24/01/2025

Help-Portrait: sau chụp ảnh là sẻ chia tình yêu cuộc sống

Có đến 38.000 bức ảnh chân dung được hàng ngàn nhiếp ảnh gia và tình nguyện viên chụp miễn phí ở nhiều tỉnh, thành phố từ Nam ra Bắc trong suốt sáu năm thông qua ngày hội “Chụp ảnh chân dung cho mọi người” (Help-Portrait).

 

Help-Portrait: sau chụp ảnh là sẻ chia tình yêu cuộc sống

Có đến 38.000 bức ảnh chân dung được hàng ngàn nhiếp ảnh gia và tình nguyện viên chụp miễn phí ở nhiều tỉnh, thành phố từ Nam ra Bắc trong suốt sáu năm thông qua ngày hội “Chụp ảnh chân dung cho mọi người” (Help-Portrait).

 

 

 

Help-Portrait: sau chụp ảnh là sẻ chia tình yêu cuộc sống
Anh Nguyễn Thanh Hải (bìa phải), chủ nhiệm chương trình, và các tình nguyện viên đến với các bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Những em bé dân tộc Mông sống giữa thung lũng Lũng Cẩm ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) bỗng chạy ùa về căn nhà từng là bối cảnh bộ phim Chuyện của Pao. Áo quần mỏng tanh, có em còn không mặc quần giữa cái rét của Tây Bắc.

Không ai xin bánh kẹo, cũng không xin tiền, ánh mắt các em đau đáu nhìn vào bức ảnh tươi rói chụp chân dung của những đứa bạn hàng xóm vừa được in ra.

Các em ngước đôi mắt đen, hai tay nắm chặt vào nhau ngại ngùng nhìn người chụp ảnh, như muốn hỏi em có thể được chụp và in một bức ảnh như bạn mình không.

10, 20 rồi 30… bức ảnh chân dung được trao tận tay các em trong niềm vui tột cùng. Có đến 38.000 bức ảnh chân dung đã được hàng ngàn nhiếp ảnh gia và tình nguyện viên chụp miễn phí ở nhiều tỉnh, thành phố từ Nam ra Bắc trong suốt sáu năm và trao đi như thế thông qua ngày hội “Chụp ảnh chân dung cho mọi người” (Help-Portrait).

Những bức hình đầu tiên

Công nghệ phát triển, ai cũng dễ dàng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh và chụp cho mình hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bức ảnh. Nhưng thật là nghịch lý bởi ngay giữa lòng Sài Gòn vẫn còn lắm góc khuất, có những số phận cơ cực đến độ không có nổi cho mình một bức hình chân dung khi tuổi đã xế chiều.

“Mình có máy ảnh, tại sao không tặng họ một bức chân dung thật đẹp mà miễn phí, đó cũng là cách đem lại cho họ niềm vui” – anh Nguyễn Thanh Hải, chủ nhiệm Help-Portrait VN, chia sẻ.

Từ ý tưởng đó, một nhóm những người điều hành các diễn đàn ảnh trực tuyến đã ngồi lại cùng nhau và cho ra đời ngày hội “Chụp ảnh chân dung cho mọi người” miễn phí lần đầu ở Việt Nam vào năm 2010. Năm đó, điều ấn tượng nhất với những người thực hiện là giọt nước mắt của những người buôn gánh bán bưng lần đầu được chụp ảnh.

“Có chú hề thổi bong bóng ở công viên 30-4, khi chụp hình chú rất vui vẻ nhưng khi nhận ảnh lại bật khóc nức nở. Chú nói đó là lần đầu tiên trong đời cầm trên tay một bức ảnh của chính mình” – anh Hải kể. Năm 2011, một cụ bà bán vé số quê ở miền Tây, “cuốc” bộ từ bến xe Miền Tây sang tận Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1) để nhóm chụp một tấm ảnh “có khuôn mặt nhăn nheo của mình”.

Hay có một vận động viên Vovinam cầm theo tấm huy chương và linh vật Garuda của Sea Games đến chụp hình. “Gặng hỏi mới biết khoảnh khắc đăng quang ở Indonesia vận động viên này chẳng có tấm hình nào cả, giờ mới chụp để lưu giữ một kỷ niệm đẹp trong đời” – anh Hải chia sẻ.

Không chỉ chụp ảnh cho người lao động nghèo Sài Gòn, ngày hội còn lan tỏa đi nhiều nơi với nhiều đối tượng khó khăn khác nhau theo từng năm. Đó là những cụ già sống ở Viện dưỡng lão ở Cần Thơ, người neo đơn tại Đà Lạt, ngư dân làng chài ở Huế, bệnh nhi ung thư tại Hà Nội hay các em bé ở rẻo cao Tây Bắc…

Ở mỗi địa phương, ngày hội đều được hàng trăm tình nguyện viên đứng ra tổ chức, chọn những địa điểm khó khăn và mang niềm vui đến cho họ thông qua các bức ảnh.

