quan tâm nhất đến việc hướng dẫn cấp cứu ngay trên biển.

Những bài học giảm áp được hướng dẫn cho ngư dân và ngốn thời gian nhiều nhất. Phương án tối ưu được đưa ra là khi phát hiện người bị tai biến lặn phải nhanh chóng đưa nạn nhân xuống độ sâu 9m, thực hiện quy trình tái nén dưới nước và cho thở oxy.

Tiếp đó phải sử dụng sợi dây thừng quàng qua vai và cử hai người hỗ trợ kéo lên tàu, lưng phải tựa vào trong thành tàu theo chiều thẳng đứng.

Bác sĩ Jean Ruffez cho biết: “Nếu thực hiện đúng quy trình này có thể cứu được người bị tai biến lặn và khỏe lại hoàn toàn. Trong trường hợp xấu nhất cũng có thể giảm tối đa biến chứng và phục vụ đắc lực cho quá trình điều trị khi nạn nhân được chuyển vào trung tâm oxy cao áp”.

Ngư dân Nguyễn Tấn Ngọc hài lòng cho biết: “Bỏ phiên đi biển này để đi học lặn đáng đồng tiền bát gạo. Với những phương án cấp cứu được hướng dẫn, chúng tôi sẽ không hoảng loạn mà có phương án xử lý tốt nhất khi gặp phải tai nạn”.

Bác sĩ Pháp dạy... dạo chơi dưới đáy Hoàng Sa
Nhiều hướng dẫn cụ thể, thiết thực cho thanh niên Lý Sơn

Chuyện buồn 
từ đáy đại dương

Xóm Gành Cả no cơm ấm áo từ biển nhưng cũng gánh nhiều tai ương từ biển. Ngư dân nổi tiếng bậc nhất ở xóm Gành Cả là ông Nguyễn Thanh Nam (53 tuổi). Đã 20 năm nay ông không trở lại Hoàng Sa.

Ngồi bên đài Icom trong những ngày dông gió, ông Nam kể lại câu chuyện của đời mình. Năm đó ông Nam 33 tuổi, chỉ huy một con tàu máy hai (33CV) thẳng tiến Hoàng Sa. 1g chiều của mùa hè năm 1996, ông Nam đang lặn ở độ sâu 40m thì nghe những thay đổi của cơ thể với phần cơ co rút lại. Biết có chuyện chẳng lành, ông Nam vội ngoi lên mặt nước…

Nhưng cơ thể của ông không nghe ông nữa. Rệu rã, bất lực, ông như chảy ra trong biển, không thể níu được thành tàu. Lần đó, phiên đi biển phải ngưng ngang. Mọi người cấp tốc đưa vị thuyền trưởng trở về đất liền. “Đó là lần cuối cùng tôi ở Hoàng Sa” – ông Nam nhìn về phía biển.

Lý giải nguyên nhân, ông Nam bảo rằng thời đó lặn bộ (không có bảo hộ, chân vịt), cũng không có học tập lặn an toàn. Cứ lặn xuống mò mẫm dưới đáy biển bắt hải sâm, đầy giỏ lại thẳng một mạch lên mặt nước, không ngừng lại điều áp ở các mực nước.

Ở tuổi 33, ông mất khả năng lao động, bốn người con mất luôn cơ hội đến trường. Đó có lẽ là điều đau nhất với ông Nam.

“Tụi nó học giỏi lắm, vậy mà phải nghỉ học đi làm thợ lặn hết bởi lúc đó tôi phải chữa bệnh ở Quảng Ngãi ba tháng. Rồi bốn tháng ở Trung tâm oxy tận Sài Gòn. Thời đó mà tốn hơn 150 triệu đồng thì sạch nhà, đến con tàu là kế sinh nhai cũng phải bán mà bệnh không khỏi. Hai chân và phần thân dưới co quắp từ đó” – ông Nam buồn buồn.

Nỗi nhớ Hoàng Sa đã đưa ông gắn bó với nghề trực Icom, nghe ngóng thông tin từ biển khơi cho ngư dân và làm thủ tục cho tàu cá ra khơi. Lấy cuốn sổ theo dõi cũ, ông lần giở lại danh sách. Tám năm qua, xóm Gành Cả có gần chục người bị tai nạn lặn biển và tất cả đều phải bước đi sấp ngửa, tay chân co quắp.

Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hải (26 tuổi) cũng là một người như vậy. Ông Nam vẫn nhớ như in vào tháng 9-2008, ông nhận tin Hải bị tai nạn sau cú lặn 40m ở Hoàng Sa. Y hệt ngày ông chia tay Hoàng Sa, đôi chân Hải cũng bại liệt.

Nhớ lại ngày đó, Hải bảo lặn ở độ sâu 40m và ngoi lên mặt nước đột ngột, cơ thể không kịp thích nghi với áp suất, đột quỵ là chuyện thường xảy ra với những thợ lặn thiếu kinh nghiệm và Hải đã không thoát khỏi quy luật nghiệt ngã ấy.

Sau ba năm điều trị, Hải cũng trở lại Hoàng Sa với vai trò thuyền trưởng nhưng lặn trở thành điều quá sức, anh chỉ tìm vị trí đánh bắt và ở lại canh tàu, lo hậu cần.

Nhưng đó chưa phải là điều tệ hại. Ở Lý Sơn có những thợ lặn mãi mãi không tỉnh lại. Như thợ lặn Nguyễn Văn Anh (28 tuổi), Nguyễn Văn Tường (25 tuổi). Cả hai bị áp suất nước gây tử vong trong lúc chinh phục độ sâu hơn 40m.

Thuyền trưởng Dương Văn Giàu kể lại chuyện của thợ lặn Nguyễn Văn Anh bằng giọng trầm buồn: “Anh lặn ở độ sâu chừng 43m, khi ngoi lên mặt nước không thực hiện đúng quy trình giảm áp. Dù chúng tôi phát hiện và đưa xuống biển giảm áp nhưng không kịp”.

Những cái chết hoặc thương tật với thợ lặn luôn đến với họ khi còn rất trẻ.

Quảng Ngãi 
có hơn 3.200 
thợ lặn

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 3.200 thợ lặn. Trong đó huyện Lý Sơn có hơn 1.830 thợ lặn, chuyên hành nghề khai thác hải sản ở độ sâu 10 – 70m. Riêng ở xã Bình Châu có 306 tàu thuyền với 1.405 lao động hành nghề lặn biển Hoàng Sa.

Giảm thiểu tai nạn khi lặn biển

Sở Y tế Quảng Ngãi phối hợp với AFEPS đã đào tạo cấp cứu tai nạn lặn cho ngư dân tỉnh với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, AFEPS tài trợ gần 388 triệu đồng. Những kỹ năng căn bản khi gặp những tình huống xấu trong quá trình hành nghề như chảy máu, bỏng, ngạt khí, ngộ độc khí… đều được hướng dẫn.

Ông Nguyễn Tấn Đức, giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết chương trình đã nhiều lần triển khai tại Bình Châu và Lý Sơn, giúp ích rất nhiều cho ngư dân trong lặn biển. “Ngư dân được các chuyên gia trang bị những kiến thức lặn, cấp cứu và xử lý tai nạn trong khi hành nghề lặn ở Hoàng Sa. Trong những năm qua, chương trình đã mang lại hiệu quả lớn, số ca tai biến trong lúc lặn biển giảm” – ông Đức nói.

TRẦN MAI