Không để dân vùng lũ đói, thiếu ăn, thiếu nước sinh hoạt
Những xóm làng bị cô lập nhiều ngày qua sau lũ ở tỉnh Quảng Ngãi được hỗ trợ kịp thời từ màu áo xanh, trong tinh thần “không để dân vùng lũ đói, thiếu ăn, thiếu nước sinh hoạt” mà Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo.
Không để dân vùng lũ đói, thiếu ăn, thiếu nước sinh hoạt
Những xóm làng bị cô lập nhiều ngày qua sau lũ ở tỉnh Quảng Ngãi được hỗ trợ kịp thời từ màu áo xanh, trong tinh thần “không để dân vùng lũ đói, thiếu ăn, thiếu nước sinh hoạt” mà Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo.
màu áo xanh có mặt tại những vùng lũ Quảng Ngãi |
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi yêu cầu các cơ sở Đoàn trực thuộc tạm dừng mọi cuộc họp, công việc không cần thiết, tập trung lực lượng tiến về các vùng lũ.
Lao vào vùng lũ
Rất nhanh chóng, sau cuộc thị sát vùng lũ của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vào chiều 6-12 thì chiều 7-12, hơn 50 ĐVTN của đội thanh niên xung kích Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức chuyến cứu trợ đến huyện Tư Nghĩa, địa phương còn nhiều thôn ngập sâu trong lũ để chuyển mì gói và nước uống đến cho người dân nơi đây.
Xã Nghĩa Thương và Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa) là hai địa phương bị ngập nặng nhất. Trong đó, thôn Vạn An 1 và An Đại 1 nằm dọc triền sông bị cô lập hoàn toàn. Cuộc sống dựa vào những chuyến xuồng cứu trợ của chính quyền.
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi chọn hai thôn này là điểm hỗ trợ khẩn cấp đầu tiên. Thôn Vạn An 1 nằm giữa vòng vây của nước lũ, muốn vận chuyển nhu yếu phẩm vào nhà dân phải “tăng bo” bằng xuồng.
Khi chuyến hàng vừa đến điểm tập kết, anh Đặng Minh Thảo, phó bí thư tỉnh đoàn, lập tức yêu cầu đội xung kích tạo thành một hàng dài chuyển mì gói, nước uống xuống xuồng.
Vừa ôm thùng nước và mì gói, anh Thảo nói lớn: “Nhanh tay lên, người dân đang cần hỗ trợ gấp. Trời tối rồi các bạn”.
Những chuyến hàng nhanh chóng tiến qua dòng nước mênh mông, mặc cơn mưa lớn. Trên dòng nước, một đoàn viên làm nhiệm vụ phủ bạt che mưa. Vừa lo cho xuồng hàng của mình, anh Thảo vừa kêu gọi các đoàn viên trên xuồng khác bảo đảm an toàn chuyến hàng trước mưa gió, mặc áo phao cẩn thận đề phòng dòng nước xiết làm lật xuồng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khắp nơi lên đường vào vùng khó
“Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong những ngày lũ bao vây tỉnh Quảng Ngãi, nhiều xóm làng bị cô lập, rất cần đến sự tiếp sức của đoàn viên thanh niên” – Anh Đặng Minh Thảo (phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi) nói.
Trong sáng 6-12, nhiều huyện đoàn đã tổ chức lực lượng xung kích tiến vào vùng lũ. Ở Sơn Tây, với đặc thù là miền núi, nhiều vùng sạt lở nặng khiến giao thông bị tê liệt, người dân phải băng rừng ra ngoài tìm lương thực.
Nhất là đường Đông Trường Sơn với nhiều điểm sạt lở nặng. Huyện đoàn Sơn Tây đã huy động gần 100 ĐVTN tiến hành khắc phục các điểm sạt lở trên đường Đông Trường Sơn đoạn qua xã Sơn Long và các điểm sạt lở khác trên địa bàn huyện Sơn Tây, nhằm tạm thời đảm bảo giao thông.
Song song với khắc phục điểm sạt lở nặng, tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nhiều ĐVTN túc trực để cảnh báo người dân không đi qua các tuyến đường trên để tránh nguy hiểm.
Đoàn viên Đinh Văn Do cho biết: “Sau khi huyện đoàn lập đội xung kích vào vùng lũ, mình đã đăng ký tham gia. Nhiều tuyến đường được khai thông tạm thời để người dân qua lại, không còn cảnh bị cô lập phải băng rừng ra bên ngoài nữa”.
Màu áo xanh cũng đã có mặt tại vùng lũ của huyện Đức Phổ: anh Trần Công Sứ – phó bí thư Huyện đoàn Đức Phổ – cho biết huyện đoàn đã tổ chức thành lập 15 đội hình thanh niên xung kích bố trí túc trực tại trụ sở UBND 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mỗi đội hình thường trực 15 – 20 thanh niên.
Trường hợp khẩn cấp, lực lượng ĐVTN tại chỗ sẽ được huy động ngay để giúp dân. Những ngày qua, ĐVTN trong huyện đã đến các điểm lũ giúp đỡ người dân di chuyển đồ đạc tránh lũ.
“Ưu tiên tiếp theo của huyện đoàn là sau những chuyến hàng cứu trợ, các đội xung kích phải nhanh chóng có mặt tại các điểm trường bị ngập lụt để dọn dẹp vệ sinh. Làm thế nào để các trường nhanh chóng tổ chức dạy học trở lại. Không để nước rút rồi mà học sinh vẫn phải nghỉ học vì trường còn bề bộn sau lũ” – anh Sứ nói.
Nhìn thấy người dân vùng lũ vui mừng nhận những phần nhu yếu phẩm cứu trợ từ tay mình, các ĐVTN cũng quên luôn cực nhọc, nguy hiểm. Đến chiều tối, khi trời mờ mờ trong mưa, việc chuyển hàng cứu trợ vẫn được tiếp tục.
Anh Đặng Minh Thảo khẳng định: “Đội xung kích thanh niên vào vùng lũ trên toàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ “cực” thêm mấy ngày nữa, đến khi nào mọi sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.
Những chuyến hàng cứu trợ khẩn cấp sẽ tiếp tục đến với bà con vùng lũ. Với phương châm “ở đâu có lũ ở đó có đội thanh niên xung kích”, màu áo xanh của thanh niên Quảng Ngãi đang có mặt tại các “điểm nóng” kịp thời giúp đỡ người dân.
“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Vì lẽ đó, khoảng 3.000 ĐVTN toàn tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng đến với các điểm lũ”.
Thanh niên đến kịp thời, bà con đỡ lắm Giữa vùng lũ, những chuyến hàng của người trẻ hết sức ý nghĩa. Người dân sau mấy ngày bị lũ cô lập, cuộc sống trở nên khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời. Ông Võ Đình Chí, phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương, cho biết ĐVTN đã kịp thời giúp hơn 2.000 nhân khẩu vùng rốn lũ có thức ăn và nước sạch để uống. Khỏi phải nói, người dân đã vui đến mức nào. Khi chuyến hàng đến, nhiều người dân ra nhận hàng. Bà Mai Thị Nở (xã Nghĩa Thương) cho biết: “Bốn ngày qua bị lũ cô lập, ăn uống tạm bợ lắm. Nhất là nước sạch không có để sử dụng, nay có các cháu thanh niên mang đến kịp thời, bà con mừng lắm, đỡ lắm”. |