Help-Portrait: sau chụp ảnh là sẻ chia tình yêu cuộc sống
Niềm vui của người lao động khi được ngày hội “Chụp ảnh chân dung cho mọi người” chụp và trao tặng bức hình của mình – Ảnh: NGỌC HIỂN

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình…

Ít ai biết được để cho ra lò những tấm ảnh giao liền, các tình nguyện viên của ngày hội phải chuẩn bị cả tháng trước đó. Mỗi nhóm đều đảm trách một nội dung chuyên biệt từ chụp ảnh, chỉnh sửa, in ấn, giao ảnh, trang trí, hậu cần… nhưng đều hoạt động nhịp nhàng với mục đích là cho ra những bức ảnh nhanh nhất, đẹp nhất.

Chứng kiến các bệnh nhi ung thư ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM rộn ràng chụp ảnh, khoe ảnh với gia đình mới cảm nhận hết được hơi ấm của tình người đằng sau mỗi bức ảnh tưởng chừng chỉ là một khoảnh khắc.

Các em được đắm mình trong không khí ngày hội thực sự với những ông già Noel, công chúa tuyết, những cây thông đa sắc màu ngay trên giường bệnh.

Đặc biệt hơn, các tình nguyện viên còn trang điểm, khoác cho các em chiếc áo mới và tặng những phần quà để các em vui hơn, lung linh hơn khi lên hình. Còn đối với người lao động nghèo, người khuyết tật, các cụ già trong viện dưỡng lão…, các nhiếp ảnh gia nán lại trò chuyện thật lâu, giúp họ trút bỏ những tâm sự để đôi môi nở nụ cười tươi nhất khi tiếng màn trập máy ảnh vang lên.

“Không phải chụp một bức ảnh là xong, chúng tôi muốn phải là bức ảnh thật, nụ cười thật của họ. Và để có được điều đó, không gì khác là sự sẻ chia, đồng cảm giữa con người với con người” – chị Nguyễn Huyên Phương chia sẻ.

Kể từ năm 2012, ngày hội phối hợp cùng chương trình “Ước mơ của Thuý” đến các bệnh viện vui chơi và chụp hình tặng các bệnh nhi ung thư ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội.

“Có lần gia đình một bệnh nhi mong muốn được chụp 11 bức hình trong khi tiêu chuẩn mỗi em chỉ được hai tấm. Thì ra hôm đó bệnh viện trả bé về, 11 bức hình đó là ước muốn cuối cùng của gia đình. Không ít gia đình phải sử dụng những tấm ảnh duy nhất được chụp trong ngày hội để đặt bên mộ phần…” – anh Hải chia sẻ.

Đằng sau những nụ cười trong mỗi bức ảnh luôn ẩn chứa các câu chuyện buồn về thân phận con người. Nhưng ít ra đã có những giây phút họ thấy cuộc đời vẫn đẹp và 38.000 nụ cười trong mỗi bức hình là một minh chứng. Đó cũng là ý nghĩa thẳm sâu mà những người tổ chức đã mượn việc chụp ảnh để làm cái cớ cho mỗi người có dịp chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, giúp họ cảm nhận được tấm lòng từ cộng đồng và hun đúc thêm tin yêu vào cuộc sống…

“Một bức ảnh rẻ hơn cả một ổ bánh mì nhưng lại mang đến cả nụ cười, nó mở cánh cửa tâm hồn của người trao lẫn người nhận và lòng yêu thương con người được dịp nở hoa” – nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải nói.

Ngày hội “Chụp ảnh chân dung cho mọi người” do cộng đồng Help-Portrait VN, Hội LHTN VN TP.HCM, chương trình “Ước mơ của Thúy” (báo Tuổi Trẻ) và CLB Những ước mơ xanh phối hợp tổ chức sẽ diễn ra ngày 10-12 tại 15 tỉnh, thành trên cả nước. Dự kiến có 10.000 bức ảnh chân dung, ảnh gia đình sẽ trao tặng đến mọi người thông qua 70 điểm chụp ảnh tại các bệnh viện, khu dân cư, viện dưỡng lão…

Tại TP.HCM, những người hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được chụp và in ảnh có thể đến trực tiếp điểm trung tâm của ngày hội, số 5 Đinh Tiên Hoàng (Q.1).

NGỌC HIỂN